Liên tiếp nhiều giải pháp trong xử lý vi phạm giao thông được cơ quan chức năng trong tỉnh áp dụng trong thời gian gần đây cho thấy sự quyết liệt trong công tác lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng và tài sản của người dân.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn buổi tối ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng |
Để công tác đảm bảo ATGT đạt hiệu quả cao, nhiều ý kiến đề xuất ngoài xử lý nghiêm các vi phạm giao thông, cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông; nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường đã xuống cấp; tổ chức lại giao thông tại những điểm đen tai nạn giao thông (TNGT); chú trọng phát triển hạ tầng giao thông theo kịp sự phát triển của các phương tiện giao thông…
* Quyết liệt trong xử lý vi phạm
Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng đang tập trung xử lý các vi phạm về trật tự ATGT theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng xác minh nếu phát hiện người vi phạm là cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang thì ngoài việc xử lý theo quy định, phải gửi thông báo đầy đủ lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức của người vi phạm để xử lý trách nhiệm theo quy định.
Việc lực lượng chức năng kiên quyết trong xử lý vi phạm ATGT đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận trong tỉnh. “Từ khi lực lượng chức năng xử lý nghiêm các vi phạm về giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn tôi thấy nhận thức của bản thân và người xung quanh về chấp hành pháp luật giao thông đường bộ có chuyển biến rõ. Giờ thì nhiều người không dám uống rượu, bia khi lái xe, kể cả cán bộ, công chức. Tình trạng ép uống rượu, bia vì thế cũng giảm bớt” - ông N.M.T. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát động phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ảnh vi phạm về trật tự, ATGT trên toàn tỉnh. Kế hoạch được ban hành nhằm khuyến khích mỗi người dân là tuyên truyền viên, cộng tác viên với lực lượng chức năng trong bảo đảm trật tự ATGT.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc vận động người dân tự giác chấp hành quy định về ATGT và chủ động phát hiện, phản ảnh các vi phạm giao thông cho cơ quan chức năng xử lý là một giải pháp hay trong việc hạn chế vi phạm giao thông. Vì địa bàn tỉnh rộng, lực lượng công an không thể tuần tra, kiểm soát liên tục trên các tuyến đường. Khi vắng mặt lực lượng công an, các vi phạm giao thông lại tái diễn. Việc người dân tham gia cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông sẽ giúp lực lượng chức năng có cơ sở xử phạt nguội các trường hợp vi phạm giao thông.
* Cần thêm nhiều giải pháp
Cùng quan điểm, ông Đoàn Ngọc Thiện (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) ủng hộ chủ trương của UBND tỉnh là yêu cầu lực lượng công an gửi danh sách cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức vi phạm giao thông, gây TNGT về Sở Nội vụ để phối hợp quản lý, xử lý. Một lần nữa cho thấy sự quyết liệt của Đồng Nai trong xử lý vi phạm giao thông, kéo giảm TNGT.
“Tôi rất đồng tình với 6 nhóm nhiệm vụ UBND tỉnh đề ra khi thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới trên toàn tỉnh. Bên cạnh các nhiệm vụ: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông; đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về trật tự ATGT…, theo tôi cần tập trung vào phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, bởi đây là giải pháp rất cần thiết đối với Đồng Nai hiện nay” - ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, hiện nay hạ tầng giao thông tại Đồng Nai chưa được đầu tư xứng tầm. Nhiều tuyến đường nhất là các tuyến quốc lộ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, rất cần được đầu tư nâng cấp để đảm bảo nhu cầu phát triển cũng như đảm bảo ATGT. Đồng thời kỳ vọng, trong thời gian tới, hạ tầng giao thông trong tỉnh được đầu tư nâng cấp cho xứng tầm với sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
“Hiện tại nhiều đoạn trên các quốc lộ qua địa phận Đồng Nai bị xuống cấp, mặt đường hư hỏng, thiếu dải phân cách, một số đoạn, tuyến trên quốc lộ 1 rất hẹp cần mở rộng… Riêng quốc lộ 20, cần lắp đặt dải phân cách toàn tuyến và bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng trên quốc lộ 20 nhằm hạn chế các vụ TNGT do vượt ẩu” - bà Nguyễn Thị Huyền (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) đề xuất.
Bên cạnh đó, để đảm bảo ATGT, có ý kiến cho rằng, cần chú ý nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông cũng được xem là giải pháp cần thiết trong việc đảm bảo trật tự ATGT.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia KHUẤT VIỆT HÙNG: Cần đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa phận Đồng Nai Đồng Nai là địa phương có các tuyến giao thông trọng điểm nên lượng phương tiện tham gia giao thông tại Đồng Nai rất lớn, dẫn tới nguy cơ TNGT ở mức cao. Để đảm bảo ATGT với áp lực lớn nói trên, cơ quan chức năng địa phương và Bộ GT-VT cần phải có phương án tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao đang là “điểm đen” về TNGT hoặc các cụm nút giao phức tạp. Các cơ quan chức năng của tỉnh khi quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị phải có đánh giá tác động giao thông với các công trình phát sinh nhu cầu giao thông. Nhất là đánh giá tác động giao thông trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Đề nghị tỉnh Đồng Nai có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội kiến nghị với Bộ GT-VT, Chính phủ có biện pháp đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa phận Đồng Nai. Đăng Tùng (ghi) |
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin