Ông Alfred Nobel được sinh ra ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển; có tên đầy đủ là Alfred Bernhard Nobel; là người con thứ ba trong gia đình có truyền thống về kỹ thuật và hóa học.
Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển (phải) trao Giải thưởng Nobel Vật lý cho ông Pierre Agostini tại Konserthuset Stockholm vào ngày 10-12-2023. Nguồn: Nanaka Adachi/nobelprize.qbank.se |
ông Alfred Nobel đã sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để thành lập Giải thưởng Nobel, được trao cho những thành tựu vĩ đại nhất trên toàn thế giới.
Xuất thân từ một gia đình kinh doanh
Ông Alfred Nobel sinh ngày 21-10-1833. Cha ông tên Immanuel Nobel; là nhà phát minh, nhà thầu xây dựng đã thực hiện nhiều cây cầu và tòa nhà tại Stockholm; đồng thời cũng tiến hành nhiều thí nghiệm về kỹ thuật nổ đá nhằm phục vụ cho ngành xây dựng. Sau một vài biến cố do mất một số lượng lớn sà lan và vật liệu xây dựng, cha ông đã phá sản vào đúng năm ông ra đời. Mẹ ông là bà Andriette Ahlsell, xuất thân từ một gia đình giàu có.
Năm 1837, ông Immanuel Nobel đã tạm xa gia đình ở Stockholm và bắt đầu sự nghiệp mới ở Phần Lan và Nga. Để hỗ trợ gia đình, bà Andriette Ahlsell mở một cửa hàng tạp hóa với thu nhập khiêm tốn. Trong khi đó, ông Immanuel Nobel ngày càng phát đạt với công việc kinh doanh mới ở thành phố Saint Petersburg (Nga). Ông đã thành lập một xưởng cơ khí chuyên cung cấp các thiết bị cho quân đội Nga và thuyết phục Sa hoàng cùng các tướng lĩnh rằng các loại mìn của ông có thể ngăn chặn tàu hải quân địch đe dọa thành phố.
Mìn hải quân do ông Immanuel Nobel thiết kế đơn giản, bao gồm những thùng gỗ chứa đầy thuốc súng và nước, được thả neo ở vịnh Phần Lan, ngăn chặn hiệu quả Hải quân Hoàng gia Anh trong Chiến tranh Krym (1853-1856). Ông Immanuel Nobel là người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất vũ khí và thiết kế động cơ hơi nước.
Khi đạt được thành công trong công việc làm ăn, năm 1842, ông Immanuel Nobel đã đón gia đình đến Saint Petersburg sinh sống và thuê giáo viên dạy khoa học tự nhiên, ngôn ngữ và văn học cho các con trai.
Sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp
Đến năm 17 tuổi, ông Alfred Nobel đã thông thạo nhiều ngoại ngữ: Thụy Điển, Nga, Pháp, Anh và Đức. Ông để tâm nhiều đến văn học và thơ ca Anh, cũng như hóa học và vật lý. Cha ông luôn muốn các con trai tham gia vào công việc kinh doanh với tư cách là kỹ sư, không thích ông Alfred Nobel học thơ ca và để ý thấy ông Alfred Nobel sống khá nội tâm.
Để mở rộng tầm nhìn cho ông Alfred Nobel, cha ông đã gửi ông ra nước ngoài để đào tạo thêm về kỹ thuật hóa học. Trong thời gian 2 năm, ông đã đến các nước: Thụy Điển, Đức, Pháp và Mỹ. Tại Paris (Pháp), thành phố mà ông yêu thích nhất, ông đã làm việc trong phòng thí nghiệm tư nhân của giáo sư T.J.Pelouze - một nhà hóa học nổi tiếng. Nơi đây, ông Alfred Nobel đã gặp nhà hóa học trẻ người Italy Ascanio Sobrero, người đã phát minh ra nitroglycerine - một chất lỏng dễ nổ. Nitroglycerine được đánh giá là quá nguy hiểm để có thể sử dụng trong thực tế. Mặc dù sức nổ vượt xa thuốc súng nhưng chất lỏng này phát nổ theo cách vô cùng khó lường dưới tác động của nhiệt độ và áp suất.
