Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa đông Tây Tiến

Mai Sơn
07:58, 06/01/2024

Mộc Châu những ngày này chạm về gần O0C . Trong khoảng giao mùa giá lạnh ấy, Tây Tiến của những năm tháng oai hùng vẫn như bức thành đồng cho Mộc Châu vươn mình lớn dậy và lan tỏa tinh thần sống đẹp, yêu thương.

Tại biểu trưng cột mốc Trường Sa của Trường tiểu học và THCS Tây Tiến (TT.Mộc Châu, H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La)
Tại biểu trưng cột mốc Trường Sa của Trường tiểu học và THCS Tây Tiến (TT.Mộc Châu, H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La)

Lâm viên Tây Tiến

Một ngày cuối đông, chúng tôi cùng Hội đồng Văn học thiếu nhi (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) được thầy Trần Minh Đức, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Tây Tiến (TT.Mộc Châu, H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La), hướng dẫn đến thăm Khu di tích Tây Tiến. Trong khuôn viên hơn 5 ngàn m2, trên ngọn đồi Nà Bó và đỉnh Pha Luông huyền thoại, khu di tích gồm 7 hạng mục được chia làm 3 phần chính: Nhà truyền thống, Bia tưởng niệm và Đài vọng tưởng.

Nhà truyền thống được xây dựng theo kiểu nhà sàn gọn gàng, ấm áp với các hiện vật của Trung đoàn Tây Tiến (sau được đổi tên là Trung đoàn 52), các sơ đồ trận đánh, những nhân chứng lịch sử, những hình ảnh của người chiến sĩ Vệ quốc đoàn (tiền thân của Trung đoàn Tây Tiến)…

Đặc biệt, nơi đây còn lưu lại nhiều hình ảnh, kỷ vật của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã viết lá thư tâm huyết gửi gắm nhiệm vụ lớn lao cho những người trai Hà Nội lên đường đi Tây Bắc. Ngoài ra, Nhà truyền thống còn có một không gian riêng tái hiện hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp qua các tác phẩm văn học nghệ thuật (còn gọi là góc “Tài hoa Tây Tiến”): Ngoài bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, còn có tác phẩm của các nhạc sĩ Doãn Quang Khải, Nguyễn Thành, các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ…

Khu di tích Tây Tiến được xây dựng năm 2006, trùng tu năm 2015 và được công nhận di tích quốc gia năm 2017. Đây là một “địa chỉ đỏ”, nằm trong hệ thống những công trình tưởng niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến ở khắp nơi: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Sầm Nưa (Lào)...

Bia tưởng niệm nằm giữa một khung cảnh đơn sơ, mộc mạc, với 52 bậc đá trắng dẫn lên theo đường zic zac. Bao quanh là 5 bức phù điêu đắp nổi, tái hiện những câu chuyện của người lính Tây Tiến, từ khi từ giã kinh thành hào hoa cho đến những cuộc chiến đấu, những gian khổ, mất mát hy sinh…

Bia tưởng niệm có tạo hình Khải hoàn môn với 4 lưỡi lê chụm vào nhau và dòng chữ của đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 1-1-1947: “Công đức của các đồng chí đồng bào và Tổ quốc sẽ ghi nhớ. Dưới sự điều khiển của Bộ chỉ huy Tây Tiến, các đồng chí tiến lên con đường vinh quang. Nếu trong cuộc kháng Nhật chúng ta thành công với khu giải phóng Việt Bắc, thì trong cuộc kháng Pháp chúng ta phải thành công với công cuộc Tây Tiến”. Bên cạnh nhà bia còn có ngọn tháp của nhân dân tỉnh Hủa Phăn (Lào) ghi dòng chữ: “Mãi mãi nhớ thương đoàn quân Tây Tiến”... và danh sách những người chiến sĩ đã hy sinh, còn nằm lại đất này.

Đài vọng tưởng được làm bằng kính trong suốt, nhô thẳng lên cao, mở ra một không gian rộng lớn giúp mọi người ngắm được bao quát khu di tích và núi rừng xung quanh. Từ đó mọi người có thể cảm nhận rõ hơn khung cảnh “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” của một thời chiến tích hào hùng và bối cảnh tươi đẹp, đầy sức sống của Mộc Châu hôm nay.

Theo nhà giáo Trần Minh Đức, khu di tích này được gọi là Lâm viên Tây Tiến, ý tưởng ban đầu là quy hoạch khuôn viên hơn 30ha nhằm tái hiện tất cả những gì thuộc về lịch sử, đời sống, con người của Trung đoàn 52 (Tây Tiến). Tuy nhiên, như một quy luật chung, quá khứ đã nhường lại không gian cho nhân dân kiến tạo tương lai, với sức sống mới, diện mạo mới, thể hiện sự phát triển không ngừng của đời sống. Bao quanh khu di tích vẫn thấp thoáng đồn biên phòng Mộc Lỵ và hình ảnh của Sài Khao, Pha Luông với khói sương, mây mù và đỉnh núi ngút ngàn xanh…

Nhưng hiện hữu và nổi bật lên vẫn là những màu sắc tươi mới của phố thị, của các công trình kiến trúc hiện đại và những con đường bao quanh và tỏa đi, đến các địa điểm khác của Mộc Châu, Sơn La. Và nơi đây không có chút ồn ào làm xáo động khung cảnh trầm lặng, thiêng liêng; mọi người không ai nói to, không ai cười đùa nên tiếng gió cùng cái lạnh cứ tràn qua trong lặng lẽ, thênh thang…

Nơi ươm mầm tương lai

Cũng nằm trong bối cảnh truyền thống lịch sử chắp cánh cho tương lai, Trường tiểu học và THCS Tây Tiến nằm trong Tiểu khu 12, bên cạnh nhiều cơ quan, ban ngành của TT.Mộc Châu và của tỉnh Sơn La. Ngôi trường gồm 2 cơ sở nằm rất gần Khu di tích Tây Tiến và nhiều thầy cô giáo cùng các em học sinh đã đến trường ngày chủ nhật để đón Hội đồng Văn học thiếu nhi vào thăm.

Các nhà văn, nhà thơ đã vào thư viện trường tìm hiểu việc đọc sách của các em. Ở ngôi trường vùng cao này, các đầu sách văn học, văn hóa thường thức dành cho thiếu niên, nhi đồng còn ít, song có khá nhiều các ấn phẩm của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, các đầu sách giáo dục văn hóa địa phương và sách giáo khoa. Ban giám hiệu nhà trường và cô thủ thư chăm chút rất kỹ cho các cuốn sách trên những giá sách nhỏ, kèm theo những trích dẫn khuyến khích việc đọc sách được treo ở tiền sảnh và trong thư viện. Các phòng, ban và cả hội trường của trường đều khá nhỏ nhắn, vừa vặn, tạo không khí gần gũi, ấm áp giữa thầy và trò.

Rời TT.Mộc Châu, chúng tôi nhớ mãi tiếng gió trên đài tưởng niệm Khu di tích Tây Tiến và cả tiếng cười của các em học sinh trên sân trường Tây Tiến. Đó cũng là động lực, là nguồn cảm hứng mới mẻ, đầy ý nghĩa đối với những người lao động, sáng tạo cùng với tình yêu dành cho Tây Bắc.

Với tập thể sư phạm gồm 61 người và hơn 1 ngàn học sinh, trường đang phát huy thế mạnh của một trường chuẩn quốc gia, bên cạnh chương trình chính khóa, có rất nhiều hoạt động ngoại khóa được tổ chức sôi nổi, đông vui. Chẳng hạn như Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12 vừa qua, trường đã tổ chức chuỗi hoạt động: sinh hoạt dưới cờ, hội thi dân vũ, quét dọn vệ sinh tại Khu di tích Tây Tiến, kết nạp đội viên mới tại địa chỉ đỏ (nơi Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc của Mộc Châu), thăm hỏi, tặng quà 23 gia đình chính sách, đến thăm và chúc mừng Ban Chỉ huy quân sự TT.Mộc Châu… Trường cũng kết nối với nhiều doanh nghiệp hỗ trợ cho các em học tập (đa phần học sinh là người dân tộc Thái, H’Mông…), và có nhiều chương trình thiện nguyện, kế hoạch nhỏ giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Buổi gặp gỡ và giao lưu, tặng sách giữa thầy trò của trường và các nhà văn, nhà thơ đã diễn ra trong không khí thân thương, trìu mến. Nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi đã tặng những tập sách văn học mới nhất cho các em. Nhà văn Lê Phương Liên, Ủy viên Hội đồng cũng tặng tập truyện tranh Lê Thánh Tông cùng với những lời tâm tình, nhắn nhủ về việc đọc và việc học…

Thầy hiệu trưởng Trần Minh Đức đã chia sẻ nhiều điều, ông khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách, rèn luyện bản thân; vai trò của môi trường, xã hội đối với mỗi người. Với truyền thống lịch sử, văn hóa, ông nhắc nhở các em trên mảnh đất Mai Châu, Sơn La nói riêng, cũng như khắp cả nước, có rất nhiều đơn vị anh hùng, song Trung đoàn 52 Tây Tiến (nơi trường vinh dự mang tên) nhờ có bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng mà mọi người biết đến nhiều hơn. Chính vì vậy, ông mong các em học sinh luôn trân trọng và tìm hiểu thấu đáo lịch sử nước nhà, để trở thành những người công dân có ích cho xã hội, đồng thời góp phần mang các vẻ đẹp, các giá trị văn học nghệ thuật lan tỏa và nhân rộng.

Thời gian ngắn ngủi còn lại, chúng tôi đi thăm khu vườn nhỏ và biểu tượng chủ quyền Trường Sa thiêng liêng của trường. Khu vực này được chăm chút kỹ càng, sạch đẹp và đầy hoa, là niềm tự hào chung của tất cả giáo viên và học sinh của trường. Các em xin thầy cô giáo được ở lại chơi đùa trong sân trường và nhà thơ Bảo Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi có dịp chuyện trò thỏa thích với các em. Chị là người đã nhiều lần đến Sơn La, kết nối các chương trình của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng với Trường tiểu học và THCS Tây Tiến. Chị là tác giả của bài thơ Trường em Tây Tiến được nhạc sĩ Tiến Hùng phổ nhạc, tác phẩm trở thành ca khúc được yêu thích của cả ngôi trường vùng cao mến thương này!

Mai Sơn

Tin xem nhiều