Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ Biên Hòa - một góc du xuân

Nguyễn Hằng Xuân
00:00, 06/02/2024
Đã qua mấy thế kỷ, chợ Biên Hòa vẫn là điểm trung tâm trong dòng chảy văn hóa của Đồng Nai. Mỗi mùa xuân, những người con của Nam bộ sẽ lại có dịp tụ họp lại nơi đây để hướng về nguồn cội…

Chợ Biên Hòa - khu chợ sầm uất nằm cạnh dòng Đồng Nai giang êm đềm của tuổi thơ tôi, mỗi độ xuân về lại càng trở nên nhộn nhịp. Cứ đến độ tháng Chạp, chị em với tà áo dài, nón lá lại nô nức đến đây du xuân.

Nhớ hồi còn bé, tôi thường được mẹ dắt đi sắm tết ở chợ Biên Hòa. Chợ cách nhà tôi một chuyến phà và cù lao Phố đầy hoài niệm.

Trước Tết âm lịch cỡ chục hôm, chợ sẽ rộn ràng, tấp nập hơn hẳn ngày thường. Sạp nào cũng trưng bày đẹp mắt, đầy đủ các món ăn truyền thống như: mứt, củ kiệu, dưa muối, bánh chưng… Đẹp nhất có lẽ là chợ hoa. Có đến hàng chục sạp san sát nhau, nhiều người chất hoa lên xe máy, xe đạp rồi chở đi khắp phố phường. Nào là hoa mai, hoa cúc, hoa sen, mào gà… đua nhau khoe sắc. Sau mỗi buổi đi chợ, nhà tôi sẽ lại có thêm một loài hoa để chưng tết.

Cứ vào 23 tháng Chạp, chợ Biên Hòa lại rộn ràng đến tận tối muộn. Người ta họp chợ không chỉ để sắm sửa mà còn để ôn lại những buồn vui của năm cũ. Do chợ ở ven sông nên lúc nào cũng có đông người đến tìm mua đồ cúng, vừa làm nghi thức phóng sinh cá chép tiễn ông Táo về trời. Chính vì Tết trong ký ức của tôi gắn liền với chợ Biên Hòa nên dù nhà ở ngoại ô nhưng tôi lại nằm lòng từng con hẻm, các ngõ ngách lẫn quán xá ở khu trung tâm TP.Biên Hòa.

Bất kỳ ai khi đến Biên Hòa đều biết nơi đây có khu chợ truyền thống rất đẹp, người dân địa phương còn gọi đây là khu “bờ kè” vì nó nằm ngay cạnh sông Đồng Nai - dòng sông đậm chất văn hóa của Nam bộ. Do có vị trí địa lý đẹp, gần cầu Ghềnh và cầu Hóa An nên hơn 4 năm xa quê đi học, không ít lần tôi mời bạn bè tại TP.HCM về Đồng Nai tham quan. Chợ Biên Hòa trải dài trên con đường Nguyễn Văn Trị, bên kia đường là công viên lớn và đẹp nhất thành phố. Dù thành phố đã được thay da đổi thịt sau hơn 325 năm hình thành và phát triển, mọi thứ đã hiện đại, mới mẻ hơn nhưng con đường này vẫn giữ được nét mộc mạc và truyền thống.

Trong những ngày cận Tết Giáp Thìn, nhiều nhóm thanh niên đến chợ Biên Hòa chụp ảnh lưu niệm. Ảnh chụp ngày 28-1-2024. Ảnh: Vĩnh Huy
Trong những ngày cận Tết Giáp Thìn, nhiều nhóm thanh niên đến chợ Biên Hòa chụp ảnh lưu niệm. Ảnh chụp ngày 28-1-2024. Ảnh: Vĩnh Huy

Trong vài năm trở lại đây, các bạn trẻ ở TP.HCM rất thích thú với trào lưu “chuyến du lịch ngắn” đến Biên Hòa bằng tàu hỏa. Vì thế mà để đón cái Tết cuối cùng của đời sinh viên, chúng tôi đã cùng nhau bước lên chuyến tàu này. Chuyến đi kéo dài khoảng 1 tiếng, khởi hành tại ga Sài Gòn và điểm đến là ga Biên Hòa. Ra khỏi địa phận TP.HCM, cảnh đẹp tự nhiên, mộc mạc của quê hương tôi dần hiện lên. Xa xa là dòng sông Đồng Nai êm ả, có vùng lóng lánh bạc, có vùng sáng chóe lên như vừa có ai đó thả xuống đây một mớ châu báu… Dù đây là con đường dẫn tôi về nhà mỗi dịp cuối tuần, nhưng khi trong vai là khách du lịch đến từ miền đất khác, cảm xúc trong tôi có một chút khác lạ. Cái khác lạ ấy không phải do cảnh vật hay không khí, mà là vì tôi đang được ngắm nhìn quê hương của mình lâu hơn ngày thường một chút!

Du xuân ở chợ Biên Hòa từ lâu đã là một nét văn hóa của người Đồng Nai. Chợ Biên Hòa chính là nơi giao thoa, hội tụ giữa tính hiện đại và truyền thống. Đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán mà còn là một điểm du lịch tiềm năng. Khi đến đây, ai ai cũng dễ dàng cảm nhận được không khí rộn rã, mộc mạc của những phiên chợ tết truyền thống.

Từ ga Biên Hòa đến chợ chỉ cách chợ khoảng hơn 1km. Chúng tôi đến vừa kịp lúc nắng đẹp. Hai bên vệ đường rợp bóng cây xanh, bên phía sông còn có vô số cây cổ thụ rũ bóng. Nắng len lỏi qua từng tán lá, phản chiếu lên góc sân những vệt sáng li ti. Nắng xuân dịu dàng mà làm lòng người khoan khoái, hồ hởi sau những ngày đông lạnh giá vừa qua. Nhiều sạp đang phát sẵn mấy bài nhạc tết, các tiểu thương và khách thương ai nấy đều lẩm nhẩm hoặc hát vang đoạn điệp khúc mùa xuân.

Nhóm bạn tôi 4 người đều mặc áo dài, tay cầm nón lá thay nhau chụp ảnh. Ở đây đứng ở góc nào cũng thấy không khí tết. Từ cổng chào của phố đi bộ Nguyễn Văn Trị đến cuối chợ chỗ nào cũng có hoa. Những bó hoa được gói bằng giấy báo, có nơi cắm hoa vào bình gốm có họa tiết “bách hoa” của Biên Hòa khiến tôi nhớ về tết của những ngày thơ ấu. Nhiều góc chợ đã được tân trang lại nhưng vẫn giữ được nét chợ xưa. Những cửa tiệm có kiến trúc cổ xưa với cửa gỗ sơn xanh, nền xi măng hoặc lát nền bằng gạch đất nung thu hút rất nhiều người đến du xuân. Người người điểm trang xinh đẹp, mặc yếm, áo dài, áo tấc cùng tóc vấn, khăn đóng làm rộn ràng cả một khu chợ.

Trong những ngày cận Tết Giáp Thìn, nhiều nhóm thanh niên đến chợ Biên Hòa chụp ảnh lưu niệm. Ảnh chụp ngày 28-1-2024. Ảnh: Vĩnh Huy
Trong những ngày cận Tết Giáp Thìn, nhiều nhóm thanh niên đến chợ Biên Hòa chụp ảnh lưu niệm. Ảnh chụp ngày 28-1-2024. Ảnh: Vĩnh Huy

Còn nhớ giao thừa năm trước, ở đây có cả mấy nhóm người đứng xếp hàng để chụp hình tết, nhiều cặp đôi còn chọn nơi này làm địa điểm chụp hình cưới. Khách tham quan đến từ các huyện, thành phố và tỉnh lân cận cũng rất nhiều.

Trên mạng xã hội, người ta chia sẻ rất nhiều câu chuyện sau mỗi chuyến du xuân. Nào là thưởng thức món ăn nào, những con đường, góc nhỏ đẹp ở chợ. Một trong số những điểm nổi bật của chợ Biên Hòa là di tích đình Tân Lân. Đây là nơi thờ tướng Trần Thượng Xuyên - người có công khai mở vùng cù lao Phố và văn hóa chợ truyền thống ở xứ Đồng Nai. Với kiến trúc đình truyền thống cùng với phần mái có các tiểu tượng được làm từ gốm đặc sắc, nơi này đã thu hút nhiều người đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Kết thúc chuyến du xuân, tôi lại có thêm nhiều kỷ niệm tại chợ Biên Hòa. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất là đã giới thiệu được một nét đẹp của quê hương đến với bạn bè của mình...

Nguyễn Hằng Xuân

Tin xem nhiều