Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Đừng ngại nói lời yêu thương khi còn có thể

Công Nghĩa
17:32, 01/12/2023

Trong giới sáng tác nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung được biết đến với khá nhiều ca khúc nổi tiếng về tình yêu đôi lứa, nhưng ca khúc được nhiều người biết đến và đi vào lòng người nhất vẫn là Nhật ký của mẹ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giao lưu với học sinh qua cuốn nhật ký viết về mẹ do học sinh thiết kế. Ảnh: C.Nghĩa
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giao lưu với học sinh qua cuốn nhật ký viết về mẹ do học sinh thiết kế. Ảnh: C.Nghĩa

Trong lần đến giao lưu tại Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã chia sẻ: “Âm nhạc là ngôn ngữ vô hình như lại có thể nói lên tất cả mọi cảm xúc, nhất là khi dành để nói về người mẹ của mình”.

* Ngã rẽ với âm nhạc

Thời học sinh, Nguyễn Văn Chung được mẹ định hướng theo ngành Kỹ thuật khi học lên đại học, tuy nhiên cuộc đời luôn khó đoán định khi anh đã chọn âm nhạc là “bến đỗ” cho mình. Khi là sinh viên ngành Du lịch, trong một lần thất tình anh đã lấy cây đàn cũ trong tiệm bán nhạc cụ của mẹ để tập đàn những bài hát của nhiều nhạc sĩ cho vơi đi nỗi buồn. Thế nhưng anh có cảm nhận rằng “không giống mình”, từ đó anh tập tành tự sáng tác để có được sự “giống mình” trong âm nhạc.

Nhạc sĩ kể, ca khúc đầu tiên anh sáng tác nghe “dở lắm” nhưng đến bài thứ 11 thì bạn bè cảm nhận thấy hay hơn, từ đó khuyên anh nên nhờ ca sĩ chuyên nghiệp hát thử. Thành công đầu tiên đến với nhạc sĩ là ca khúc Người thầy năm xưa do ca sĩ Nguyên Vũ hát trong chương trình Tri ân người khai sáng vào ngày 20-11-2001 tại Sân khấu Lan Anh (TP.HCM). Tiếp đó, anh đã sáng tác và bán nhiều ca khúc như: Đêm trăng tình yêu, Vầng trăng khóc, Mộng thủy tinh…

Từ một người gần như không thuộc một bài hát nào trọn vẹn đến sáng tác được nhiều ca khúc “hot” về tình yêu là điều anh ít ngờ tới. Thậm chí, năm 2008, Nguyễn Văn Chung còn đoạt được giải thưởng âm nhạc chuyên nghiệp Làn sóng xanh cho những sáng tác nổi tiếng của mình.

Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN CHUNG cho biết, anh đã thực hiện MV Nhật ký của mẹ với giọng hát Hiền Thục. Toàn bộ bài hát được thể hiện bằng âm nhạc và tranh cát giúp cho người nghe không chỉ cảm nhận tình mẹ bằng lời mà còn bằng hình ảnh trên mỗi bức tranh cát độc đáo.

* Khi con “hóa thân” thành mẹ

 Nhật ký của mẹ là bài hát có sức lay động của  nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mỗi khi được vang lên ở bất cứ nơi đâu. Anh chia sẻ, chủ đề mẹ thì có quá nhiều người từng sáng tác và ca khúc nào cũng rất hay, vì vậy khi sáng tác Nhật ký của mẹ dành tặng  mẹ, anh không muốn đi theo lối mòn. Anh đã chọn cách “hóa thân” thành người mẹ và kể lại hành trình dài từ khi mang thai, ngóng trông lẫn hạnh phúc khi nghe con khóc chào đời, chứng kiến con tập bước cho đến khi con trưởng thành và dần xa vòng tay mẹ. Trong mọi hành trình, người mẹ luôn ngóng trông theo và mong con quay về đầy xúc động.

Nhật ký của mẹ không chỉ khác biệt bởi cách hóa thân của nhạc sĩ mà độ dài của ca khúc cũng gấp đôi các ca khúc phổ biến. Anh tâm sự: “Đời con người thường có 5 giai đoạn chính: Một là được mẹ mang thai; hai là khi chào đời, tập nói, tập đi; ba là được đi học; bốn là khi biết nảy sinh tình cảm yêu đương và năm là biết tự lập và trưởng thành. Khi trưởng thành cũng là lúc để nghĩ về điều quý giá nhất của cuộc đời, đó là mẹ, người không chỉ có công mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục mà còn dành tất cả sự yêu thương con vô điều kiện.

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ, khi đưa tất cả hành trình của một người con vào trong một ca khúc thực sự là liều lĩnh trong sáng tác, bởi một bài hát thông thường chỉ dài 4 phút. Để cô đọng tất cả, anh đã dành rất nhiều thời gian xem, nghe, đọc và cảm nhận về mẹ, từ đó đã chọn được những ngôn từ tinh túy nhất, giai điệu đẹp nhất để Nhật ký của mẹ mỗi lần vang lên, người mẹ nào, người con nào cũng thấy được tình mẫu tử bao la trong đó.

* Hãy nói “con yêu mẹ” nhiều hơn

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kể, hồi nhỏ anh là cậu bé ham chơi, hay cãi mẹ. Có lần trong giấc mơ, anh tìm mẹ khắp nhà nhưng không thấy mẹ khiến anh vô cùng hoảng hốt và òa khóc. Giấc mơ đã cho anh trải nghiệm cảm giác mình bị mẹ bỏ lại trong cuộc đời này, không còn được mẹ nấu cho những bữa ăn ngon, không còn được mẹ chuẩn bị cho những bộ đồ tươm tất đến trường. Anh nhận ra rằng mất mẹ là mất tất cả, điều mà trước đó vô tình anh chưa kịp nhận ra.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giao lưu với học sinh
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giao lưu với học sinh

“Khi tôi tỉnh mộng, chiếc gối đã ướt đẫm bởi những giọt nước mắt. Tôi hoảng hốt chạy xuống dưới nhà thì thấy mẹ đang ngồi một mình. Bằng tất cả tình cảm dành cho mẹ và sự can đảm, tôi đã hít thật sâu chạy đến ôm chặt lấy mẹ và òa khóc. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết nói lời “con thương mẹ” và mẹ đã vô cùng xúc động, hạnh phúc” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.

Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng Nguyễn Thị Thuật cho biết: “Sống trong thời đại công nghệ thông tin kết nối siêu nhanh nhưng tình yêu thương lại đang bị chậm lại. Trí tuệ nhân tạo AI có thể thay con người viết ra mọi thứ nhưng không thể thay người con nói lời yêu thương với cha mẹ mình. Chúng tôi mong muốn qua buổi giao lưu với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, học sinh sẽ mạnh dạn nói lời yêu thương với cha mẹ từ đáy lòng mình khi còn có thể”.         

Công Nghĩa

Từ khóa:

sáng tác

nhạc sĩ

Tin xem nhiều