Tuổi thơ tôi và bạn tôi gắn liền với con sông Đồng Nai đậm đà hương vị miệt vườn, và cả những câu chuyện kỳ thú của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Theo dòng chảy của con sông, chúng tôi đã tỏa đi khắp nơi, để rồi trở về tìm nhau…
Cầu An Hảo (hướng về cù lao Hiệp Hòa) nhìn từ tòa nhà Sonadezi. Ảnh: Huy Nguyễn |
* Xóm nhỏ
Cha mẹ tôi là cán bộ được Bộ Công nghiệp nặng điều động vào Nam, tôi đến khu cư xá Khu công nghiệp Biên Hòa vào năm 6 tuổi. Xung quanh có khá nhiều gia đình cán bộ, công nhân nhưng bọn trẻ con chúng tôi sớm tìm kiếm cho mình những ngóc ngách để thỏa mãn sự hiếu kỳ, nghịch ngợm của tuổi thơ.
Nhờ vào học ở trường An Hảo, chúng tôi lân la đến xóm An Hảo và đã có biết bao kỷ niệm nơi đây. Đi học xong chúng tôi kéo nhau vào chùa Định Quang để hái mận, leo cây; hoặc vào xóm coi hát đình, tắm mưa; hoặc ra hồ mót be củi về nấu bếp. Trong ký ức thơ ngây của mình, chúng tôi nhớ rằng xóm An Hảo có những giếng nước trong lành nhất, mát mẻ nhất trên đời. Bên cạnh đó là bụi cây ớt, cọc cây tiêu, trái đu đủ, chùm bình bát… ngọt cay xé lòng. Thuở ấy nghĩa trang còn nằm gần trường học và chùa, nên lũ học trò chúng tôi rất sợ có… ma. Để vượt qua quãng đường ấy, phải túm tụm dắt nhau qua; hoặc là trở thành “siêu anh hùng”, dám một mình xách dép chạy. Những đêm hát bội, hát đình là sự thèm khát vô cùng lớn đối với những đứa trẻ dại trong thời… chưa có điện. Nay nghĩa trang đã nhường chỗ cho Quảng trường Lam Sơn, nhưng ngã rẽ thân thuộc vẫn còn đó, nhắc cho chúng tôi đường đi học ngày xưa.
Lên 8, 9 tuổi, chúng tôi được vào chợ An Hảo để học, ở một phân hiệu của trường. Nói là “được”, vì dù căn nhà chúng tôi học ọp ẹp, nóng bức và ồn ào, nhưng nó lại ở cạnh xưởng nước đá và có bán nước ngọt, lúc nào cũng có máy móc chạy ầm ầm. Bọn học trò chỉ được ngó vào xưởng xem người ta chặt đá, và khuân những két nước ngọt lên xe đi giao hàng, nhưng chừng đó cũng đủ để thỉnh thoảng đi ăn đám cưới hay đi chơi lại ưỡn ngực khoe: “Tao học ở cạnh hãng “la de” nè!”. Chúng tôi còn có thú vui đi qua tiệm làm tóc để xem cái máy uốn tóc, hoặc chờ ông bán kem, bán kẹo kéo nơi góc chợ, cổng trường.
* Khu công nghiệp Biên Hòa 1
Chúng tôi đã khám phá Khu công nghiệp Biên Hòa 1 giống kiểu “Timur và đồng đội”. Vì bố mẹ đi làm ở các nhà máy, xí nghiệp, nên thường đưa con cái theo cùng. Chúng tôi kể cho nhau nghe về bếp ăn ở chỗ này, thư viện ở chỗ kia. Nhiều nhà máy còn có hẳn nhà trẻ và các cô bảo mẫu, nên chúng tôi được ăn ké, chơi ké, ngủ ké em mình ngoài giờ đi học. Đó là thời đầu điện khí hóa, công nghiệp hóa của tỉnh, mọi nơi chưa hề có máy lạnh, chưa hề có computer. Chúng tôi đã học, đã chơi trong cái nắng nóng hầm hập của công xưởng, mà không hề để ý đến sự vất vả của cha mẹ. Nhưng đó là những năm tháng đẹp nhất, vì chúng tôi lớn lên nhờ những thư viện dã chiến bên phân xưởng sản xuất, và được làm người đội viên (tập sự) của những anh chị lớn mới vào đại học.
Khi bộ phim Maika - Cô bé từ trên trời rơi xuống được công chiếu, chúng tôi tự nhiên có chung một ước mơ được làm chủ một thế giới mới, mơ thấy chiếc đĩa bay tàng hình sẽ xuất hiện trên bồn nước khổng lồ, hay ở một ống khói nào đó… Cùng với sách vở, những bộ phim khoa học viễn tưởng dành cho thiếu nhi ấy đã tạo một cơn sốt đối với đám trẻ chúng tôi, nhen lên trong những tâm hồn ngây thơ niềm khát khao được bay lên, và làm nên những điều kỳ diệu. Các bạn tôi có người đi đến những phương trời xa, trở thành những người thành đạt, nhưng không ai quên được những ngày nhón chân sáo chạy qua những hàng cây tỏa mát con đường ở Khu công nghiệp Biên Hòa, trên tay có miếng cùi thơm (do Công ty Dofico mua thơm làm nguyên liệu chế biến), hoặc khúc kẹo kéo, túm bông đường trắng phau. Chúng tôi từng rủ nhau nhặt hoa phượng, hoa sứ bên cổng các công ty để chơi trò đám cưới; từng hít hà mùi sữa bột thơm phức, để đánh vần những biển hiệu công ty màu xanh cũ kỹ. Và hơn một lần chúng tôi cùng đứng trên đồi cao ở Công ty Sứ Thanh Thanh, chỉ trỏ về hướng cầu Đồng Nai bảo nhau “đi Thảo Cầm Viên, đi chợ Bến Thành, đi học đại học…”.
* Bến đò
Trong tâm trí chúng tôi, nếu những con đường gợi mở những điều to lớn, thì bến đò An Hảo lại dẫn con người đi về miền quá khứ của một vùng đất xa xưa. Ngày ấy chiếc cầu chưa được xây lên, chúng tôi lớn lên chờ phà đưa đi học. Nhìn những chuyến phà đi qua sông, những con đò nhỏ, cả đến những cụm lục bình trôi qua, chúng tôi đều mong mình đặt chân đến bờ bến kia càng nhanh càng tốt, và bước chân vào cổng trường kịp giờ chuông reo. Thế nhưng, ngồi vài phút ở bến đò là lại có thể thả hồn vào những bài thơ, những trang sách, rồi ngắm nhìn những con cá nhỏ giỡn trong dòng nước lẫn bóng mây và cây lá.
Chúng tôi nghe được rất nhiều câu chuyện của cù lao Phố, từ những năm tháng xây dựng thương cảng Nông Nại Đại Phố, đến những trận đánh bảo vệ con sông Cái và thành Biên Trấn, hay câu chuyện tình vô vọng của một công chúa triều Nguyễn dành cho thiền sư của đất Đồng Nai… Chỉ cần chiếc phà cập vào bờ bên kia, đi thêm một đoạn nữa là chúng tôi gặp những cánh đồng lúa xanh rờn và đàn cò trắng bay lên như cổ tích. Rồi ngôi chùa nằm sau những rặng cây xanh um, nét vàng son chập chờn hiện, chập chờn khuất. Lớn lên một tí, chúng tôi lần mò ra tìm bến tắm ngựa, Tòa Bố, bùng binh Sông Phố… Có đôi lần chúng tôi tự nhủ không biết mình đang đi học, hay đi… hành hương giữa vùng đất vô cùng tĩnh lặng và đơn sơ này.
Bến đò cũng là nơi chở hương hoa đồng nội đi, về giữa dòng sông. Lên phà cùng chúng tôi thường là gà vịt, sen súng, rau cỏ… đủ loại. Thuở nhỏ sống trong hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi luôn nhìn những rổ trứng trắng hồng phơi mình trong nắng mà yêu mến, mà thèm thuồng. Cho đến giờ, đi trên chiếc cầu An Hảo kiêu hãnh vắt mình qua khúc sông xưa, chúng tôi vẫn hít lấy hít để vị nước sông trào lên buổi sớm, và cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy những rổ trứng nhỏ, những túm rau trại, những bó hoa kèo nèo xuất hiện bên lề đường. Mừng đến phát khóc vì giữa cuộc sống vô vàn đổi thay, trăm ngàn cái mới, cái lạ… vẫn còn đó những bó hoa tím ngát; và cũng khóc vì không biết bao giờ chúng sẽ mất đi…
* Bên kia sông…
Nhánh sông như một vòng cung, cắt ngang nơi bến đò bắt chúng tôi lớn lên, đi học. Nhưng khi nó cắt ngang qua quốc lộ để tìm đường ra biển lớn, nó cũng bắt chúng tôi trưởng thành, và “đi làm”. Ngày ấy tôi đã đứng trước sự lựa chọn, hoặc là qua sông để tự lập, hoặc là quay xe về nhà để được bình yên và bớt âu lo. Nhưng thế hệ của chúng tôi đang lớn lên, ào ào như cơn gió. Căn nhà bé nhỏ, lặng lẽ giữa miền tuổi thơ chính là chiếc nôi trao cho tôi tình yêu để vào đời. Càng đi xa, càng thấy quê nhà gần gũi, cần thiết hơn trong đời; và những thứ gợi nhớ nhất, chính là hương vị quê nhà luôn phảng phất, là giọng nói, là ánh mắt, là những trang giấy, những bài thơ…
Nhưng cũng có lần, tôi nghe một vị cao niên nói hành trình của chúng tôi đa phần là xuôi theo dòng sông Đồng Nai, theo dòng chảy của đời sống. Muốn tìm được hồn cốt của mảnh đất này, cần phải đi ngược dòng Đồng Nai, đi vào những miệt vườn cây trái, tìm về thượng nguồn của đá, của núi lửa, của những mối tình ban sơ nơi ghềnh thác xa xôi. Nếu nói đó không phải quê hương, không phải là tuổi thơ… thì chỉ nói riêng về ai đó thôi. Nơi rừng thẳm sông dài - có chốn chúng ta đã từng đi qua, có chốn chưa từng đặt chân tới - mới là chiếc nôi chung, là nguồn hương quý, là kho báu của cả đời người. Và rồi không ai có thể chối từ cuộc mưu sinh, hoặc trở thành những người anh hùng, những người kiến tạo… tất cả sẽ làm nên diện mạo mảnh đất Đồng Nai hôm nay.
Bạn tôi cũng nói rằng: Không có cách nào vượt qua con sông tuổi thơ, nếu đã được một lần tắm mát. Bạn hãy thử một lần ngồi trên tầng thứ 18 của tòa nhà Sonadezi, sẽ thấy toàn cảnh những năm tháng tuổi thơ in dấu. Giữa trăm ngàn màu sắc, hình khối và sự chuyển động của xe cộ, ký ức của chúng ta đang tỏa sáng, xóa mờ những mất mát, trắc trở, nối liền những thương nhớ và gọi chúng ta trở về…
Trần Thu Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin