Báo Đồng Nai điện tử
En

Cất cánh cùng thành phố sân bay

Quỳnh Nhi
22:59, 05/02/2024

Thành phố sân bay Long Thành với “trái tim” là cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là mô hình phát triển mới và được kỳ vọng sẽ tạo ra sự “cất cánh” phát triển không chỉ cho H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai nói riêng mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Đô thị Long Thành sẽ trở thành thành phố sân bay với hạt nhân là sân bay Long Thành. Ảnh: Q.Nhi
Đô thị Long Thành sẽ trở thành thành phố sân bay với hạt nhân là sân bay Long Thành. Ảnh: Q.Nhi

Thành phố sân bay Long Thành cũng sẽ là mô hình thành phố sân bay đầu tiên được quy hoạch phát triển tại Việt Nam.

* Thành phố sân bay Long Thành

Các sân bay được phát triển lên mức như một đô thị thu nhỏ, được xây dựng ngay gần hoặc kết nối với thành phố bằng những phương tiện công cộng hiện đại, tốc độ cao đang là xu hướng nổi bật trong quy hoạch xây dựng sân bay của các nước trên thế giới. Hàng loạt các thành phố sân bay, đô thị sân bay đã và đang được hình thành tại nhiều nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Singapore…

Theo UBND tỉnh, hiện tỉnh đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư 3 trung tâm logistics hiện đại cấp vùng với diện tích gần 450ha gồm: trung tâm logistics phía Nam sân bay Long Thành; trung tâm logistics phía Bắc sân bay Long Thành; trung tâm logistics hậu cần cảng Phước An. Đồng thời xây dựng tổ hợp đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu với diện tích khoảng 300ha trong đô thị sân bay Long Thành.

Theo kế hoạch, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2026 với công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay Long Thành không chỉ được kỳ vọng sẽ tạo ra vị thế mới cho ngành hàng không Việt Nam mà còn sẽ mở ra một mô hình phát triển mới cho Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung: phát triển thành phố sân bay.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho hay, được giao nhiệm vụ nghiên cứu ý tưởng quy hoạch khu vực xung quanh sân bay Long Thành, đơn vị xác định tầm quan trọng, vai trò và tính chất của đô thị Long Thành so với các khu vực đô thị khác. Cụ thể, Long Thành sẽ là vùng phát triển đột phá của tỉnh và khu vực phía Nam. Trong tương lai, Long Thành sẽ trở thành đô thị trung tâm của vùng TP.HCM. Do đó, H.Long Thành sẽ được nâng cấp thành “thành phố sân bay Long Thành”.

Năm 2022, trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh để trao đổi kinh nghiệm phát triển mô hình thành phố sân bay Long Thành, GS Ha Hun Koo, nguyên Trưởng khoa Logistics, Trường Logistics châu Á Thái Bình Dương, Đại học Inha, thành viên Ủy ban cố vấn về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Đất đai và giao thông Hàn Quốc cho rằng, sân bay Long Thành có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình thành phố sân bay. Sân bay Long Thành được xây dựng tại tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam với rất nhiều khu công nghiệp.

Về vị trí, sân bay Long Thành nằm gần với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM. “Một lợi thế khác của sân bay Long Thành chính là việc nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Đồng Nai khá tốt nên sẽ cộng hưởng được sự phát triển về kinh tế” - GS Ha Hun Koo chia sẻ thêm.

* Sẽ có quy hoạch mang tầm vóc quốc tế

Cuối năm 2023, Sở Xây dựng, đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu ý tưởng quy hoạch khu vực xung quanh sân bay Long Thành, đã trình bày ý tưởng bước đầu về quy hoạch thành phố sân bay Long Thành.

Theo đó, khu vưc nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay Long Thành sẽ có quy mô khoảng 55 ngàn ha bao gồm toàn bộ địa giới hành chính H.Long Thành và một phần H.Cẩm Mỹ.

Thành phố sân bay Long Thành bao gồm định hướng các khu chức năng quy hoạch thành phố sân bay cửa ngõ giao thương quốc tế; đô thị dịch vụ đẳng cấp khu vực; trung tâm công nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn Net Zero và nông nghiệp công nghệ cao bền vững.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, chỉ riêng một việc đặt sân bay Long Thành trên địa bàn tỉnh thôi cũng đã là một cú hích mang tính thời đại đối với Việt Nam. Do đó, ưu tiên của Đồng Nai trong giai đoạn tới là đô thị sân bay, dịch vụ logistics. Đồng Nai phải là trung tâm hội nhập quốc tế.

Về không gian phát triển, thành phố sân bay Long Thành sẽ có các phân khu chức năng gồm: khu thương mại dịch vụ, tài chính, tổ chức sự kiện; khu vực phá triển logistics, công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; khu đô thị (đô thị Long Thành mở rộng, Bình Sơn, Phước Thái); khu văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, nghỉ dưỡng và khu nghiên cứu và giáo dục đào tạo.

Ngoài ra, để khai thác sức hút đầu tư từ sân bay Long Thành, trong khu vực quy hoạch thành phố sân bay sẽ được quy hoạch thêm 6 khu công nghiệp mới và định hướng phát triển 3 khu dịch vụ logistics bên cạnh 5 khu công nghiệp hiện hữu.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, dựa trên ý tưởng quy hoạch do Sở Xây dựng đưa ra, quy hoạch xây dựng thành phố sân bay cần phải hoàn thiện thêm các vấn đề về quy mô khu nghiên cứu và giáo dục đào tạo; quy mô các khu chức năng cũng như quỹ đất dành cho các khu chức năng; hạ tầng xã hội của thành phố sân bay; giao thông kết nối và quỹ đất dự phòng. “Quy hoạch thành phố sân bay cần hạn chế bồi thường, di dời dân” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Để có được một quy hoạch thành phố sân bay xứng tầm với “siêu” sân bay Long Thành, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý với đề xuất tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch thành phố sân bay Long Thành.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều