Nhà Văn Lương Văn Lựu (1915-1992) |
Trong quyển sách Văn học Đồng Nai - Lịch sử & Diện mạo, nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy nhận định: “Tuy đặt tên là Biên Hòa sử lược toàn biên, nhưng thật ra công trình của Lương Văn Lựu xứng đáng là một bộ địa chí. Trong đó, tác giả đã dành dung lượng đáng kể để mô tả kỹ lưỡng về đời sống, văn hóa, xã hội của tỉnh Biên Hòa qua các thời đại; ghi chép cẩn thận, chi tiết từng truyện kể, giai thoại trong dân gian”.
* Nhặt từng mảnh sử liệu vụn vặt
Bộ sách Biên Hòa sử lược toàn biên có tất cả 5 quyển, bao gồm: Trấn Biên cổ kính, Biên Hùng oai dũng, Đồng Nai thơ mộng, Biên Hòa tân tiến, 300 năm thành lập người Việt gốc Hoa trên đất Đồng Nai.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Lương Văn Lựu đã miệt mài suốt hơn 30 năm để sưu tầm, biên soạn bộ sách Biên Hòa sử lược toàn biên, khởi thảo từ năm 1958 sau khi nghiên cứu sâu về Biên Hòa đã rút ra nhận định: “Đây là vùng đất lớn, chiếm gần trọn miền Đông, lại hình thành rất lâu đời trong Nam kỳ lục tỉnh, là vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa, trù phú và yên bình”.
Thực ra, từ những năm 1940, Lương Văn Lựu đã bắt đầu góp nhặt tư liệu về Biên Hòa - Đồng Nai. Trong Lời tựa viết ngày 10-3-1971 cho quyển thứ 1 Trấn Biên cổ kính do tác giả tự xuất bản vào năm 1972, cụ Lương Văn Lựu đã bày tỏ nỗi lòng mình một cách chân tình như sau: “…Tôi không có cao vọng theo con đường của một Ngô Sĩ Liên, một Phan Huy Chú, một Trần Trọng Kim, một Phạm Văn Sơn, nhưng chỉ vì nặng tình bản sở, mà làm kẻ lữ hành nhỏ bé, đi từ bước một, trên đường sử học, nhặt từng mảnh sử liệu vụn vặt ở mỗi nơi, ghi chép từng mẩu chuyện truyền khẩu ở mỗi vùng, giẫm chân trên gần khắp miền Đông, từ thành thị đến thôn quê, thăm hàng ngàn gia đình, mót cọng lúa vàng trên đồng, xem hột thạch sa dưới nước hoặc đào bới dưới đáy giếng sâu, đọc tấm bia mộ rêu phong, viếng đình, chùa, miếu môn cổ kính, bẻ cành cổ thụ trong rừng thiêng, nhặt hòn đá cuội trên núi thẳm, đến xem một số di tích xưa còn lưu tại viện bảo tàng, trong ba mươi năm trời công phu sưu tập, để hôm nay, hoàn thành được bộ sử lược này, mà tôi coi như là kết tinh đời văn học của tôi”.
Lời tự sự này của tác giả Biên Hòa sử lược toàn biên cho thấy là phương pháp thực hiện công trình địa chí này khá đúng với nhận định của nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy: “Đến bây giờ, việc thực hiện những chuyến điền dã nhằm sưu tầm những giá trị văn hóa dân gian vẫn rất cần thiết, vì thực tế chưa được bao nhiêu. Có thể rồi đây chúng ta sẽ sưu tầm và lưu giữ được nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích, nhiều câu ca dao, dân ca và cả phong tục, tập quán mà hiện nay ai cũng biết đang mai một đi rất nhanh. Nhưng liệu chúng ta có sưu tầm và lưu giữ gần như trọn vẹn cách nghĩ, cách nói và nhất là tâm hồn, tâm thức của người miền Đông Nam bộ nói riêng hay bất cứ vùng miền nào khác trên đất nước ta, chính là ở đấy, miễn là ở nơi đó có được những con người… Bây giờ, xin nói sơ lược về cách mà một số nhà văn, nhà thơ miền Đông Nam bộ thời hiện đại kế thừa từ văn hóa dân gian. Cách thứ nhất là ghi chép chân thật để lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian mà tiêu biểu là Lương Văn Lựu”.
* Tự học, tự nghiên cứu
Sinh ngày 22-12-1916 tại Bình Long thuộc ấp Tân Lại, xã Tân Thành, Q.Đức Tu, tỉnh Biên Hòa, Lương Văn Lựu là con trai thứ ba của cụ Lương Văn Lê - một thầy thuốc Đông y nổi tiếng được mời làm Hương cả làng Bình Trước. 7 tuổi, Lựu vào học Trường Ecole primaitre complémentaire de Biên Hòa (nay là Trường tiểu học Nguyễn Du). Sau đó, cậu học trò được người chị nuôi bằng gánh cháo cá phải nghỉ ở nhà tự học, từng bước thông thạo cả Quốc ngữ, Hán tự, Pháp văn. Năm 1935, Lương Văn Lựu thi đậu Diplome.
Tác giả bộ sách Biên Hòa sử lược toàn biên từ giã cuộc đời ngày 30-5-1992 |
Đặc biệt là 3 năm trước đó, khi mới 16 tuổi, chàng trai tự học này lấy bút danh là Nhứt Lưu viết bài đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Và đến năm 1935, cùng với văn bằng Diplome, nhà báo tài tử Nhứt Lưu - người đầu tiên ở Biên Hòa có bài viết trên các báo tiếng Việt được các tờ Sài Gòn mới, Trung lập mời phụ trách chuyên mục và chuyên trang văn nghệ. Thời gian này, Lương Văn Lựu còn cùng Băng Dương (Bùi Nhựng) dịch thơ Pháp đăng báo và đến tiệm chụp hình của thầy Ba Lâu cạnh chợ Biên Hòa học nghề nhiếp ảnh.
Nhờ có tay nghề làm báo, năm 1948, khi Tòa Hành chánh Việt Nam Cộng hòa tỉnh Biên Hòa chủ trương ấn hành Nguyệt san Biên Hùng do ông Lý Quý Phát (thân phụ nhà báo Chánh Trinh, tức Lý Quý Chung - Tổng trưởng Thông tin cuối cùng của chính quyền Sài Gòn) làm chủ nhiệm, Lương Văn Lựu được cử làm chủ bút.
* Những cái đầu tiên khác
Không những là tác giả bộ địa chí đầu tiên của Biên Hòa - Đồng Nai, Lương Văn Lựu còn là người mở ra nhà sách đầu tiên ở Biên Hòa. Đó là vào năm 1943, khi đã là nhà báo Nhứt Lưu tên tuổi, thấy bạn văn Trọng Khanh (Lý Văn Sâm) mỏi gối phiêu du, Lương Văn Lựu bèn rủ thêm sinh viên kiến trúc Nguyễn Văn Lý (con trai bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, Giám đốc người Việt đầu tiên của Dưỡng Trí viện miền Nam Việt Nam tại Biên Hòa, nay là Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) và Huỳnh Sanh (sau này là nhà thầu xây dựng) họp nhau mở nhà sách lấy tên Sông Phố ở góc đường Gallimard (nay là đường Quang Trung) và đường Nguyễn Hữu Cảnh (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) ở trung tâm TX.Biên Hòa.
Phần lớn sách bán ở Sông Phố là truyện Tàu và tiểu thuyết xã hội, báo mới mỗi ngày bằng tiếng Pháp. Nhà sách đầu tiên này ở Biên Hòa tồn tại cho đến tận ngày toàn quốc kháng chiến.
Năm 1960, trước gánh nặng gia đình đông con, ông Lựu bàn với vợ mở quán cơm tại nhà ở khu vực Cây Chàm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh thời đó còn là lộ đá. Bữa cơm với các món mặn, xào, canh, bán với giá bình dân nên dù không có bảng hiệu nhưng vẫn rất đông khách, mỗi ngày nấu đến 1 tạ gạo. Khách quen gọi quán cơm bình dân đầu tiên ở Cây Chàm này là “Quán thầy Tư Lựu”.
Với cương vị là Trưởng ty Kinh tế trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa tỉnh Biên Hòa, năm 1965, Lương Văn Lựu đã đứng ra vận động ông Bang Trần Lâm, một đại gia gốc Hoa tên tuổi ở Biên Hòa - Chợ Lớn tài trợ gạo để mở quán cơm xã hội tại góc đường Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Trãi (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Trãi). Quán cơm xã hội đầu tiên này ở Biên Hòa có suất thức ăn giống như quán thầy Tư Lựu, nhưng cơm được ăn miễn phí và bao no; nên dù phải xếp hàng và tự tay bưng mâm vẫn thu hút được rất đông tầng lớp lao động, học sinh nghèo Biên Hòa .
Từng là người đầu tiên ở Biên Hòa có bài viết trên các báo tiếng Việt ở Sài Gòn, Lương Văn Lựu còn rất mê thích các hoạt động văn nghệ, thể thao. Năm 1954, ông được cử làm Ủy viên Hội Thể thao Biên Hòa, thường xuyên có mặt trên sân cỏ và tại nhiều giải thi đấu bóng đá, ông còn trực tiếp cầm còi.
Lương Văn Lựu cũng là tác giả của bản vọng cổ Biên Hòa quê hương tôi được nhiều người đương thời ưa thích. Đặc biệt, ông rất thích làm thơ, đã sáng tác trên 200 bài thơ in thành 3 tập với nội dung hầu hết là tả phong cảnh, đặc sản Biên Hòa - Đồng Nai. Lạ hơn nữa, người có tâm hồn văn chương, nghệ thuật dạt dào này lại có cuộc sống rất đạm bạc, ông không cà phê, thuốc lá, rượu bia…, chỉ ham mê đọc sách và ghi chép. Những năm cuối đời, cụ Lương Văn Lựu chuyên tâm vào việc nghiên cứu liễn, hoành phi, bia ký đình miếu và có thêm hàng trăm bài thơ vịnh cảnh chùa.
Bùi Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin