Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ truyền thống: Làm gì để thoát ế?

Kim Liễu
07:50, 20/01/2024

Dù Tết Nguyên đán 2024 đang cận kề nhưng các chợ truyền thống có quy mô lớn trên địa bàn TP.Biên Hòa như: Biên Hòa, Tân Hiệp, Tam Hòa, Hóa An… lại rơi vào tình trạng ế ẩm.

Tầng trên trong nhà lồng chợ Biên Hòa rất vắng khách
Tầng trên trong nhà lồng chợ Biên Hòa rất vắng khách

Nguyên nhân khiến chợ ngày càng “đìu hiu”, nhất là ngay trong mùa mua sắm được chính những khách hàng đi chợ chỉ ra, đồng thời gợi mở các giải pháp để khắc phục…

Thu hút bằng thái độ phục vụ và chất lượng hàng hóa

Do tình hình kinh tế khó khăn nên hiện nay nhiều gia đình cắt giảm chi tiêu. Cùng với đó hoạt động mua, bán hàng qua kênh online phát triển mạnh, các loại hình kinh doanh khác như: siêu thị, trung tâm thương mại cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi… đã tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ, nhiều năm nay nhìn chung các chợ truyền thống có sự đầu tư về diện mạo, được tu sửa, các khu bán hàng được bố trí hợp lý hơn… về cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, những thay đổi về mặt hình thức chưa đủ để chợ truyền thống giữ vững được vị thế của mình. “Nhiều tiểu thương vẫn chưa chịu thay đổi phương thức và thái độ bán hàng, đáng buồn là vẫn còn tình trạng hét giá. Vậy nên, hầu như tôi chỉ ghé chợ để mua các mặt hàng tươi sống ở những người bán quen. Các nhu yếu phẩm khác tôi mua ở siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, mua sắm online vì giá cả được nêm yết rõ ràng, có nhiều ưu đãi hấp dẫn” - bà Diễm nói.

Số liệu thống kê từ Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 chợ đang hoạt động, trong đó có 91 chợ ở nông thôn và 46 chợ ở thành thị. Hiện nay, dù đang trong giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm nhưng sức mua sụt giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước.

Nói về nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển mua sắm của người tiêu dùng từ chợ truyền thống sang những kênh mua sắm hiện đại, chị Trần Thu Huệ (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, giờ số người đi chợ đều là người lớn tuổi, còn những người trẻ thường chọn mua hàng qua mạng, tại các cửa hàng tiện lợi và mua tại siêu thị vì thấy tiện ích hơn, không  gian mua sắm hiện đại, sạch sẽ... “Gửi xe tại chợ Biên Hòa mất 5 ngàn đồng, trong khi siêu thị, trung tâm thương mại 2 ngàn đồng, có nơi không lấy tiền. Hàng hóa họ bán đúng giá niêm yết, vừa thoải mái lựa chọn và chẳng sợ nói thách, chửi xiên chửi xỏ, ép mua hàng như ở chợ” - chị Huệ so sánh.

Để có thể hấp dẫn được người tiêu dùng, các chợ truyền thống cần  được tổ chức, nâng cấp, tạo môi trường ngăn nắp, thông thoáng, nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá rõ ràng, đa dạng các hình thức bán hàng… “Các chợ truyền thống cần chủ động nâng cấp và làm mới mình để thích ứng với những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng” - ông Nguyễn Thanh Hải (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) góp ý.

Cập nhật các phương thức bán hàng mới

Theo ông Hải, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi về chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng… Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả thì việc bán lẻ truyền thống sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với cách bán lẻ hiện đại.

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, các chợ truyền thống cần tiếp tục đổi mới, thay vì bó buộc trong cách thức bán hàng truyền thống, tiểu thương tại các chợ cần chủ động thay đổi. Đã có nhiều tiểu thương ở các chợ bắt đầu cung cấp thêm nhiều dịch vụ như giao hàng tận nơi, đưa các phương thức thanh toán hiện đại vào giao dịch, kết hợp bán hàng thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo…

Bà PHAN THỊ THANH (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Để chợ truyền thống thu hút người mua theo tôi các tiểu thương cần nâng cao cung cách phục vụ. Hàng hóa kinh doanh phải niêm yết giá, có chứng từ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, tại những chợ lớn có truyền thống lâu đời, có thể lồng ghép, kết hợp các tour du lịch, ẩm thực nhằm thu hút khách hàng đến các chợ và quảng bá du lịch địa phương”.

Bà Trần Thị Hà, chủ sạp thịt tại chợ Biên Hòa chia sẻ: “Tôi đã buôn bán, kinh doanh mặt hàng thịt ở chợ được gần 20 năm. Mấy năm trở lại đây hoạt động mua bán tại chợ không còn nhộn nhịp như xưa. Khu đồ ăn tươi sống còn có khách chứ khu bán quần áo, mỹ phẩm ở tầng trên rất đìu hiu. Tiểu thương chúng tôi cũng phải tự chủ động thay đổi phong cách buôn bán theo hướng văn minh, lịch sự hơn. Mong rằng thời gian tới, các ngành chức năng sẽ có những chính sách, hướng phát triển hợp lý để đưa chợ truyền thống ngày càng phát triển theo hướng hiện đại”.

Bà Hà nói thêm: “Mới đây, TP.HCM đã tổ chức nhiều phiên livestream bán hàng tại chợ Bến Thành, giúp mang về hơn 18 ngàn đơn hàng. Tôi thấy hình thức này rất tuyệt, nếu các chợ truyền thống tại Đồng Nai cũng tổ chức như vậy thì hay quá, giúp các tiểu thương ở chợ tăng doanh thu và học cách tiếp cận với hình thức bán hàng mới”.

Theo bà Hà, hình thức livestream bán hàng khác xa với việc bán hàng offline tại chợ truyền thống. Do vậy, các tiểu thương cần có sự hỗ trợ từ ban quản lý bằng cách tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng, để có thể vừa bán hàng trực tiếp vừa bán trực tuyến hiệu quả. Ngoài ra, để livestream tại các chợ truyền thống thật sự có hiệu quả và lâu dài thì hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, giá cạnh tranh cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.

Đồng quan điểm, bà Trần Thanh Thủy (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho rằng, chợ truyền thống vẫn sẽ là kênh mua sắm không thể thiếu của người tiêu dùng, nơi giao thương từ xưa với những nét đẹp mua bán từ lâu đời nên không thể bị mai một. Để duy trì trong thời điểm cạnh tranh hiện nay, các tiểu thương tại chợ cần thay đổi cách kinh doanh để làm tốt hơn, cần mở thêm các kênh kết nối với khách hàng, tận dụng hình thức bán hàng online... Bên cạnh đó, xây dựng được văn hóa kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại để phát triển, giữ vững vị thế của mình. Làm sao để tiểu thương ở chợ không chỉ là người mưu sinh, mà còn là những người truyền bá văn hóa, nét đẹp của chợ truyền thống.

Kim Liễu

Tin xem nhiều