Nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai 4 khóa liên tiếp. Khi không làm đại biểu Quốc hội nữa, ông còn một số chức danh như Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (Hội Sử học), Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay của Hội Sử học.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Nhân dịp ông là khách mời của hội thảo khoa học cấp tỉnh Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức trong đợt hoạt động nhân 80 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023), đêm trước ngày diễn ra hội thảo, ông a lô cho chúng tôi và có thời gian hơn một giờ đồng hồ ngồi với nhau ở quán bình dân trước khách sạn Đồng Nai.
Về Đồng Nai lần này, theo lời mời của Ban tổ chức, ông nghe hội thảo và có ý kiến, không báo cáo chính. Ông sinh năm 1947, Đề cương văn hóa ra đời trước đó 4 năm, theo ông, bối cảnh lịch sử lúc đó rất khác, thậm chí Cách mạng Tháng Tám chưa diễn ra, chưa có Quốc khánh 1945, Cụ Hồ chưa tuyên bố độc lập, chưa ra đời nhà nước Dân chủ cộng hòa nhưng Đảng lãnh đạo cách mạng đã có cương lĩnh về văn hóa, một trong những nội dung quan trọng là xây dựng nền văn hóa dân tộc, nói như hiện nay là “đậm đà bản sắc dân tộc”, đã nhìn xa trông rộng.
Ngoài bản sắc dân tộc nói chung, nơi nào, vùng miền, địa phương nào cũng có bản sắc. Đồng Nai mà trước kia là Biên Hòa - một trong “Nam kỳ lục tỉnh” càng có bản sắc của mình vì có truyền thống lâu đời, cần phát huy bản sắc tốt đẹp của địa phương để cùng xây dựng nền văn hóa cả nước giàu bản sắc dân tộc. Đồng Nai hội nhập, là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, cùng với vật chất là các biểu hiện văn hóa, thanh lọc tiếp thu cái hay.
Ngồi gần đường ray xe lửa cắt ngang đường Phạm Văn Thuận, ông nhắc con đường bộ này là quốc lộ 15 xây dựng thời Pháp, bản đồ cũ về mạng lưới giao thông quốc gia vẫn còn ghi. Nhà máy gỗ BIF thời tư bản Pháp (Bienhoa Industries Forest) vận chuyển gỗ từ rừng miền Đông về đây bằng con đường này.
Chưa khuya lắm, có người già bán vé số, như từng thấy, ông móc bóp, lấy tiền mua 2 tờ vé số và tặng lại cho người bán, dặn: “Cất nhé”. Trước khi chia tay, ông mua hộp xôi gà, nói: “Mình làm việc khuya, sẽ ăn”.
76 tuổi, còn làm việc tích cực, nhất là sức đi của ông, đáng nể...
Trần Chiêm Thành
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin