Trong trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam với đội tuyển Bồ Đào Nha tại World Cup nữ 2023, diễn ra ở sân Waikato Stadium thuộc TP.Hamilton, New Zealand (NZ) ngày 27-7, người Việt Nam không chỉ hết lòng cổ vũ cho đội nhà, mà còn gây chú ý khi reo hò, ca hát trước chiếc cổng điêu khắc tinh xảo mang đậm nét văn hóa cổ xưa của người bản địa Maori.
Một chiếc cổng Whatanoa của người Maori tại TP.Porirua, thuộc Wellington |
Chiếc cổng độc đáo này có tên là Whatanoa, được xem là biểu tượng cho truyền thống của người Maori cổ. Xưa kia trước mỗi trận chiến, các chiến binh bước qua cổng như lời cam kết cho sự trung thành, chiến đấu bảo vệ bộ lạc. Ngày nay, cổng Whatanoa là gạch nối của quá khứ - tương lai. Trong thể thao, cổng tượng trưng cho niềm đam mê, quyết tâm và cống hiến hết mình cho màu cờ sắc áo và khán giả. Đặc biệt, tương truyền rằng có một lời thề thiêng liêng của người Maori trước cổng Whatanoa, đó là: Hãy luôn đoàn kết, dù có ra sao đi nữa! Trong lịch sử, chính tinh thần đoàn kết đã giúp người Maori tồn tại trong cuộc xâm lược của các thế lực thực dân, đế quốc ở châu Âu xưa kia.
* Sự tham lam của chủ nghĩa đế quốc
Người Maori xa xưa không sống ở NZ, tổ tiên họ là những dân tộc thiểu số Polynesian ở Thái Bình Dương, trong một số đợt hải hành bằng thuyền nhỏ khoảng từ năm 1250-1300 họ đã phát hiện vùng đất mới, định cư lại và trở thành chủ nhân của vùng đất NZ hiện nay. Do vị trí địa lý của nơi này khá “biệt lập”, trải qua nhiều thế kỷ những cư dân Polynesia đã tự phát triển một nền văn hóa riêng, độc đáo được biết đến với tên gọi Maori.
Năm 1642, nhà thám hiểm người Hà Lan là Abel Tasman là người châu Âu đầu tiên phát hiện NZ, tuy nhiên đoàn thám hiểm của ông không dừng ở nơi này, chỉ ghi chép lại. Năm 1768, nhà hàng hải người Anh là thuyền trưởng James Cook du hành đến Thái Bình Dương để tìm hiểu thêm về phát hiện trước đó của Tasman. Cook đã nhiều lần đi tàu vòng quanh các hòn đảo phía bắc và nam NZ, dọn đường để thiết lập thuộc địa.
Sau nhiều năm đàm phán, ngày 6-2-1840, đế quốc Anh và các thủ lĩnh bộ tộc Maori ký Hiệp ước Waitingi, văn kiện được cho là nền tảng thành lập đất nước NZ ngày nay, và hiện nay ngày 6-2 trở thành Ngày Quốc khánh của NZ. Hiệp ước Waitingi xác định sự thiết lập quyền cai trị của người Anh và công nhận chủ quyền về đất đai của người Maori. Thế nhưng trong khi người Maori tin rằng qua hiệp ước người Anh chỉ có một số quyền hạn nhất định, còn họ vẫn là chủ của những vùng đất vốn là nơi săn bắn nuôi sống dân tộc Maori từ bao đời, thì đế quốc Anh cho rằng hiệp ước này cho phép họ chiếm đóng, định cư trên những vùng đất mênh mông. Chính sự “lệch pha” này đã dẫn đến tình trạng đối đầu trực tiếp giữa hai bên.
Trước khi người Anh và người châu Âu đến NZ, vùng đất Kororareka sát biển thuộc Vịnh Đảo là nơi sinh sống của người Maori vì khí hậu dễ chịu, nguồn thức ăn dồi dào và đất đai màu mỡ. Khi các tàu buôn từ châu Âu, châu Mỹ bắt đầu ghé NZ vào đầu những năm 1800, Kororareka với lợi thế là nơi neo đậu an toàn, người Maori bản địa cung cấp nông sản, hải sản dồi dào, đặc biệt là gỗ, ngược lại tiêu thụ vũ khí, rượu và các hàng hóa khác do châu Âu sản xuất, đã thu hút ngày càng nhiều tàu buôn đến giao dịch khiến Kororareka ngày càng sầm uất.
Khi Tasman khám phá ra vùng đất mới, người Hà Lan gọi phát hiện của Tasman là “Nieuw Zeeland” theo tên tỉnh Zeeland, một vùng đất ven biển trũng ở phía tây nam Hà Lan, Zeeland nghĩa là “vùng đất biển”. Chính thuyền trưởng James Cook và những người Anh đến đó sau này đã Anh hóa tên gọi tiếng Hà Lan gốc, và vậy là “Nieuw Zeeland” trở thành New Zealand.
Năm 1907, vua Anh Edward VII tuyên bố New Zealand là một quốc gia tự trị trong đế quốc Anh. Năm 1947, New Zealand phê chuẩn Đạo luật Westminster, xác nhận rằng Quốc hội Anh không còn có thể ban hành luật cho New Zealand nếu không được New Zealand tán thành.
Tuy nhiên, một năm sau khi ký kết hiệp ước, chính quyền thuộc địa Anh ở TP.Auckland bắt đầu đặt ra các khoản thuế đánh vào hàng hóa xuất nhập khẩu, khiến số lượng tàu buôn đến giao dịch với người Maori giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, giống như tình trạng xảy ra ở Australia - láng giềng của NZ, người Anh và châu Âu khi đến đây đã mang theo vô số tệ nạn xã hội với các nhà thổ mọc lên như nấm sau mưa, cùng với đó là các căn bệnh như giang mai, hoa liễu; quán rượu và sòng bạc xuất hiện dày đặc với những gã suốt ngày say xỉn, đánh nhau, thậm chí động chút là rút súng giải quyết như ở viễn tây Hoa Kỳ.
Kororareka từ vùng đất trong lành đã nhanh chóng mang tiếng xấu là một nơi không có luật pháp, đầy rẫy mại dâm, bị mỉa mai gọi là “Hố địa ngục của Thái Bình Dương”. Đỉnh điểm mâu thuẫn xảy ra khi người Anh dựng lên trong thị trấn Kororareka một cột cờ lớn và treo cờ Liên hiệp Anh như một biểu tượng về chủ quyền. Hành động này của người Anh vấp phải sự phản ứng dữ dội của các bộ tộc Maori ở Vịnh Đảo, dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Hone Heke.
* Cuộc chiến “cột cờ”
Ngày 8-7-1844 là ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử NZ khi thủ lĩnh Hone Heke cùng người trong bộ lạc kéo đến thị trấn đốn hạ cột cờ “chướng mắt”. Chỉ là một cái cột cờ bị đổ, không có ai thương vong, nhưng đây là một sự sỉ nhục đối với chính quyền thuộc địa Anh. Toàn quyền Anh tại NZ Charles Augustus Fitzroy chỉ huy 3 tàu chiến cùng 200 lính từ Auckland đến Kororareka để giải quyết. Trước sự đoàn kết của các thủ lĩnh bộ tộc Maori, Toàn quyền Fitzroy phải chấp nhận giảm bớt thuế má, nhưng yêu cầu kiềm chế Heke và đảm bảo an toàn cho người Anh.
Cột cờ mới vừa dựng lên, ngày 10-1-1845, Heke dẫn đầu các chiến binh lại kéo xuống thị trấn Kororareka và đích thân chặt đổ cột cờ. Anh tức tối cử một trung đội gồm một sĩ quan và 30 lính đến dựng lại cột cờ, gia cố thêm bằng các đai sắt, đồng thời xây dựng một trạm gác ngay bên cạnh. Thế nhưng chỉ sáng hôm sau, người Anh sửng sốt nhận thấy cột cờ tiếp tục bị đốn hạ lần thứ 3. Toàn quyền Fitzroy lập tức cử quân tăng viện đến để bảo vệ cột cờ “xấu số” này. Lực lượng tăng viện mua chiếc cột buồm của một thuyền buôn trong cảng và dựng lên cột cờ lần thứ 4, đồng thời xây dựng một tòa nhà kiên cố bên cạnh làm chốt bảo vệ cho toán lính canh 20 người. Một lực lượng hùng hậu khác gồm 200 lính được huy động, dưới sự yểm trợ của tàu chiến HMS Hazard neo đậu gần đó để bảo vệ cột cờ mới.
Những biểu tượng trong văn hóa Maori |
“Nước lên, thuyền lên”, ngày 11-3, hơn 600 chiến binh Maori thuộc các bộ lạc khác nhau dưới sự chỉ huy của Heke, trang bị súng trường, súng hai nòng và rìu tấn công vào thị trấn Kororareka, giết sạch lính canh và đốn hạ cột cờ lần thứ 4. Những người Anh trong thị trấn hốt hoảng bỏ chạy xuống tàu HMS Hazard và rút về Auckland, để lại Kororareka cho người Maori.
* Sức mạnh đoàn kết
Lần này thì Hạ viện Anh quyết định không “nhịn” thủ lĩnh Heke nữa. Nửa tháng sau, một lực lượng hùng hậu của Anh gồm 2 trung đoàn lục quân, 1 trung đoàn thủy quân lục chiến cùng nhiều tàu chiến trang bị đại bác dưới sự chỉ huy của Trung tá William Hulme đến Vịnh Đảo, bắn phá các làng mạc của thổ dân Maori. Sau khi san bằng một số ngôi làng ven biển, quân Anh tấn công căn cứ của Heke ở Puketutu, gần hồ Omapere. Chắc hẳn các chiến binh Maori đã thề nguyền trước cổng Whatanoa, cho nên dù lực lượng lính Anh rất hùng hậu, lên đến 2 ngàn quân, mấy trăm chiến binh của Heke vẫn chống trả kiên cường. Khi Hulme điều quân đổ bộ đánh vào chiến lũy, quân Anh bị phản kích tơi bời, khiến 13 người chết và 39 người bị thương.
Trong 10 tháng tiếp theo, quân Anh nhiều lần đột kích vào các chiến lũy của thổ dân Maori nhưng đều không thành công, con số thương vong ngày càng cao. Trong một trận giao tranh, Heke bị thương, nhưng một thủ lĩnh Maori khác thay ông tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến của người Maori.
Đến đầu năm 1846, Toàn quyền mới của Anh tại NZ là George Grey đồng ý thỏa thuận hòa bình với thủ lĩnh Heke, chấm dứt các cuộc giao tranh khốc liệt hơn 1 năm qua. Quân Anh mất 82 lính, 164 người bị thương, trong khi thổ dân Maori chỉ mất 60 chiến binh, 80 người bị thương. Dù người Anh vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ NZ, họ đã không dám dựng thêm một cột cờ nào nữa ở thị trấn Kororareka...
Hà Lam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin