Báo Đồng Nai điện tử
En

Phong tục cưới kỳ lạ trên thế giới

Minh Huyền
09:10, 09/12/2023

Đám cưới là khoảng thời gian để cô dâu, chú rể, người thân và quan khách ăn mừng, vui vẻ bên nhau; cũng là lúc những truyền thống cưới được thể hiện nét văn hóa đặc trưng ở mỗi quốc gia.

Một đám cưới được tổ chức ở Cộng hòa Croatia. Nguồn: flammeum.com
Một đám cưới được tổ chức ở Cộng hòa Croatia. Nguồn: flammeum.com

Vợ chồng mới bị trói vào cây, bị vùi trong đống gạo hay cùng nhau cưa đôi khúc gỗ… trong ngày cưới đều khiến bạn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

* Cô dâu bị “bắt cóc”

Nếu cô dâu biến mất trước đám cưới không có nghĩa là cô ấy hủy hôn. Theo truyền thống của Romania, cô dâu bị bạn bè của chú rể bắt cóc và đưa đến một địa điểm bí mật. Để giải cứu cô dâu, chú rể phải trả tiền chuộc hoặc thể hiện những cử chỉ lãng mạn, rót rượu champagne vào ly của cô ấy. Điều này tượng trưng cho sự sẵn sàng chiến đấu của chú rể vì người phụ nữ của mình.

* Cưa khúc gỗ làm đôi

Vợ chồng mới cưới ở Cộng hòa liên bang Đức thực hiện một truyền thống được gọi là Baumstamm Sägen, phải cưa 1 khúc gỗ thành 2 phần. Điều này tượng trưng cho sức mạnh của cặp đôi khi đối mặt với những thử thách trong cuộc hôn nhân.

* Vương miện cây sim cho cô dâu

Ở Italy, cô dâu bắt đầu cuộc sống hôn nhân với những món trang sức quý giá được gia đình hai bên trao tặng. Một số đám cưới còn có đồng xu gia truyền hoặc ngọc trai để cầu sự thịnh vượng. Vào cuối lễ đính hôn, cô dâu đội vương miện được làm từ cây sim tượng trưng cho tình yêu và sự khởi đầu mới, thể hiện sự tôn kính và thiêng liêng đối với cô dâu.

* Ném nịt bít tất của cô dâu

Nịt bít tất được coi là biểu tượng cho sự trinh trắng của cô dâu. Ném nịt bít tất (garter) của cô dâu là một phong tục cưới truyền thống của Scotland có từ thế kỷ XVII, mang lại may mắn cho người tiếp theo kết hôn. Nịt bít tất thường được chú rể hoặc phù rể cởi ra khỏi chân cô dâu rồi ném cho những vị khách mời độc thân. Người bắt được chiếc nịt bít tất được cho là người tiếp theo sẽ kết hôn.

* Trao đổi tách rượu sake

Nhật Bản có truyền thống đám cưới là trao đổi tách rượu sake. Cô dâu, chú rể mỗi người uống 3 tách. Tách đầu tiên được chia cho cô dâu và chú rể (tượng trưng sự gắn kết mới của cặp đôi với tư cách là vợ chồng), tách thứ hai được chia cho cha mẹ hai bên và tách thứ ba chỉ có cô dâu và chú rể uống. 3 tách rượu sake tượng trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng và trường thọ.

* Đi quanh đống lửa 7 lần

Trong đám cưới của những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ, cô dâu và chú rể đi quanh đống lửa 7 lần. Nghi lễ này được gọi là Saptapadi, có nghĩa là “7 bước, tượng trưng sự yêu thương, tôn trọng của vợ chồng đối với nhau. Ngọn lửa là biểu tượng thiêng liêng trong Ấn Độ giáo, đại diện cho sự thuần khiết, chân lý và thần thánh. Đi quanh đống lửa là cách để các cặp đôi thanh lọc bản thân và cam kết với hôn nhân của mình. 

* Uống 1 bát sữa và mật ong

Ở Cộng hòa dân chủ liên bang Ethiopia, tân lang - tân nương uống 1 bát sữa và mật ong trong lễ cưới. Truyền thống này tượng trưng cho sự ngọt ngào và khả năng sinh sản của cặp đôi. Sữa được cho là sự trong trắng, còn mật ong thể hiện sự ngọt ngào, đầy yêu thương của họ.

Vợ chồng mới được tặng 1 con lạc đà

Lạc đà được coi là loài động vật mạnh mẽ và kiên cường ở Mông Cổ. Phong tục tặng 1 con lạc đà trong lễ cưới tượng trưng cho sức mạnh và sự bền bỉ của cô dâu, chú rể để vượt qua mọi thử thách.

* Được đặt tên mới

Trong lễ cưới ở Cộng hòa thống nhất Tanzania, cặp đôi thường được người thân lớn tuổi đặt tên mới. Truyền thống này là cách để các cặp đôi cùng nhau bắt đầu cuộc sống mới với một khởi đầu mới.

* Mang vòng hoa bằng tỏi

Tỏi thường được dệt thành vòng hoa và cô dâu đội trên đầu trong ngày cưới ở Cộng hòa Croatia, có tác dụng xua đuổi tà ma và mang lại may mắn cho cô dâu trong cuộc sống mới. Vòng tỏi cũng có thể được đeo quanh cổ hoặc cổ tay của cô dâu.

* Dẫn vào chuồng ngựa

Tượng trưng cho cuộc sống mới của đôi uyên ương cũng như mối liên hệ của họ với thiên nhiên, dẫn vào chuồng ngựa là truyền thống cưới ở Cộng hòa Serbia. Chuồng ngựa được coi là nơi bình yên và tĩnh lặng. Người Serbia tin rằng dành thời gian ở chuồng ngựa sẽ mang lại may mắn cho vợ chồng mới.

* Được tặng 1 ổ bánh mì

Bánh mì được coi là biểu tượng của sự dồi dào, thịnh vượng ở Cộng hòa Bulgaria. Cặp đôi được tặng 1 ổ bánh mì trong ngày cưới với ngụ ý cuộc sống mới đầy niềm hy vọng may mắn và sung túc.

* Bị truy đuổi trong ngày cưới

Cặp đôi bị khách mời truy đuổi là truyền thống cưới ở xứ Wales (Vương quốc Anh), tượng trưng cho cuộc sống mới của cặp đôi cũng như khả năng vượt qua thử thách. Các vị khách này được xem như là những thử thách mà cặp đôi sẽ phải đối mặt trong cuộc hôn nhân. Vượt qua cuộc truy đuổi, cặp đôi sẽ gặp may mắn.

* Trói vào gốc cây

Sự cam kết của cặp đôi trong hôn nhân cũng như mối liên kết của họ với thiên nhiên được thể hiện qua phong tục cưới là bị trói vào gốc cây. Cây được coi là biểu tượng của sức mạnh và sự bền bỉ ở Cộng hòa Síp (Cyprus). Người Cyprus tin rằng việc trói cô dâu, chú rể vào cây sẽ giúp họ vượt qua mọi cơn bão cuộc đời.

* Dìm xuống biển

Ở Hy Lạp, vợ chồng mới bị dìm xuống biển để xua tan mọi điều xui xẻo và mang lại may mắn cho họ. Biển được coi là nơi của sự tinh khiết và đổi mới. Việc dìm cặp đôi xuống biển giúp họ cùng nhau bắt đầu cuộc sống mới một cách tích cực.

Cô dâu, chú rể cưa khúc gỗ làm đôi trong ngày cưới ở Cộng hòa liên bang Đức. Nguồn: discoverwalks.com

* Vùi trong gạo

Người Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng vợ chồng mới được vùi trong gạo giúp họ sẽ sinh được nhiều con cái và có cuộc sống sung túc. Gạo được cho là biểu tượng của sự dồi dào và sinh trưởng.

* Trao 1 chiếc khiên Zulu

Khiên Zulu là vũ khí truyền thống của người Zulu ở Nam Phi, thể hiện sức mạnh và sự bảo vệ lẫn nhau khi được trao cho vợ chồng mới trong ngày cưới.

* Ném giày vào cô dâu, chú rể

Ném giày là một truyền thống trong đám cưới ở Cộng hòa Philippines. Khách mời ném giày vào cô dâu và chú rể, ngụ ý mang lại may mắn và thịnh vượng cho họ. Truyền thống này bắt nguồn từ khi quốc gia này là thuộc địa của Tây Ban Nha.

* Tắm trước ngày cưới

Ở Liên bang Nga, vào đêm trước đám cưới ở Liên bang Nga, cặp đôi phải thực hiện nghi lễ tắm nhằm gột rửa mọi điều xui xẻo và chuẩn bị cuộc sống mới. Cô dâu, chú rể được người thân tắm riêng trong nhà tắm hoặc banya (nhà tắm hơi truyền thống của Nga) bằng bàn chải đặc biệt. Nước tắm thường có mùi thơm của thảo mộc và hoa.

* Tặng khăn tay

Khăn tay cưới là món quà truyền thống được tặng cho cô dâu trong ngày cưới ở Hungary, thường được làm bằng vải lanh hoặc ren mịn và được thêu tên viết tắt của cô dâu và ngày cưới. Chiếc khăn biểu tượng cho sự trong trắng, ngây thơ của cô dâu và được xem như là lời nhắc nhở về về sự chung thủy với chồng.

Minh Huyền

(biên dịch theo discoverwalks.com)

Từ khóa:

phong tục cưới

Tin xem nhiều
Váy cưới đẹp Cali Bridal