Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp đẩy lùi nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Minh Ngọc
20:00, 12/04/2024

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong quý I-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó 3 người tử vong.

Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản)…

Nguyên nhân nữa là do ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…

Lựa chọn thực phẩm như thế nào cho đảm bảo; ăn uống ở đâu để không mất vệ sinh, an toàn? Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời dù những thông tin chỉ dẫn khá nhiều, như: mua thực phẩm phải chọn nơi uy tín, rõ nguồn gốc, xuất xứ; chọn quán ăn sạch sẽ, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tuy nhiên, qua công tác thanh kiểm tra cho thấy, ngay cả những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được xem là uy tín vẫn có lúc, có nơi bất chấp quy định, bỏ qua những nguyên tắc về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc thương hiệu bánh mì Phượng nổi tiếng ở Hội An khiến 150 khách hàng bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện là một minh chứng.

Trong các loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ bị ngộ độc nhiều nhất. Tuy nhiên, do thói quen, nhiều người vẫn thích thức ăn đường phố do tiện dụng, giá rẻ… Việc quản lý các cơ sở kinh doanh này khá khó khăn do số lượng cơ sở lớn lại thường xuyên có sự thay đổi về địa điểm. Dù đã có những quy định hoạt động cho loại hình kinh doanh này nhưng ý thức chấp hành của cơ sở chưa cao, dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khá lớn.

Theo các chuyên gia y tế, những ngày này khi nhiệt độ lên tới trên 400C, nắng nóng gay gắt là điều kiện khá lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh so với thời tiết bình thường. Do đó, để tránh nguy cơ bị ngộ độc, người dân cần đặc biệt chú ý đến khâu chế biến và bảo quản thực phẩm. Chỉ nên nấu lượng thực phẩm đủ dùng ở từng bữa ăn, hạn chế thức ăn dư. Nếu dư, phải bảo quản ngay trong tủ lạnh nhưng cũng nên sử dụng an toàn nhất sau 24h.

Với những người không có thời gian nấu nướng, thường xuyên ăn ở hàng quán, biện pháp tốt nhất vẫn là chọn ăn ở địa chỉ đáng tin cậy, quan sát thức ăn đang còn mới, ngửi không có mùi lạ…

Vì sự an toàn của sức khỏe, tính mạng, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân cùng nâng cao ý thức, tuân thủ những quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần đẩy lùi nguy cơ bị ngộ độc, giảm đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc có khả năng xảy ra.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều
Đồ ăn chó Thức ăn khô cho chó