Năm 2023, Đồng Nai cung ứng cho thị trường hơn 2 triệu tấn nông sản các loại, bao gồm các loại hạt, rau củ, trái cây, thịt, thủy sản. Nông sản ở Đồng Nai ngày càng được các nhà vườn chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm. Do đó, Đồng Nai là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về việc xây dựng được nhiều mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu nông sản đi các nước.
Tuy nhiên, hiện số nông sản Đồng Nai xuất khẩu chính ngạch sang các nước chưa nhiều nên đa số vẫn là cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Việc này khiến cho đầu ra của các loại nông sản bấp bênh, biên độ tăng, giảm lớn nên có vụ thu hoạch thì nông dân lời nhiều nhưng cũng có vụ lại thua lỗ nặng. Do đó, thu nhập của nông dân cũng bị ảnh hưởng.
Đồng Nai nổi tiếng với nhiều loại trái cây, rau quả, thủy sản là đặc sản, được đánh giá cao về chất lượng như: xoài, bưởi, chôm chôm, nấm, cá lăng…, nhưng vì chưa xây dựng được thương hiệu và hình thành chuỗi để xuất khẩu nên đầu ra còn khó khăn. Do đó, muốn nông sản của Đồng Nai có đầu ra ổn định thì rất cần sự phối hợp của 5 nhà là nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước và ngân hàng. Mục đích là để xây dựng chuỗi sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu vào các thị trường đang có nhu cầu mua nhiều nông sản từ Việt Nam như: Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Khi hình thành chuỗi cho từng loại cây trồng, vật nuôi để có sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu tốt, sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cả ở thị trường nội địa lẫn nước ngoài.
Xu hướng tiêu dùng thế giới ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Cụ thể là các sản phẩm nông sản sản xuất thân thiện với môi trường, theo mô hình tuần hoàn, ít gây phát thải khí nhà kính sẽ được chọn lựa nhiều hơn. Lâu nay, các nhà vườn ở Đồng Nai chủ yếu lựa chọn những cây trồng thị trường đang có giá cao hoặc theo thói quen truyền thống. Sau khi có sản phẩm, các nhà vườn mới đi tìm thị trường tiêu thụ nên hay gặp rủi ro.
Theo các chuyên gia kinh tế, với cách làm trên, các nhà vườn đang thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy trình ngược. Tại những nước có nông nghiệp phát triển, họ quy hoạch sản xuất rất bài bản. Trước khi dự tính phát triển loại cây trồng nào họ sẽ nghiên cứu, tìm hiểu thị trường tiêu thụ. Bởi mỗi quốc gia sẽ đòi hỏi những tiêu chuẩn khác nhau về từng mặt hàng nông sản. Khi biết rõ nhu cầu của từng thị trường, các doanh nghiệp, hiệp hội từng ngành hàng sẽ tiến hành đàm phán để có được hợp đồng đặt hàng trong ngắn hạn, dài hạn. Trên cơ sở đó, mới liên kết, đặt hàng các nhà vườn sản xuất với số lượng vừa đủ. Như vậy sẽ tránh được tình trạng cung nhiều hơn cầu, sản xuất ra không bán được hàng.
Đồng Nai có rất nhiều loại nông sản có sản lượng lớn nên rất cần hình thành các chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng để có thể xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cần xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhiều hơn nữa để tìm các đối tác liên kết bán nông sản.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin