Tháng tư, nắng vàng rực trên những con đường oi ả. Những ngày này, từng đoàn người nghiêng mình vào viếng các nghĩa trang liệt sĩ. Và ký ức ta lại vang vọng thanh âm khúc ca khải hoàn của ngày tháng tư lịch sử tiến về giải phóng Sài Gòn…
Côn Đảo - bản hùng ca bất diệt. Ảnh: Huy Anh |
Ngày còn sống, cứ đến ngày 30-4, cha lại thường ngồi lật giở những kỷ vật một thời nơi chiến trường xưa. Những tấm ảnh, những lá thư ố vàng… cứ thế đưa cha về năm tháng tuổi trẻ khoác ba lô, vác súng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Tuổi thanh xuân gác lại những ước mơ sách vở, giảng đường hừng hực khí thế lên đường chiến đấu. Ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn in đậm những lời cha kể về ngày ba mươi tháng tư hào hùng ấy.
Đó là lúc 17h ngày 26-4-1975, năm cánh quân của quân đội ta gồm 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 nổ súng bắt đầu cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn. Đó là vào lúc 10h45 ngày 30-4-1975, quân ta tiến đánh vào Dinh Độc lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Và thời khắc lịch sử 11h30, lá cờ cách mạng đã kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, Bắc Nam một nhà non sông một dải.
Tháng tư, tôi nhớ cũng vào một ngày tháng tư cùng bạn bè đồng nghiệp là giáo viên Đồng Nai ra thăm Côn Đảo… Tôi thật sự cảm nhận được một “Côn Đảo của địa ngục trần gian” khi ghé thăm nhà chúa đảo. Những hình ảnh, hiện vật lịch sử làm anh bạn đồng nghiệp tôi đã phải thốt lên: “Còn hơn cả địa ngục trần gian”. Tôi không khỏi bùi ngùi và khâm phục biết bao nhiêu về lòng dũng cảm và sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nơi đây… Có tận mắt chứng kiến những trại giam mới càng rõ hơn, thấm thía những đau khổ, những chịu đựng xiềng xích của bao người tù chính trị. Ấy vậy mà ý chí người cộng sản vẫn kiên cường chẳng hề nao núng. Đến nghĩa trang Hàng Dương là nơi hơn hai chục ngàn chiến sĩ cộng sản bị tra tấn đến chết đã nằm xuống mãi mãi bên sóng biển quê hương, lòng tôi dâng trào xúc động. Một Côn Đảo thiêng liêng còn đọng mãi trong tôi một bảo tàng sống, về ý chí cách mạng của cha ông…
Tháng tư, theo lời dặn của cha, tôi lại đến thăm những nghĩa trang liệt sĩ, nơi có bao đồng đội cha đang yên nghỉ. Những tên người đáng kính, những tên quê mộc mạc khắp miền đất nước đã cho tôi thêm nhiều lý tưởng, trách nhiệm cống hiến. Và trong những tiết dạy lịch sử của mình, tôi đã kể cho các em học sinh nghe những năm tháng chiến đấu anh dũng của ông cha, những sự kiện, câu chuyện lịch sử về những ngày tháng tư oai hùng, về những người con đất Việt anh dũng…
Tháng tư, chúng ta tự hào non sông Việt Nam một dải, tự hào về cha ông ta, về những người con đất Việt đã ngã xuống cho ngày tháng tư lịch sử hào hùng của dân tộc, cho đất mẹ nở hoa…
Duyên Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin