Hình ảnh rồng được xem là biểu tượng của uy quyền hay quyền lực của vua chúa trong chế độ quân chủ phong kiến. Với xứ Đồng Nai - được hiểu là cả vùng đất Nam bộ ngày nay, hình ảnh rồng khá phổ biến trong văn hóa nghệ thuật với ý nghĩa tốt đẹp và bình an; sang trọng, sức mạnh và quyền uy.
Tượng rồng ngay cổng khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa). Ảnh: VĨNH QUỲNH |
Chứa đựng nhiều giá trị
Nhiều vùng đất, đơn vị hành chính ở xứ Đồng Nai được đặt tên với ý nghĩa là con rồng như: Cửu Long, Bửu Long, Kim Long, Long Thiền… Một trong những địa danh gắn với xứ Đồng Nai tương ứng vùng đất Nam bộ đó là đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất Cửu Long (9 rồng), nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, tạo nên tính cách phóng khoáng của người dân miền Tây Nam bộ chất phác, hiền lành, dễ mến.
Xứ Đồng Nai còn có dòng sông nội địa mang tên Phước Long giang (tức sông Đồng Nai) dài nhất Nam bộ bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang. Con sông Đồng Nai với nhiều trầm tích văn hóa của nền văn hóa Đồng Nai thời tiền sơ sử. Lưu vực sông Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất và con người nơi đây.
Nghệ thuật biểu diễn dân gian vào dịp lễ, Tết thường thấy ở Nam bộ không thể không nhắc tới đó là nghệ thuật múa lân - sư - rồng. Mỗi năm vào dịp đầu năm mới hay các dịp lễ, Tết, khai trương, lễ hội… người dân luôn có tục múa lân - sư - rồng tạo không khí nhộn nhịp và sôi động…
Danh thắng Bửu Long (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) được tạo thành do quá trình khai thác đá xanh (nguyên liệu phục vụ nghề điêu khắc đá của người Hẹ) với núi và hồ nước nhân tạo. Hồ Long Ẩn và Long Vân nằm sát bên nhau, cùng với những tảng đá khai thác dở dang tạo nên những hình thù nhấp nhô trên mặt hồ nước trong xanh giống như một “vịnh Hạ Long thu nhỏ”.
Hình ảnh rồng biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, đứng đầu trong bộ “tứ linh” (long - lân - quy - phụng). Trang trí ở đình làng Nam bộ thường là đề tài tứ linh, trong đó hình ảnh rồng rất phổ biến. Hình ảnh rồng được trang trí trên mái cung điện, đình, đền, miếu (các cơ sở tín ngưỡng dân gian) với mô típ “Lưỡng long triều Nhật” (2 con rồng chầu mặt trời), “Lưỡng long triều Nguyệt” (2 con rồng chầu mặt trăng), “Lưỡng long chầu pháp lam” (2 con rồng chầu hồ lô); các đầu đao cũng uốn cong kiểu mình rồng. Hoặc chi tiết “Cá chép vượt vũ môn” cũng được tạo hình đầu rồng… Bên trong chánh điện thường có 4 cột được trang trí với hình rồng đắp nổi uốn quanh được gọi là “long trụ”. Ngoài long trụ, đình Nam bộ còn trang trí các bao lam trước điện thờ được chạm trổ hết sức tinh vi với đề tài: tứ linh, cá hóa long, long vân…
Hình ảnh rồng còn được trang trí trên các bức hoành phi, liễn đối bên trong chánh điện với hình ảnh “lưỡng long chầu nhật” hay “lưỡng long tranh châu”, rồng và dây lá cúc cách điệu xen lẫn hoa văn hình học… được sơn son thếp vàng rất lộng lẫy. Mặt tiền đình làng Nam bộ, đôi khi cũng có kiến trúc kiểu “long trụ” hoặc trang trí ở nhà võ ca trước đình tạo cho kiến trúc vừa uy nghi, chắc chắn nhưng cũng không kém phần mỹ thuật của cơ sở tín ngưỡng dân gian.
Xuất hiện đa dạng trong văn học, nghệ thuật
Ngoài biểu hiện trên văn hóa vật thể; kho tàng văn hóa phi vật thể dân gian xứ Đồng Nai cũng có hình ảnh của rồng xuất hiện trong văn học, nghệ thuật và trò chơi dân gian khá ấn tượng có ý nghĩa trong đời sống, vừa tích lũy được tri thức kinh nghiệm và phong tục tập quán dân gian.
Câu ca dao quen thuộc dân gian Nam bộ thường nghe như “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai” để chỉ xứ Đồng Nai địa đầu có vị trí khá vững vàng, thu hút dân cư đến lập nghiệp và thực hành các lễ nghi, phong tục cùng với Phú Xuân (kinh đô Huế) thời kỳ đầu khai phá Nam bộ.
Trong văn học dân gian nhiều câu tục ngữ có liên quan đến rồng như: “Trứng rồng lại nở ra rồng; Liu điu lại nở ra dòng liu điu”… để tư duy về số phận và tính cách của con người Nam bộ trước ngữ cảnh của cuộc sống.
Câu đố sử dụng hình ảnh rồng để đố về loại cây trái quen thuộc như “Đầu rồng đuôi phụng loe hoe; Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con” để nói về “buồng cau” trong trầu cau liên quan đến lễ nghi, phong tục tập quán ăn trầu và giao tiếp của người Việt Nam.
Vẻ đẹp của trang phục truyền thống Nam bộ cũng được ví von với hình ảnh của những vật linh trong đó có rồng như: “Áo đen năm nút con rồng/ Nhìn xa con phụng lại gần con quy”. Hoặc dị bản: “Áo anh năm nút chạm rồng/ Đứng xa con phụng, lại gần con quy”…
Hay lời tỏ tình thật thà, dễ thương của chàng trai xứ Nam bộ đối với cô gái mà mình yêu thích khi nhắc đến “Rồng Phụng” biểu tượng của tình yêu đôi lứa:“Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi/ Nay tui hỏi thiệt: Mình thương tui không mình?”. Hay tỏ tình dễ thương: “Bậu ơi! Bậu có nhớ không?/ Anh trông ngóng bậu, như rồng ngóng mưa”...
Câu tục ngữ cũng là tri thức dân gian tích lũy kinh nghiệm của người dân về thời tiết và tự nhiên ứng dụng trong lao động sản xuất. Có thể thấy như: “Rồng đen lấy nước thì nắng, Rồng trắng lấy nước thì mưa...”. Hoặc cảnh sinh hoạt lao động của cặp đôi hạnh phúc: “Anh dệt cửi, em kéo hoa/ Rồng bay phượng múa ai mà chẳng khen”. Ca dao chỉ đặc điểm mỹ thuật trong điêu khắc trang trí kiến trúc dân gian: “Bốn cửa chạm bốn con rồng/ Ngày thời rồng ấp tối thời rồng leo”…
Hay câu ca dao ca ngợi cặp “rồng vàng” Nam bộ như: “Vĩnh Long có cặp rồng vàng/ Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Thần”. Câu ca dao trên ca ngợi 2 danh nhân của vùng đất Nam bộ là nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa và Phan Tuấn Thần (tức Phan Thanh Giản) là những con “rồng vàng” trong lòng người dân Nam bộ.
Ở Nam bộ còn phổ biến trò chơi dân gian và hát đồng dao “Rồng rắn lên mây” của trẻ em Việt Nam qua bao thế hệ. “Rồng rắn lên mây” là trò chơi góp phần rèn luyện tính nhanh nhẹn, khéo léo trong di chuyển, phát huy khả năng ngôn từ, ứng xử của trẻ em.
Rồng là một linh vật cao quý, là linh vật không có thật nhưng lại là sự tổng hợp của những bộ phận hình dáng của một số con vật khác trong thế giới tự nhiên như: đầu hổ, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ. Từ thế giới tâm linh, con rồng đi vào trong kho tàng văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung và xứ Đồng Nai - Nam bộ nói riêng khá phong phú: từ mỹ thuật chính thống hóa của thời kỳ quân chủ, đến văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể dân gian... Năm rồng, hy vọng mọi sự đều suôn sẻ, hanh thông và phát triển.
Nguyệt Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin