Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác không gian tầng cao cho đô thị Biên Hòa

Phạm Tùng
07:35, 11/05/2024

Biên Hòa dù là đô thị loại I và là thành phố trực thuộc tỉnh có quy mô lớn nhất cả nước nhưng hiện nay về mặt phát triển đô thị vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, việc khai thác không gian tầng cao gần như đang còn bỏ ngỏ.

 Không gian tầng cao tại đô thị Biên Hòa còn dư địa lớn để quy hoạch khai thác.
 Không gian tầng cao tại đô thị Biên Hòa còn dư địa lớn để quy hoạch khai thác.

Chính vì vậy, dư địa phát triển chiều cao đối với không gian đô thị Biên Hòa hiện còn rất lớn. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp phát triển đô thị trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp.

Thiếu công trình cao tầng xứng tầm

Thành phố Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh, chính vì vậy, những năm qua, nhiều dự án phát triển hạ tầng đã được đầu tư, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông nên đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển.

Cùng với đó, không gian cảnh quan đô thị Biên Hòa đang tồn tại nhiều hạn chế, thiếu điểm nhấn tạo nên bản sắc riêng. Đặc biệt, một thực trạng có thể dễ dàng nhận thấy là đô thị Biên Hòa đang thiếu đi các công trình cao tầng tương xứng để tạo lập bộ mặt của một đô thị hiện đại.

Có thể nói, trong các đô thị hiện đại không thể thiếu hình ảnh của các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, đối với đô thị Biên Hòa, số lượng các công trình cao tầng, tạo được điểm nhấn riêng là chưa nhiều.

Theo đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đối với tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan, khu vực nội thành, nội thị của thành phố Biên Hòa hiện nay mới đạt 24 điểm, tức đạt khoảng 78% chỉ tiêu so với thang điểm tối đa theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 (ngày 21-9-2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 (ngày 25-5-2016) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, thành phố Biên Hòa hiện nay chỉ có một số tòa nhà cao tầng đúng nghĩa là tòa nhà Sonadezi, TTC Plaza, khách sạn The Mira Central Park… “Với một đô thị loại I phát triển theo hướng hiện đại, tiếp giáp với đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị của tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu mà đến thời điểm này mới chỉ có một số công trình cao tầng là quá ít. Thành phố Biên Hòa hiện cũng chưa có công trình “chọc trời” nào” - ông Hồ Văn Hà nêu quan điểm.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên, hình thái kiến trúc của đô thị Biên Hòa là hình thái kiến trúc cũ - mới đan xen. Bên cạnh những công trình cũ, có một vài công trình mới bề thế, khang trang, kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay, thành phố Biên Hòa chưa có công trình điểm nhấn cả về tầm vóc lẫn chiều cao công trình. “Ví dụ như thành phố Biên Hòa hiện vẫn chưa có một cao ốc nào xứng tầm”- ông Đỗ Khôi Nguyên chia sẻ.

Quy hoạch khai thác không gian tầng cao

Hiện nay, thành phố Biên Hòa đang triển khai lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2045. Đồng thời, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện chỉnh trang đô thị. Đây được xem là thời điểm thuận lợi để các cơ quan chức năng quy hoạch nhằm khai thác tốt không gian tầng cao của đô thị Biên Hòa thời gian tới.

Tòa nhà Sonadezi (phường An Bình) là một trong các tòa nhà cao tầng tương xứng hiếm hoi tại đô thị Biên Hòa hiện nay.
Tòa nhà Sonadezi (phường An Bình) là một trong các tòa nhà cao tầng tương xứng hiếm hoi tại đô thị Biên Hòa hiện nay.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà, đối với quá trình chỉnh trang, tái thiết đô thị Biên Hòa, ở góc độ của Sở Xây dựng, đơn vị đề xuất thí điểm phát triển không gian tầng cao ở một số vị trí để tạo dựng điểm nhấn. Cụ thể, theo ông Hà, việc tái thiết đô thị Biên Hòa ở một số vị trí nơi có các công trình cũ bị loại bỏ thì thành phố nên mạnh dạn quy hoạch quỹ đất với “công thức” 60% dành để phát triển các công trình, không gian công cộng, phục vụ sinh hoạt cộng đồng. “Với 40% quỹ đất còn lại thì phát triển các tòa nhà chọc trời. Các công trình này sẽ tích hợp đầy đủ hạ tầng thương mại, dịch vụ để hình thành các khu ở xứng tầm với vị thế của đô thị Biên Hòa” - ông Hà đề xuất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, thành phố Biên Hòa hiện nay phát triển về chiều cao chưa nhiều nên dư địa phát triển chiều cao còn rất lớn. Do đó, trong quá trình thực hiện đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, cần tính toán kỹ những khu vực nào được phép phát triển chiều cao và những khu vực nào không được phép phát triển chiều cao. “Việc quy hoạch các khu vực được phép phát triển chiều cao cần được tính toán trên cơ sở loa bay của các sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành và Biên Hòa. Khu vực nào nằm ngoài loa bay của các sân bay này thì mới tính toán phát triển chiều cao” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, việc tính toán quy hoạch phát triển không gian chiều cao của đô thị Biên Hòa cần được bàn tính kỹ với các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng trước khi tích hợp vào quy hoạch.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều