Báo Đồng Nai điện tử
En

Mấy giả thiết về tên gọi suối Săn Máu

Trần Chiêm Thành
07:25, 11/05/2024

Ngày nay, tên gọi suối/ cầu Săn Máu ở Biên Hòa đã trở nên phổ biến và mọi người mặc nhiên chấp nhận, kể cả các văn bản hành chính.

Có nhiều giả thiết về việc hình thành tên gọi này, chủ yếu là ở tên suối Săn Máu, còn tên cầu Săn Máu là do chiếc cầu bắc qua suối Săn Máu mà thôi. Cầu Săn Máu nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc, ranh giới phường Trảng Dài và Hố Nai.

Thực tế, bắc qua con suối này hiện nay có nhiều cây cầu với những tên gọi khác nhau là: cầu Đồng Khởi trên đường Đồng Khởi, cầu Tân Hiệp gần chợ Tân Phong, cầu Mương Sao trên đường Phạm Văn Thuận, cầu Đồng Tràm trên đường Võ Thị Sáu.

Trong công trình Địa danh hành chính - văn hóa - lịch sử của Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai (Trần Quang Toại chủ biên, Nhà xuất bản Đồng Nai, năm 2013), trong phần Địa danh lịch sử có mục từ Săn Máu. Liên quan đến tên gọi suối Săn Máu, theo sách này Săn Máu “còn gọi Sơn Máu, Săng Máu, suối Máu”.

Nhờ một cơ duyên, tôi có tài liệu tạm gọi là “tài liệu nguồn” khả tín là bản photocopy cuốn 2 bộ Biên Hòa sử lược của tác giả Lương Văn Lựu mà bản chính gần như tuyệt bản, có thoáng thấy trên mạng nhưng tìm lại không thấy. Cuốn 2 bộ “sử lược” này có tựa nhỏ là Biên Hùng oai dũng, do tác giả tự xuất bản năm 1972 và giữ bản quyền (cuốn 1 có tên là Trấn Biên cổ kính, được tái bản sau năm 1975).

Cuốn 2 Biên Hùng oai dũng có một mục khá dài về suối Sơn Máu (tên gọi trong sách - chúng tôi nhấn mạnh) và đó là một câu chuyện thú vị. Chẳng là tác giả Lương Văn Lựu quen biết với bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Tâm Trí trước năm 1975 (nay là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2). Có con suối ngang qua bệnh viện nhưng nhiều tên gọi khác nhau, quen biết và tôn trọng nhau, bác sĩ Tuấn Anh nhã ý nhờ ông Lương Văn Lựu tìm hiểu và xác định tên gọi nào là chính xác.

Tác giả Biên Hòa sử lược đã khảo sát theo phương pháp loại trừ dần. Săng Máu không đúng vì cây săng là loại cây cứng, có củi săng, loại cây này không có “máu”.

Ghép theo từ tiếng Pháp “sang” có nghĩa là máu và ghép với “máu” trong tiếng Việt không có cơ sở thuyết phục. Nếu gọi theo tiếng Pháp có nghĩa là “máu” thì chỉ là “xăng”, chẳng có ý nghĩa gì.

Gọi là suối Máu không có lý, vì nước ở đây không đỏ (như trường hợp tên gọi Hồng Hà, sông Hồng, mùa lũ nước có màu đỏ phù sa).

Tác giả khẳng định, tên đúng là sơn máu vì vùng này có cây sơn, còn gọi là cây tất. Cây sơn thì có nhiều loại, sách này dẫn ra các loại cây sơn đen, sơn trắng, sơn lu, sơn chiết… và giải thích cây sơn máu là “cây suôn (trong sách viết là suông - NV ), trên ngọn nhánh tỏa tàn dù, mọc theo gò, lá dài như lá vú sữa, mủ đỏ, màu máu, như mủ cây ngành ngạnh, loại cây tạm dùng làm guốc” ( trang 84, sách đã dẫn).

Tra cứu cuốn Cây cỏ miền Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, có 15 mục từ cây sơn khác nhau. Ngoài các loại cây sơn đã dẫn trong sách Lương Văn Lựu, sách  Phạm Hoàng Hộ còn có sơn cóc, sơn dày, sơn dầu, sơn đậu, sơn dịch, sơn mảnh, sơn nước, sơn quả, sơn tần, sơn trà, sơn trái to, sơn vé, sơn vôi. Loại cây sơn như cây sơn mô tả trong sách Lương Văn Lựu, sách của Phạm Hoàng Hộ chú giải có tên khoa học là gareinia merguenais, một loại đại mộc, vỏ dùng để nhuộm (trong sách gọi là sơn vé). Có cây sơn khác, nang màu đỏ, mủ độc, làm sưng và ngứa.

Trên đây là các giả thiết về tên Săn Máu đang phổ biến hiện nay, bài viết chỉ xin cung cấp cứ liệu.              

Trần Chiêm Thành

Tin xem nhiều