Với những quy định khắt khe của các ngân hàng thương mại về tài sản thế chấp, tín chấp, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, không có tài sản rất khó tiếp cận với hoạt động vay vốn chính thống. Không ít trường hợp đã phải tìm đến “tín dụng đen” để có tiền giải quyết khó khăn tạm thời.
Chị Đinh Thị Tuyết Nhung, Trưởng Bưu cục Quang Vinh (TP.Biên Hòa) tư vấn cho người dân thủ tục vay, gửi tiền tiết kiệm tại bưu cục. Ảnh: P.Liễu |
Để những người dân có hoàn cảnh khó khăn đột xuất vay được một khoản vốn nhỏ làm ăn, trang trải cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có những cách thức cho vay linh động, lãi suất thấp và nhất là không yêu cầu phải thế chấp tài sản.
* Không dễ tiếp cận nguồn vốn vay
Mất việc do công ty ngừng hoạt động từ tháng 7-2023, đã gần nửa năm ở nhà, bà Nguyễn Thị Mến (52 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) vẫn chưa kiếm được việc làm khác do đã lớn tuổi. Không còn thu nhập, bà Mến gặp rất nhiều khó khăn vì còn phải nuôi con ăn học.
Bà Mến có 16 năm làm nhân viên bếp ăn cho một công ty ở Khu công nghiệp Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa), ngoài thu nhập 7 triệu đồng/tháng, gia đình bà không phải lo bữa ăn chiều vì cơm, đồ ăn còn dư nhà bếp cho nhân viên chia nhau mang về ăn nên cũng tiết kiệm được chi phí. Giờ đây, mọi trang trải đều trông vào thu nhập từ chạy xe ôm của chồng bà.
“Tôi muốn có khoảng 30 triệu đồng để làm vốn buôn bán nhỏ ở chợ, nhưng đem sổ hồng thế chấp vay ngân hàng thì họ cho biết nhà tôi nằm trong vùng quy hoạch nên không được vay, chưa kể muốn vay tiền ngân hàng phải mua bảo hiểm 5 triệu đồng. Gia đình tôi cũng không phải là hộ nghèo để được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội nên giờ chỉ còn mỗi cách là đi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để có tiền xoay xở khó khăn trước mắt”.
Còn anh Trần Hoàng Long (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bị mất việc từ giữa năm 2023, mà không lấy được tiền trợ cấp thất nghiệp do công ty nợ đóng BHXH tới… 34 tháng. Tháng 9 vừa qua, cha anh ở quê bị ung thư phải phẫu thuật nên cần viện phí. Không biết chạy vạy ở đâu khi bản thân đang làm shipper với mỗi ngày thu nhập khoảng 200 ngàn đồng để trang trải cho gia đình 4 người. Bí thế, anh Long phải vay “tín dụng đen” 30 triệu đồng với lãi suất 45%/năm. Chỉ gần nửa năm, số tiền vay đã lên đến gần 40 triệu đồng. Tháng nào không trả lãi, chủ nợ cho người gọi điện đến khủng bố liên tục.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa đề xuất, cho người lao động thế chấp sổ BHXH để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh. Nếu người lao động không trả được, có thể lấy tiền đã đóng BHXH để trả nợ. Đề xuất này được đông đảo người lao động quan tâm, nhưng đây cũng mới chỉ là đề xuất và đang được đơn vị dự thảo nghiên cứu, xem xét.
* Cần đa dạng và linh động hình thức cho vay
Qua trao đổi, một số người có nhu cầu vay vốn làm ăn cho biết họ gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng chính thống bởi những ràng buộc về tài sản thế chấp, dẫn đến tình trạng nhiều người tìm đến giải pháp rút BHXH một lần hoặc vay “tín dụng đen”. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng cần đa dạng và linh động hình thức cho vay vốn.
Theo ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, hiện đối tượng được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội còn hạn chế, chỉ có các đối tượng như: hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; các hộ sản xuất, kinh doanh ở các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… vay, chứ đối tượng đại trà chưa được vay.
Tuy nhiên, hiện có một hướng giúp NLĐ giải quyết được những khó khăn về vốn vay khi không thể thực hiện được ở ngân hàng hoặc ở những tổ chức tín dụng chính thống, đó là vay tiền qua bưu điện.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Nai Nguyễn Như Thuận cho hay, thời gian qua, Bưu điện Việt Nam đã hợp tác với nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng để nối kết nối với khách hàng có nhu cầu vay vốn một cách nhanh chóng, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, đặc biệt là vay tiền bưu điện là hình thức vay tín chấp do các tổ chức tín dụng liên kết với Bưu điện Việt Nam để cung cấp khoản vay đến khách hàng. Bưu điện Việt Nam đang hợp tác với một số tổ chức tín dụng cho khách hàng vay như: Lien Viet Post Bank, TPBank, SeABank, các công ty Tài chính: FE Credit, PVcomBank, MCredit, EVN Finance…
Cụ thể, từ ngày 10-1-2024, Bưu điện Việt Nam có 3 gói sản phẩm cho vay: Gói vay Toàn diện dành cho người từ 30-60 tuổi, có mức thu nhập từ 4,5 đến dưới 6 triệu đồng/tháng, có đóng BHXH bắt buộc, số tiền cho vay từ 20-40 triệu đồng với thời gian từ 12-36 tháng, lãi suất khoảng 18 ngàn đồng/triệu đồng/tháng. Gói vay Tiện lợi dành cho người từ 20-60 tuổi có mức thu nhập dưới 4,5 triệu đồng/tháng và không yêu cầu đóng BHXH bắt buộc, số tiền vay từ 3-9 triệu đồng trong vòng từ 3-12 tháng, lãi suất 25 ngàn đồng/triệu đồng/tháng. Gói vay An tâm dành cho đối tượng từ 26-60 tuổi, có thu nhập dưới 4,5 triệu đồng, không yêu cầu đóng BHXH bắt buộc, số tiền vay từ 10-20 triệu đồng, thời gian vay 12-24 tháng, lãi suất 23 ngàn đồng/triệu đồng/tháng.
Ngoài ra còn có gói vay dành cho người hưu trí không quá 75 tuổi, số tiền cho vay lên đến 500 triệu đồng, thời hạn cho vay lên tới 60 tháng với lãi suất ưu đãi. Điều kiện duy nhất là có thẻ lương hưu.
Theo ông Thuận, ưu điểm khi vay tiền bưu điện, người dân không cần có tài sản đảm bảo hay người bảo lãnh khoản vay; không cần chứng minh thu nhập hay thẩm định người thân; hạn mức vay cao phù hợp với nhu cầu của nhiều khách hàng; thời hạn vay linh động giúp khách hàng giảm bớt áp lực trả nợ; hình thức giải ngân linh hoạt (chuyển khoản hoặc nhận tiền trực tiếp tại quầy giao dịch bưu điện); thời gian duyệt vay nhanh chóng và giải ngân ngay trong ngày; phương thức thanh toán vay trả góp linh động, có thể tự lựa chọn trả gốc đều hàng tháng, trả lãi hàng tháng theo dư nợ giảm dần.
Theo đó, khách hàng đến sử dụng dịch vụ tại các bưu cục của Bưu điện Việt Nam trên toàn quốc có nhu cầu vay tiền mặt, sẽ được nhân viên bưu điện hướng dẫn mở hồ sơ và thực hiện các thủ tục trực tiếp hoặc trực tuyến một cách nhanh chóng, an toàn.
“Ngành Bưu điện hợp tác với một số tổ chức tín dụng để giúp người dân tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thức của các ngân hàng, công ty tài chính, hạn chế tình trạng dính bẫy “tín dụng đen”. Đây là một trong những hoạt động kết nối mang ý nghĩa thiết thực và nhân văn, nhằm giúp người khó khăn tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống” - ông Thuận cho hay.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin