Những tác giả góp mặt trong trang thơ này đã hoặc đang trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Người không là lính như nhà giáo, nhà văn Bùi Quang Tú đã tình nguyện vào chiến trường những năm chống Mỹ, vừa dạy học và cầm súng. Chúng ta sẽ gặp ở đây ký ức của một thời máu lửa: “Giặc rải bom chùm diệt cứ chỉ huy/ Pháo chụp, pháo bầy như vãi trấu/ Những binh đoàn dàn đội hình chiến đấu/ Trùng điệp cây rừng đùm bọc, chở che”.
HOÀNG QUÝ
Gọi người
Tặng Nguyễn Đình Chiến
Bãi khách ấy có rất nhiều săng lẻ
Đêm dừng chân ngửa mặt lên trời
Cánh võng mắc như thuyền chợt đi, chợt đến
Có ai người trở lại nữa hay thôi?
Tôi từng tới rừng kia một ngày xa ngái
Hái đầy tay những trái giòn xanh
Chiều hút tầm bom, mặt mày sạm khói
Đã cười đùa toàn những chuyện huyên thuyên
Trời trở rét úp thìa cho bớt rét
Túm tít xem trăng, trăng đã qua trời
Sương ướt giọt quờ tay sang võng cạnh
Trong đám chiều qua có đứa đi rồi
Tôi từng khóc một chiều bãi khách
Thằng bạn người Nùng chết tuổi thanh niên
Cơn sốt rét bất ngờ không thuốc
Bó theo người độc tấm tăng con
Có những cuộc đời như trăng khuyết tuổi
Tất tật đem cho không toan tính điều gì
Bãi khách ấy
Vạt rừng sang lẻ ấy
Bao người đi qua…
Đồng đội tôi giờ thưa thớt cả
Đứa cấy ruộng quê
Đứa tất tả thị thành
Tôi chỉ muốn gào to trước cánh rừng xưa cũ
Có ai về mắc võng với tôi không?
ĐÀM CHU VĂN
Viếng bạn ở Nghĩa trang biên giới Tây Nam
Anh em về hết cả rồi
Bạn còn nằm lại ở nơi đất này
Hai mươi năm lọt kẽ tay
Mẹ cha đã khuất bóng mây cuối chiều
Còn lời hò hẹn người yêu
Vẫn lơ lửng tựa trăng treo góc rừng…
Nước non nợ đã trả xong
Bạn nằm ngủ giữa hương đồng mà đau
Những người lính trẻ quê đâu
Máu xương gửi lại địa đầu Tây Ninh
Bốn bề trời đất lặng thinh
Ngỡ như chẳng có chiến tranh ngày nào…
Với tay cột mốc gần sao
Còn in ngực bạn ghì vào đất thiêng.
ĐỖ MINH DƯƠNG
Trước tượng đài liệt sĩ Chiến khu Đ
Dâng nén nhang trầm tỏa khói bay
Tôi đứng lặng mơ hồ nghe tiếng súng
Hơi gió lạnh, cây rừng xao động
Hay hồn thiêng nghe nhắc gọi, tìm về
Cơn sốt rừng kịch phát, bạn hôn mê
Lặng lẽ ra đi dưới tán rừng mưa lạnh
Gạt nước mắt, đồng đội vào trận đánh
Rồi lại ôm nhau khóc những đứa không về
Giặc rải bom chùm diệt cứ chỉ huy
Pháo chụp, pháo bầy như vãi trấu
Những binh đoàn dàn đội hình chiến đấu
Trùng điệp cây rừng đùm bọc, chở che
Con gái miền Nam gan góc lạ kỳ
Bình thản cứu thương dưới làn mưa đạn địch
Đường giao liên bị kẻ thù phục kích
Nổ súng tiến công đến viên đạn cuối cùng
Những buôn làng bám trụ miền Đông
Già trẻ gái trai đi gùi lương, tải đạn
Có chuyến quặn mình dưới bom rải thảm
Thân hy sinh, hồn phách nhập cây rừng
Muôn sự hiểm nguy, ác liệt chiến trường
Mấy vạn người con hy sinh anh dũng
Tất cả vì miền Nam ngày giải phóng
Khiến quân thù khiếp sợ Chiến khu Đ…(*)
Lần mở từng trang lịch sử thần kỳ
Có thể có người chưa tin vào sự thật
Bao xương máu thấm sâu lòng đất
Nuôi cây rừng tỏa bóng chở che!
-----------------
(*): Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở Nam bộ truyền tụng câu phương ngôn: “Chiến khu Đ còn thì Sài Gòn mất”, như một dự báo cho cả ta và địch.
NGUYỄN MINH ĐỨC
Đến nơi bắt đầu
Vặn nhỏ lại cơn gió
Cời thêm ngọn đèn soi tỏ đêm thâu
Chúng tôi đi mùa sương giăng lưới qua đầu
Qua những trập trùng mưa gió bão
Tôi nhớ hôm ra đi
Tiểu đội hơn chục con người
Có người chỉ huy có người như làm mẹ
Cũng có thư sinh lăn vào cuộc dâu bể
Anh tên Đừng, anh tên Tỏ, cha mẹ đặt tên
Anh Đừng thông đường rừng cắt đèo lội suối
Anh Tỏ từng lặn lội gieo chữ nơi heo hút mù non
Mỗi tên anh gánh một phần giậu phên Tổ quốc
Băng băng vượt cản từng cơn gió thốc
Đến nơi cắm vào lòng dân từng cột mốc
Hơn chục con người chỉ một ánh nhìn xanh
Bắt đầu hành trình người lính… tập làm dân
Tỏa tìm em thơ giúp cắt tóc rửa chân
Cời bếp than hồng chùm bắp nếp nướng
Đêm đêm vá từng chuyện nhỏ dệt sợi gia đình
Quen dần từng từ chậm, rõ nét, đơn nghĩa
Đến nơi tiếng nói bắt đầu
Bập bẹ vành môi em gọi “Nhà” và “Gạo”
“Thầy” uốn thêm tiếng ê a đánh vần thành điệu
Từng nét điệp trùng thành Tổ quốc trên môi em
Hai năm phên giậu vài cơn sốt ghé thăm
Da, môi xanh đổi chỗ thời tóc xanh
Thêm một người xanh miền biên viễn
Góp mình như kiềng trong thế đứng kiên thành.
BÙI QUANG TÚ
Cho tôi về lại với rừng
Cho tôi về lại với rừng
Nơi tuổi trai tôi đã từng ở đây
Đã từng xẻ gỗ đốn cây
Dựng lều làm lán những ngày đạn bom
Cho tôi về lại với rừng
Nơi giọt mưa gõ lên từng lá cây
Cơn mưa náo động rừng dày
Con nai hốt hoảng, con trăn cựa mình
Cho tôi về lại với rừng
Nơi đêm khuya ánh lửa rừng reo vui
Biết bao đồng đội và tôi
Hát bên ánh lửa quanh nồi cháo măng
Cho tôi về lại với rừng
Nơi hàng tre soi bóng dòng Đồng Nai
Nơi tầng sương phủ sớm mai
Xuồng ai đánh cá, tiếng ai gọi xuồng
Cho tôi về lại với rừng
Nơi bên cây ta diệt từng xe tăng
Nơi bao người lính trẻ măng
Giẫm lên xác giặc băng qua rừng già
Cho tôi về lại với rừng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin