Báo Đồng Nai điện tử
En

Về phục hiện diễn xướng dân gian của người Chơro ở Đồng Nai

Ong Mật
08:19, 06/01/2024

Hội đồng Khoa học của Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 17-5-2023 đã góp ý, thông qua kết quả nghiên cứu Phục dựng và phát triển nghệ thuật diễn xướng dân gian của người Chơro ở Bà Rịa - Vũng Tàu do Phạm Diêm làm chủ nhiệm đề tài. Từ kết quả nghiên cứu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cảm thấy bồi hồi, nghĩ về việc này ở địa bàn Đồng Nai.

Đội cồng chiêng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh biểu diễn cồng chiêng vào các dịp lễ, Tết. Ảnh: L.Na
Đội cồng chiêng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh biểu diễn cồng chiêng vào các dịp lễ, Tết. Ảnh: L.Na

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2019, người Chơro có dân số 29.520 người, cư trú tại 36 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố; nhiều nhất tại tỉnh Đồng Nai (khoảng 56,5%) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 28,4%).  Ở tỉnh Đồng Nai, người Chơro được xem là một trong 4 tộc người tại chỗ (bản địa) còn tỏa sáng le lói về sắc thái văn hóa, nếu chậm trễ việc nghiên cứu phục hiện các giá trị văn hóa mang bản sắc Chơro, ắt là sẽ đến lúc mai một.

Người Chơro ở Đồng Nai sống rải rác ở nhiều nơi xen với người Kinh; một số tập trung thành các làng ở Lý Lịch (H.Vĩnh Cửu); Bàu Sầm, Hàng Gòn, Ruộng Lớn, Bảo Quang, Bảo Vinh (TP.Long Khánh); Xuân Trường, Xuân Phú (H.Xuân Lộc); Tây Hòa (H.Trảng Bom); Phước Bình (H.Long Thành); Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ); Xuân Thiện (H.Thống Nhất).

Người Chơro ở Đồng Nai có đặc điểm: Sống rải rác, phân tán ở nhiều nơi, xen kẽ với người Việt, ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn về hạ tầng; chủ yếu sản xuất nông nghiệp với quy mô gia đình, năng suất thấp; cho nên đời sống kinh tế có phát triển nhưng chậm; việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa nhiều khó khăn, hiện tượng “Kinh hóa” phổ quát tạo nguy cơ cao mất dần bản sắc văn hóa.

Người Chơro vốn sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, du canh, về sau định canh, quen dần với làm ruộng lúa nước. Dù vẫn còn thói quen chăn nuôi, hái lượm, săn bắn, đánh cá đan lát, làm các đồ dùng bằng tre, gỗ; nhưng do đời sống định cư xa rừng nên họ mất dần các tập quán gắn với rừng. Người Chơro xưa ở nhà sàn, còn gọi là nhà dài, lên xuống ở đầu hồi; hiện nay, phổ biến là nhà trệt như người Việt, một ít có nhà sàn nhỏ.

Người Chơro hiện theo chế độ mẫu hệ - phụ quyền. Lễ cưới thường tổ chức tại nhà gái, một số nơi còn duy trì tục ở rể. Trong nhà đồ đạc đơn giản, chỉ có chiêng và ché được coi là quý giá. Cồng chiêng gồm hai loại: Loại có núm 7 chiếc dành cho lễ cúng Yang; loại không núm (còn gọi là chinh) 6 chiếc, đánh bằng nắm tay dùng trong giao lưu, tiếp khách. Nhạc cụ còn có đàn ống tre (goong kla), kèn môi, kèn lá, xưa còn có kèn bầu.

Người Chơro chưa có chữ viết. Tiếng Chơ ro theo ngữ hệ Môn Khmer, hiện có nguy cơ mai một do người Chơro quen dùng tiếng Việt. Xưa phụ nữ Chơro quấn váy, đeo các vòng đồng, bạc, dây cườm trang sức nơi cổ và tay. Đàn ông đóng khố. Nay người Chơro thường mặc như người Kinh.

Người Chơro ở Đồng Nai hiện còn thực hành diễn xướng dân gian trong các dịp lễ hội Sa Yangva, Sa Yangpri (có nơi gọi Op Yangva, Op Yang Pri) hoặc các buổi giao lưu văn hóa với các cộng đồng dân tộc khác. Diễn xướng là một phần của lễ hội, thường là các tiết mục cồng chiêng, múa, hát, khèn lá, khèn bầu, khèn môi thể hiện cảm xúc tâm linh, hiếu khách, không phải mục đích biểu diễn sân khấu. Việc phục hiện diễn xướng văn hóa dân gian của người Chơro ở Đồng Nai từng đã được thực hiện từ quan điểm, định hướng, tổ chức hoạt động, tập huấn, tạo nguồn đến hỗ trợ cộng đồng.

Việc phục hiện diễn xướng dân gian của người Chơro ở Đồng Nai không phải bằng cảm hứng chủ quan, nhất thời, mà xuất phát từ định hướng lâu dài theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số…

Ong Mật

 

Từ khóa:

chơ ro

dân gian

Tin xem nhiều