Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng của tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Hồng Phúc
07:10, 27/04/2024

Ngày 30-4-1975, nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, một thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn và mọi hoạt động lại trở lại bình thường sau đó rất nhanh. Để có một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn sau chiến tranh, để mọi hoạt động sau ngày 30-4-1975 không bị gián đoạn, có công lao đóng góp vĩ đại và thầm lặng của tất cả các giới đồng bào.

Tiếp nối truyền thống.
Tiếp nối truyền thống. Ảnh: PHẠM THIÊN LONG

Tối 2-5-1975 - 2 ngày sau ngày thống nhất đất nước, đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn và toàn bộ nội các của ông được trao trả tự do. Trong buổi lễ này, ông Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.

Hàng loạt phong trào của trí thức miền Nam lên án chiến tranh, kêu gọi hòa bình

Trước đó, trưa 30-4-1975, phát biểu trực tiếp trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Thủ tướng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, luật sư Vũ Văn Mẫu đã nói: “Trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của cách mạng”.

Giữa đô thành Sài Gòn trong những năm tháng chiến tranh đã xuất hiện hàng loạt những phong trào của trí thức miền Nam lên án chiến tranh, kêu gọi hòa bình, đó là: Phong trào Hòa bình, Ủy ban Cứu tế và bảo vệ tính mạng, tài sản của dân chúng, Hát cho đồng bào tôi nghe, Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống, Phong trào Dân tộc tự quyết, Ủy ban Vận động hòa bình, Lực lượng Quốc gia tiến bộ, các phong trào đấu tranh của người Hoa ở Sài Gòn.

Luật sư TRIỆU QUỐC MẠNH, một đảng viên, thành viên của Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định, người nắm giữ cương vị Giám đốc Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định những ngày cuối tháng 4-1975 của chế độ Sài Gòn trong cuốn sách Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2023, đã viết: trong những ngày cuối cùng ấy, các viên chức chế độ Sài Gòn vẫn bám trụ tới cùng để làm tròn bổn phận. Nhiều ngôi nhà ở Sài Gòn dù chủ đã di tản song mọi đồ vật trong nhà vẫn ngăn nắp, không bị đập phá. Tác giả kết luận: “Sài Gòn nguyên vẹn khi hòa bình vãn hồi là một kỳ công vĩ đại của những người dù có khuynh hướng khác nhau đi nữa nhưng cùng chung ý thức bảo tồn thành phố lịch sử này”.          

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một tổ chức đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris đã ra đời, đó là Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, quy tụ rất nhiều tên tuổi lớn của giới trí thức miền Nam. Những tên tuổi trí thức lớn đấu tranh cho hòa bình giai đoạn ấy có thể kể tới như: luật sư Trần Ngọc Liễng, người tổ chức Lực lượng Quốc gia tiến bộ (năm 1969), Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris (năm 1974). Tháng 4-1975, luật sư tham gia Chính phủ dưới thời Tổng thống Dương Văn Minh với chức vụ là Quốc vụ khanh. Tháng 11-1975, ông là thành viên dự Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước và sau đó ông tham gia MTTQ Việt Nam, là Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối đời, ông đi tu với pháp danh là Tỳ kheo Thích Kiến Huyền tại Thiền viện Thường Chiếu (huyện Long Thành).

Giáo sư Lý Chánh Trung, một trí thức lớn, từng giữ chức Giám đốc Nha Trung học công lập chính quyền Sài Gòn, sau năm 1975, giáo sư trở thành Đại biểu Quốc hội và tham gia MTTQ Việt Nam. Nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, dân biểu đối lập trong Hạ viện Sài Gòn, sau này trở thành Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh…

Trong Hồi ký Không tên, Tổng trưởng Thông tin chính quyền Dương Văn Minh là Lý Quí Chung cho biết, những ngày ấy ở miền Nam Việt Nam, chỉ cần ai đó có chút suy nghĩ cũng biết rằng: tình thế sụp đổ của chính quyền Sài Gòn là không thể cứu vãn. Tuy nhiên, tướng Dương Văn Minh đã nhận lời lên làm tổng thống để “vác cờ trắng đầu hàng”. Khi lên làm tổng thống, tướng Dương Văn Minh đã bổ nhiệm chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, một cơ sở ngầm của phía cách mạng làm Phụ tá Bộ Tổng tham mưu và thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, một cơ sở của Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định nắm cảnh sát thủ đô. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của chính quyền Sài Gòn do một giáo sư đại học nắm (giáo sư Bùi Tường Huân)… Giáo sư Vũ Văn Mẫu, một học giả lớn về luật của Việt Nam, người từng từ chức ngoại trưởng để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Chính quyền Ngô Đình Diệm đã nhận lãnh trách nhiệm đứng ra đảm nhiệm cương vị thủ tướng cuối cùng trong một ngày…

Giá trị của ngày giải phóng

Trưa 30-4-1975, theo dự kiến, Chính phủ Vũ Văn Mẫu sẽ trình diện Tổng thống Dương Văn Minh và trong buổi trình diện này có một bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn để đọc trong buổi ra mắt. Tuy nhiên, trưa hôm đó, quân giải phóng vào dinh nên bài diễn văn bị bỏ dở. Thế nhưng, tinh thần của bài diễn văn ấy thể hiện rõ tinh thần dân tộc của những người trí thức khi ấy: “Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã từng nhiều lần kêu gọi phía Việt Nam Cộng hòa có một Chánh phủ hòa bình, với các nhân vật không dính líu với chế độ Nguyễn Văn Thiệu, để tái lập thương nghị. Chính phủ hòa bình nay giờ đây đã được thành lập. Thành phần thứ ba đã đứng lên để đóng góp cho sứ mạng hòa bình, cho sự nghiệp hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đồng bào toàn quốc đang trông chờ từng ngày, từng giờ, từng phút để máu và nước mắt dân tộc ngưng chảy vì chiến cuộc. Chúng tôi thiết nghĩ rằng, những người anh em phía bên kia chắc cũng không vui sướng trước cảnh súng đao và các tang tóc điêu tàn của đồng bào ruột thịt. Chúng tôi tin tưởng rằng mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu, cũng có thể được giải quyết trên bàn hội nghị với tinh thần hòa giải, hòa hợp và tình huynh đệ giữa những người con cùng một mẹ Việt Nam. Tại sao chúng ta còn cần phải bắn giết lẫn nhau, gây thêm tang tóc, đau thương, cùng cực cho nhau, khi chính sách Nguyễn Văn Thiệu đã cáo chung và các người lãnh đạo chế độ này đã đưa nhau xa lìa tổ quốc, nếu không muốn nói là chạy trốn?”.

Thêm yêu biển đảo quê hương.
Thêm yêu biển đảo quê hương.

Lịch sử Nam Bộ kháng chiến cho biết, trước khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, tướng tình báo Pháp là Francois Vanussème (khi ấy là đại tá) đến gặp các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền - Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn và Vũ Văn Mẫu vào sáng 30-4 để đề nghị Việt Nam Cộng hòa tiến hành hoãn binh, không đầu hàng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà tiếp tục đưa ra yêu sách thành lập chính phủ liên hiệp…

Tuy nhiên, Tổng thống Dương Văn Minh đã trả lời đại ý ông đã cả đời làm tay sai và giờ này ông quyết định không làm tay sai cho ai nữa. Chính bởi tinh thần dân tộc và thức thời nên ông Dương Văn Minh và toàn bộ chính quyền của ông đã sớm đầu hàng quân giải phóng miền Nam Việt Nam, góp phần giảm thiểu tối đa đổ vỡ, mất mát. Có thể nói, tất cả đã xuất hiện rất đúng lúc, trong một thời điểm quyết định góp phần làm cho cuộc chiến vốn đã khốc liệt bớt mất mát, khổ đau…

Năm 2004, khi xuất bản cuốn Hồi ký không tên, cựu dân biểu 3 nhiệm kỳ chế độ Sài Gòn, cựu Tổng trưởng Thông tin chính quyền Dương Văn Minh Lý Quí Chung đã kết luận: “30 năm sau nhìn lại ngày 30-4 mới thấy rõ hơn giá trị của ngày giải phóng. Nếu không có ngày đó - chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của người Mỹ, giành được độc lập và thống nhất cho xứ sở - thì chắc chắn đất nước hôm nay không an bình và phát triển, ổn định như đang có”.

Hồng Phúc

Tin xem nhiều