Trong Từ điển Văn học (bộ mới) khi viết về Nguyễn Nhược Pháp, GS Nguyễn Huệ Chi dẫn câu này của Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam. Đoạn trích đầy đủ: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn khó chịu của các ông tú, từ Tú Xuất, Tú Xương đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao”.
Nguyễn Nhược Pháp thời trẻ |
Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914, là con của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh còn một người con khác cũng được Hoài Thanh giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam là Nguyễn Giang. Trong thi phẩm Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp có mấy bức họa phụ bản của Nguyễn Giang. Nguyễn Nhược Pháp mất năm 1938, ông có Tú tài Tây, khi sinh thời, về thơ chỉ in một tập có tựa Ngày xưa (1935). Ông còn viết kịch, truyện ngắn, phóng sự, khảo luận, cả Pháp ngữ và Quốc ngữ. Một tập kịch được xuất bản có tựa Người học vẽ. Người ta biết nhiều về Nguyễn Nhược Pháp là về thơ. Hoài Thanh viết: “Thơ in ra rất ít mà người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh tuyển chọn 2 bài là Tay ngà và Chùa Hương. Bài Chùa Hương rất được nhiều người biết và có lẽ chỉ một bài này đã làm nên một Nguyễn Nhược Pháp có vị trí đáng trọng trong “chiếu thơ” 1930-1945.
Nguyễn Huệ Chi viết trong Từ điển Văn học: Trong khi các nhà “Thơ mới” cùng thời đang say đắm trong tình yêu, mơ mộng, đang khao khát niềm vui hưởng thụ, sự phân tích các trạng thái khoái cảm nỗi buồn, thất vọng, cái chết…, thì Nguyễn Nhược Pháp bỗng đem đến cho thơ một cái nhìn mới mẻ: không nhìn trực diện vào thế giới tâm hồn mình, mà nhìn nó từ một lăng kính khác lạ - thế giới “ngày xưa”. Nguyễn Huệ Chi đưa ra 2 bài Sơn Tinh Thủy Tinh và Chùa Hương “là những bài thơ hay trong thành tựu thơ Mới Việt Nam”.
Bài Chùa Hương được Trung Đức phổ nhạc với tựa Em đi chùa Hương, lời có thay đổi chút ít và ngắn hơn bài thơ rất nhiều nhưng đã chắp thêm cánh cho bài Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. 2 bài Tay ngà và Chùa Hương được Hoài Thanh tuyển trong Thi nhân Việt Nam. May mắn chúng tôi đọc được văn bản cả tập Ngày xưa. Bài Sơn Tinh Thủy Tinh khá dài, là câu chuyện Mỵ Nương con vua Hùng Vương thứ 15, là Ngọc Hoa - ít được nhắc tên này, được Sơn Tinh, Thủy Tinh cầu hôn, sau đó Mỵ Nương theo chồng là Sơn Tinh. Thi nhân hóa thân vào nhân vật, là Mỵ Nương, có đoạn thơ xúc động:
Sơn Tinh đến lạy chào bên cửa
Vua thân ngự đón nàng Mỵ Nương
Lầu son nàng ngoái trông lần lữa
Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương
Quỳ lạy cha già lên kiệu bạc
Thương người thương cảnh xót lòng đau
Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác
Nàng kêu: “Phụ vương! Ôi Phong Châu!”.
Bài Chùa Hương, có câu đề từ “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”, viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, có đến 34 khổ 4 câu, toàn bài đến 136 câu. Vậy có thể hiểu bài thơ là một câu chuyện được ghi lại (ký) bằng thơ. Bài thơ dài nhưng trích một vài khổ nào đó có thể đứng thành một bài độc lập, như khổ thơ này:
Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu.
“Dáng đi hấp tấp - Số gian nan không giàu”, một cách “coi tướng” truyền thống đã đi vào thơ Nguyễn Nhược Pháp, “số gian nan không giàu” trở thành khẩu ngữ.
Hay như:
Đường dây kia lên trời
Ta bước tựa vai cười
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ vàng
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.
Mỵ Châu - Trọng Thủy là một câu chuyện buồn, Nguyễn Nhược Pháp tái hiện bằng thơ, dĩ nhiên là buồn:
Đêm hôm gió khóc thổi ru cành:
Núi bạc âm thầm, bể uốn xanh
Hiu hắt Mỵ Châu nằm trăng phủ
Âm thầm sóng phủ vỗ vờn quanh.
Cái buồn tuyệt vọng này khác với cái man mác trong bài Tay ngà: Ta còn đang luyến mộng/ Yêu bóng người vẩn vơ/ Tay ngà ai phủ trán/ Hiu hắt ánh trăng mờ…
Nguyễn Nhược Pháp ra đi quá sớm, nếu không, thi đàn Việt Nam có thêm những tác phẩm theo khuynh hướng Chùa Hương bớt đi cái trầm mặc u buồn nói chung giai đoạn này của Thơ Việt Nam.
Trần Chiêm Thành
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin