Nghề điêu khắc, cắt tỉa rau, củ, quả trang trí trong lĩnh vực ẩm thực hiện đang phát triển nhanh, dần hình thành được đội ngũ chuyên nghiệp. Trong đó, đỉnh cao của nghệ thuật cắt tỉa, điêu khắc rau, củ, quả là các con vật trong bộ tứ linh, đặc biệt là 2 linh vật rồng và phượng.
Anh Phạm Văn Hoàng, Phó chủ tịch Hội Đầu bếp Đồng Nai đang hoàn thiện tác phẩm trang trí hình rồng, phượng Hoa sen được cắt tỉa tử củ, quả. Ảnh: B.NGUYÊN |
Anh Phạm Văn Hoàng, Phó chủ tịch Hội Đầu bếp Đồng Nai là bậc thầy về nghệ thuật chạm rồng, khắc phượng từ rau, củ, quả; từng đoạt nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi trong nước và quốc tế. Đây cũng là nghệ nhân nghiên cứu sâu kỹ thuật cắt tỉa, điêu khắc rồng, phượng từ nguyên liệu nhân sâm.
Đào tạo kỹ thuật khắc rồng, chạm phượng cũng là thế mạnh của Trung tâm Điêu khắc Phạm Hoàng (TP.Biên Hòa) nên không chỉ thu hút được đông đảo học viên trong nước mà có nhiều chuyên gia, đầu bếp trên khắp thế giới. Sản phẩm rượu nhân sâm được cắt tỉa hình rồng, phượng là dòng sản phẩm cao cấp không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn thu được ngoại tệ nhờ xuất khẩu.
Đưa rồng, phượng vào văn hóa ẩm thực
Nói về nguyên nhân khai thác hình tượng tứ linh, nhất là hình rồng trong cắt tỉa, điêu khắc rau, củ, quả trang trí, anh Phạm Văn Hoàng chia sẻ: “Khi tham dự các cuộc thi, nhất là các cuộc thi quốc tế, tôi thường chọn làm những tác phẩm cầu kỳ như điêu khắc rồng, phượng. Có tác phẩm cần cả năm mới hoàn thành nhưng tôi vẫn kiên trì theo đuổi với niềm tự hào tạo ra được những tác phẩm sống động, mang biểu tượng cho văn hóa Việt Nam”.
Hoa mẫu đơn được cắt tỉa từ củ, quả |
Cắt tỉa rồng, phượng là đỉnh cao trong kỹ thuật cắt tỉa, điêu khắc rau, củ, quả mà mỗi người theo học nghề này đều muốn nắm bắt. Hơn 1 năm nay, anh Phạm Minh Lộc, một đầu bếp lâu năm quê ở TP.Buôn Ma Thuột về TP.Biên Hòa theo học về nghệ thuật cắt tỉa rau, củ, quả. Hiện anh đang làm đầu bếp cho nhà hàng ở TP.HCM, tuy công việc rất bận rộn nhưng anh vẫn đi đi về về Biên Hòa để học nghệ thuật cắt tỉa rau củ quả. Theo anh Lộc, hiện ẩm thực đang trung hòa về vị nên muốn thu hút khách phải đầu tư nhiều về trang trí để món ăn đẹp, hấp dẫn.
Qua 1 năm học nghề, anh Lộc đã khá lành nghề nhưng với anh, nghề này đòi hỏi người làm phải học, phải sáng tạo cả đời bằng quá trình tự rèn luyện thường xuyên vì việc học không dừng lại ở kỹ thuật cắt tỉa mà phải tìm hiểu cả những giá trị khác như: văn hóa, truyền thống...
Dòng sản phẩm rượu nhân sâm hình rồng, phượng, phúc lộc thọ… tiêu thụ rất mạnh vào dịp Tết cổ truyền của người châu Á.
Cùng quan điểm, anh Chềnh Cắm Tắc, chủ một quán ăn tại TP.Biên Hòa chia sẻ, cắt tỉa, điêu khắc rau, củ, quả là nghề đang hot hiện nay vì thực khách giờ chuộng hình thức món ăn không thua gì vị ngon của món đó. Yêu cầu về ẩm thực đang càng ngày càng cao từ sự chỉn chu trong dịch vụ đến hương vị và hình thức món ăn. Trong đó, trang trí món ăn đẹp, hấp dẫn là lợi thế cạnh tranh.
Những người làm trong lĩnh vực cắt tỉa, điêu khắc rau, củ, quả tùy vào khả năng sáng tạo để làm nên dấu ấn riêng của mình nhưng họ đều có chung niềm đam mê là từ những nguyên liệu đơn giản, thường ngày làm ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sống động. Nếu có tay nghề giỏi, đây là nghề mang lại thu nhập cao với tiềm năng thị trường còn rất lớn.
Thu ngoại tệ từ nhân sâm hình rồng, phượng
Cắt tỉa rồng, phượng cũng là một trong những ngành đào tạo chuyên sâu giúp Trung tâm Điêu khắc Phạm Hoàng thu hút đông đảo những học viên là các chuyên gia, đầu bếp từ khắp các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Italy… Trong đó, nghệ thuật cắt tỉa hình rồng, phượng từ củ sâm dùng để ngâm rượu là dòng sản phẩm cao cấp không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn thu được ngoại tệ nhờ xuất khẩu.
Hoa sen được cắt tỉa tử củ, quả |
Ông Lee Gee Hee, một chuyên gia ẩm thực và điêu khắc rau củ của Hàn Quốc, từng đạt nhiều giải cao khi tham gia các cuộc thi ẩm thực quốc tế cho biết, ông biết đến anh Phạm Văn Hoàng tại một cuộc thi ẩm thực quốc tế. Biết đây là một chuyên gia trong nghề cắt tỉa, điêu khắc rau, củ, quả nên từ nhiều năm trước, ông đã liên hệ về TP.Biên Hòa học thêm về kỹ thuật này. Từ đó đến nay, hầu như năm nào ông cũng đến Việt Nam để trau dồi, cập nhật thêm những kỹ thuật mới. Trong đó, ông rất thích tìm hiểu kỹ thuật chạm khắc hình rồng và chim công của Việt Nam.
Ông Lee Gee Hee cho biết: “Ở các nước châu Á, trong đó có cả Hàn Quốc, con rồng là vật linh rất phổ biến nhưng tôi ấn tượng và muốn tìm hiểu nhiều hơn về kỹ thuật cắt tỉa linh vật này của Việt Nam vì bằng những nét chạm khắc đơn giản, nhanh chóng nhưng tạo ra sản phẩm rất sinh động, có nét độc đáo riêng”. Trong đó, ông rất quan tâm học kỹ thuật chạm, khắc rồng, phượng từ nguyên liệu nhân sâm, một loại nguyên liệu rất phổ biến của Hàn Quốc. Những kỹ thuật, kiến thức trong điêu khắc rau củ quả ông học ở Việt Nam được ứng dụng rất nhiều trong ẩm thực ở Hàn Quốc và cả khi tham gia các hoạt động ẩm thực thế giới.
Vào dịp Tết cổ truyền, ngoài trang trí trong ẩm thực, nhiều bạn trẻ còn có cơ hội đạt thu nhập cao nhờ các dịch vụ cắt tỉa, điêu khắc trên dưa hấu và nhiều loại rau trái khác để làm hàng chưng Tết.
Anh Phạm Văn Hoàng nhớ lại: “Tham gia các cuộc thi ẩm thực quốc tế, tôi quan tâm đến việc cắt, tỉa từ nguyên liệu nhân sâm. Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam cũng như trên thế giới tạo ra tác phẩm điêu khắc hình rồng, phượng từ nguyên liệu nhân sâm. Đây là phân khúc cao cấp của lĩnh vực điêu khắc rau củ quả trang trí”.
Nhân sâm với Hàn Quốc là sản phẩm thường dùng nhưng tại Việt Nam đây là dòng sản phẩm đắt đỏ, chỉ sử dụng vào những dịp đặc biệt hoặc làm quà biếu cao cấp vì có giá cao. Tác phẩm nghệ thuật cắt tỉa từ nhân sâm là dòng sản phẩm quà tặng cao cấp. Theo anh Hoàng, hiện cả nước, người nắm vững kỹ thuật cắt tỉa nhân sâm đếm trên đầu ngón tay. Nhờ nghệ thuật điêu khắc, giá trị sản phẩm nhân sâm cao hơn rất nhiều so với nguyên liệu thô ban đầu. Cụ thể, bình rượu ngâm nhân sâm hình rồng, phượng hiện nay cung cấp ra thị trường có giá từ vài chục triệu đến gần cả tỷ đồng. Đây là dòng sản phẩm quà tặng rất cao cấp ở cả thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Dịp cuối năm, khách đặt hàng dòng sản phẩm này rất nhiều, nhất là xuất khẩu đi các nước.
Lê Quyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin