Báo Đồng Nai điện tử
En

Quảng cáo cũng phải tôn trọng khán giả!

Minh Ngọc
19:01, 29/12/2023

Ngày càng nhiều những bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình được thực hiện nhờ tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những bộ phim lồng ghép quảng cáo khá khéo léo, vẫn có không ít bộ phim dành quá nhiều thời lượng để cho quảng cáo vào phim, thậm chí bộc lộ sự thô thiển khiến khán giả khó chịu.

Mới đây nhất, bộ phim truyền hình đang thu hút khán giả là Chúng ta của 8 năm sau nhận được nhiều phản ứng tiêu cực khi chèn nội dung quảng cáo sản phẩm mì ăn liền, bánh ngọt, sản phẩm vệ sinh toilet vào trong bộ phim. Không chỉ khen những lời khen có cánh, các phân đoạn quảng cáo sản phẩm khá lố, không ăn nhập gì với mạch phim lẫn tâm trạng nhân vật làm người xem khó chịu, chỉ muốn tắt truyền hình.

Chẳng hạn như khi quảng cáo sản phẩm nước vệ sinh toilet, các nhân vật khen toilet nhà nữ chính sạch, thơm tho. Thế nhưng trong diễn biến tâm lý của nhân vật này, vì chịu nhiều biến cố nên từ một cô gái sống mạnh mẽ, Dương trở nên bất cần đời, hay uống rượu, bỏ bê chăm sóc bản thân, thiếu ngăn nắp, gọn gàng. Bạn thân của cô là Nguyệt thường xuyên phải đến nhà phụ giúp dọn dẹp, cơm nước. Bố cô gái này khi dọn đến sống chung với con gái cũng mất khá nhiều thời gian để lau chùi, sắp xếp lại mọi thứ.

Sự thiếu logic, dù chỉ là một chi tiết nhỏ cũng khiến khán giả không hài lòng và những phân đoạn quảng cáo lộ liễu như thế dễ dàng bị “soi” đồng thời để lại bình luận khá gay gắn trên các diễn đàn thảo luận về phim. Đây cũng là thực tế đã xảy ra với nhiều bộ phim Việt gần đây vì bắt buộc phải chiều theo đơn vị tài trợ, lồng quảng cáo vào trong phim. Khán giả dù hiểu và rất thông cảm song đạo diễn, nhà sản xuất cũng phải biết tôn trọng khán giả, cố gắng đưa nội dung quảng cáo một cách phù hợp hơn, bởi nếu làm quá lố, không những sản phẩm không được yêu thích mà lại có tác dụng ngược.

Trên thế giới và cả Việt Nam, việc đưa quảng cáo vào phim ngày càng phổ biến. Có thương hiệu đã mạnh lên nhờ ít giây xuất hiện một cách khéo léo trên phim nhưng cũng có những thương hiệu, nhãn hàng bị tẩy chay vì quảng cáo phản cảm, lựa chọn bộ phim, diễn viên không phù hợp cho sản phẩm của mình. Do đó, cái bắt tay giữa phim ảnh và doanh nghiệp, nhãn hàng cần phải được tính toán một cách phù hợp để phát huy tốt nhất hiệu quả của nó, đem đến lợi ích cho cả đôi bên và quan trọng hơn là khán giả không cảm thấy bị coi thường khi xem những bộ phim mà quảng cáo khá lộ liễu, phản cảm.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều