Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảng viên mê văn chương

Hải Yến
20:43, 26/01/2024

Giảng viên Trần Thị Hiếu (Khoa Sư phạm khoa học xã hội, Trường đại học Đồng Nai) là hội viên trẻ của Ban Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Cô đến với hoạt động sáng tác muộn nhưng viết đều tay và khá chắc chắn.

Cây bút trẻ Trần Thị Hiếu, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ảnh: H.YẾN
Cây bút trẻ Trần Thị Hiếu, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ảnh: H.YẾN

Vốn yêu thích học văn từ nhỏ và theo học ngành Văn học ở bậc đại học nhưng cô Hiếu chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể theo đuổi hoạt động sáng tác văn chương như một thú vui, một cách để giãi bày tâm tình.

Bước ngoặt của nữ giảng viên đại học

Cho đến năm 2016, khi tham gia viết bài nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trường đại học Đồng Nai, bài viết của nữ giảng viên này đã được nhà văn Bùi Quang Tú để ý. Ông khuyến khích cô mạnh dạn viết bài gửi cho một số tạp chí, báo. Cùng thời điểm đó có bài đăng trên Báo Phụ nữ, truyện ngắn đăng trên Báo Tuổi Trẻ.

Dù vậy, khi được gợi ý viết bài gửi Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, cô vẫn cảm thấy khá rụt rè bởi cho rằng bản thân còn non nớt, chưa có kinh nghiệm viết. Vì vậy, các sáng tác của nữ tác giả này đa phần viết rất lâu. Cô thường tự đọc lại nhiều lần để chỉnh sửa.

Tác giả TRẦN THỊ HIẾU còn có bút danh là Trần Hiếu Cát Cát.

Cô Hiếu kể: “Tôi từng hỏi mẹ của mình là “Con có nên viết văn không?”. Mẹ tôi bảo: “Người ta không có cánh thì phải chịu, con có cánh thì con cứ bay đi”. Đó là nguồn động viên để tôi bước vào địa hạt văn chương; được là một phần trong đó và có cơ hội thể hiện mình”.

Kể từ đó, thỉnh thoảng cô Hiếu lại có sáng tác đăng trên báo, tạp chí văn nghệ. Cô được kết nạp vào Ban Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ngoài viết tản văn, truyện ngắn, những năm gần đây, cô bắt đầu có những sáng tác thơ và nhận được nhiều lời khen.

Thơ của cô thường là những bài thơ ngắn giàu hình ảnh, ý vị, có tính triết lý nhân sinh, thể hiện những rung động trước hiện thực cuộc sống đồng thời cũng lột tả phần nào tư tưởng, tình cảm, tính cách của chính tác giả. Có thể kể đến những vần thơ như: “Vũ trụ khắc thời luân chuyển/ Vạn vật tương ứng, tương cầu/ Con người nằm trong vũ trụ/ Cảm tình như nước biển sâu” (Nguồn cảm).

Hay: “…Có kẻ mê thơ lần ra đến chợ/ Vấp cảnh đời chân chẳng thể đi hoang/ Phong bao đỏ mừng tuổi lão ăn mày!/ Bóng bay thỏ dây trao tay cháu nhỏ!/ Nắng vàng tươi chảy tràn qua cổng chợ/ Rơi vào trong một đôi mắt thơ ngây/ Đi sắm tết người thơ đi sắm tết/ Sắm niềm vui - cũng chẳng tốn bạc dày” (Sắm tết).

“Đối với tôi, thơ giống như địa hạt thiêng liêng mà mình không dám viết và cũng không biết bắt đầu như thế nào. Vì tìm được tứ thơ đã khó, làm sao để trong dung lượng chữ ít nhất mà chuyển tải được hết tứ thơ và có thông điệp lại càng khó. Cho đến khi có chùm thơ được giới thiệu, đăng báo thì tôi mới mạnh dạn để viết” - cây bút này bộc bạch.

Văn chương là điểm tựa tinh thần

Ở tuổi gần 40 và trải qua thăng trầm của cuộc sống, cô Hiếu vẫn giữ được tâm hồn dung dị; những rung động có nét hồn nhiên, trong sáng. Chính điều này đôi khi khiến cô cảm thấy hoài nghi giữa hiện thực xã hội và mộng mơ trong tâm hồn, cũng có khi trong lòng không tránh khỏi những chông chênh… Tuy vậy, sau những hoài nghi, những băn khoăn, cô Hiếu vẫn quay về với chính con người thật của mình. Tất cả những cảm xúc đó được thể hiện trong các sáng tác.

Cô Hiếu tự nhận: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được sáng tác văn thơ, bởi khi viết là lúc tôi được chia sẻ những điều suy tưởng. Chính điều này giúp tôi cân bằng được hiện thực và mộng mơ; thoát khỏi những chông chênh, có khi là cảm giác cô đơn, trống trải trong tâm hồn”.

Đối với cây bút trẻ này, văn chương là một thế giới đẹp, trong sáng, giàu cảm xúc. Ngay cả khi đau đớn, bi cảm cũng tìm thấy cái đẹp trong đó. Vì vậy, văn chương là điểm tựa tinh thần, sáng tác văn chương giúp cô cân bằng cuộc sống; thoát khỏi nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, thoát khỏi phong cách mô phạm của người giáo viên; được sống với con người có tính nghệ sĩ, thậm chí có khi muốn nổi loạn…

Có thể nói, nếu con người của cô Hiếu trước đây thường mang tâm trạng cô đơn thì khi bước vào vườn văn chương, thế giới của cô đã tràn đầy màu sắc và niềm hạnh phúc. Cô tìm được những người bạn văn là tri âm, có thể cùng đồng cảm trong tâm hồn…

Hải Yến

Tin xem nhiều