Năm 1968, Sveriges Riksbank (Ngân hàng Trung ương Thụy Điển) thành lập Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học kinh tế để tưởng nhớ ông Alfred Nobel. Từ năm 1901-2023, Giải thưởng Nobel và Giải thưởng Sveriges Riksbank đã được trao 621 lần cho 1.000 cá nhân và tổ chức.
Ông Alfred Nobel quan tâm nhiều đến nitroglycerine, cũng như cách ứng dụng của hợp chất này vào thực tế trong xây dựng công trình. Ông cũng nhận ra rằng các vấn đề an toàn cần phải được giải quyết và phải phát triển được một phương pháp để kiểm soát việc kích nổ nitroglycerine. Tại Mỹ, ông đến thăm kỹ sư người Mỹ gốc Thụy Điển John Ericsson - người đã phát triển chân vịt trục vít cho tàu thủy. Năm 1852, ông Alfred Nobel được yêu cầu quay lại phụ giúp việc kinh doanh của gia đình đang phát đạt nhờ những đơn đặt hàng của quân đội Nga. Cùng với cha, ông đã thực hiện các thí nghiệm để phát triển nitroglycerine thành một chất nổ có giá trị về cả thương mại và kỹ thuật.
Khi chiến tranh kết thúc và thời thế thay đổi, cha ông một lần nữa lại phá sản, cùng 2 con trai là Alfred Nobel và Emil Nobel rời Saint Petersburg trở về Stockholm. 2 người con trai còn lại là Robert Nobel và Ludvig Nobel vẫn ở lại Saint Petersburg, cùng nhau vượt qua vô vàn khó khăn để cứu vãn doanh nghiệp của gia đình, tiếp tục tìm hướng phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ ở phía Nam nước Nga.
Hoài bão với giải thưởng
Năm 1863, ông Alfred Nobel trở về Thụy Điển tập trung phát triển chất nổ nitroglycerine. Thật không may, một thí nghiệm vào năm 1864 đã khiến người em trai Emil Nobel của ông thiệt mạng. Điều này khiến chính quyền nơi đây nhận định việc sử dụng nitroglycerine là cực kỳ nguy hiểm và ra lệnh cấm thử nghiệm nitroglycerine trong phạm vi Stockholm. Ông Alfred Nobel phải chuyển toàn bộ phòng thí nghiệm đến một chiếc sà lan neo đậu trên hồ Mälaren. Sau nhiều nỗ lực, ông có thể kiểm soát và bắt đầu sản xuất hàng loạt nitroglycerine.
Để việc xử lý nitroglycerine an toàn hơn, ông Alfred Nobel đã thử nghiệm với các chất phụ gia khác nhau. Ông nhanh chóng phát hiện nitroglycerine trộn với kieselguhr (đất tảo cát) tạo thành một hỗn hợp sệt dễ dàng tạo hình với kích thước phù hợp để nhét vào các lỗ khoan. Năm 1867, ông được cấp bằng sáng chế cho vật liệu này với tên gọi là thuốc nổ. Để có thể kích nổ vật liệu này, ông cũng đã phát minh ra một ngòi nổ (nắp nổ) có thể đánh lửa bằng cách đốt cầu chì. Những phát minh này ra đời cùng lúc với mũi khoan kim cương và máy khoan khí nén được đưa vào sử dụng rộng rãi. Những phát minh này đã cùng nhau làm giảm đáng kể chi phí nổ đá, khoan đường hầm, xây dựng kênh mương và nhiều hình thức xây dựng khác.
Thị trường thuốc nổ và ngòi nổ phát triển rất nhanh và ông Alfred Nobel cũng chứng tỏ mình là một doanh nhân rất khéo léo. Đến năm 1865, nhà máy của ông ở Krümmel gần khu vực Hamburg (Đức) đã xuất khẩu chất nổ nitroglycerine sang các nước khác ở châu Âu, châu Mỹ và Australia.
Ông đã thành lập nhiều nhà máy và phòng thí nghiệm ở khoảng 90 địa điểm khác nhau tại hơn 20 quốc gia. Mặc dù phần lớn cuộc đời ông sống ở Paris nhưng ông vẫn thường xuyên đi du lịch khắp nơi. Khi không đi du lịch hoặc không phải tham gia các hoạt động kinh doanh, ông dành thời gian nhốt mình trong các phòng thí nghiệm khác nhau. Ông tập trung vào phát triển công nghệ nổ cũng như các phát minh hóa học khác, bao gồm các vật liệu như: cao su tổng hợp, da, tơ nhân tạo… Đến khi qua đời vào năm 1896, ông đã có 355 bằng sáng chế.
Công việc bận rộn và đi du lịch thường xuyên khiến ông Alfred Nobel không có thời gian dành cho cuộc sống riêng tư. Ở tuổi 43, ông cảm thấy mình chẳng khác nào như một ông già. Vậy nên, có lần ông đã quảng cáo bản thân để tìm bạn với nội dung: “Quý ông lớn tuổi, giàu có, học vấn cao, tìm quý cô ở độ tuổi trưởng thành, thông thạo ngoại ngữ, làm thư ký và chăm lo gia đình”.
Ứng viên đạt tiêu chuẩn nhất là một phụ nữ người Áo, nữ Bá tước Bertha Kinsky. Sau một thời gian ngắn làm việc cho ông Alfred Nobel, bà quyết định trở lại Áo để kết hôn với Bá tước Arthur von Suttner. Dù vậy, ông Alfred Nobel và bà Bertha von Suttner vẫn là bạn bè và viết thư cho nhau trong nhiều thập kỷ. Suốt nhiều năm, bà Bertha von Suttner ngày càng chỉ trích gay gắt cuộc chạy đua vũ trang và đã viết cuốn sách nổi tiếng có tên: Lay Down Your Arms (tạm dịch Bỏ vũ khí xuống) và trở thành một nhân vật nổi bật trong phong trào vì hòa bình. Điều này đã tác động rất nhiều đến ông Alfred Nobel, khiến ông đã thêm giải thưởng dành cho những cá nhân hoặc tổ chức thúc đẩy hòa bình khi viết di chúc cuối cùng. Vài năm sau cái chết của ông Alfred Nobel, Quốc hội Na Uy đã quyết định trao Giải Nobel Hòa bình năm 1905 cho bà Bertha von Suttner.
Sự vĩ đại của ông Alfred Nobel là khả năng kết hợp trí tuệ sâu sắc của nhà khoa học và nhà phát minh với động lực hướng tới tương lai của nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Ông rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến hòa bình và xã hội, đồng thời có nhiều quan điểm được coi là cấp tiến trong thời đại của ông. Ông yêu thích văn học và đã viết nhiều tác phẩm thơ và kịch. Giải thưởng Nobel đã trở thành một phần mở rộng và thỏa mãn niềm đam mê cả đời của ông.
Ông Alfred Nobel qua đời tại San Remo (Italy) vào ngày 10-12-1896. Khi di chúc của ông được công bố, người ta ngạc nhiên vì tài sản của ông được sử dụng cho các Giải thưởng: Vật lý, Hóa học, Sinh lý học, Y học, Văn học và Hòa bình. Người thực hiện di chúc của ông là 2 kỹ sư trẻ Ragnar Sohlman và Rudolf Lilljequist. Các kỹ sư này bắt đầu thành lập Quỹ Nobel như một tổ chức để quản lý tài chính mà ông Alfred Nobel để lại cho mục đích cao cả của ông và điều phối công việc của các tổ chức trao giải.
Minh Huyền
(biên dịch theo nobelprize.org/biography.com)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin