Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả sinh hoạt dưới cờ

Công Nghĩa
08:08, 04/11/2023

Nhiều trường học đã thay những buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần khô khan bằng những chủ đề gần gũi, thú vị cuốn hút học sinh. Sau mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ, học sinh lại có thêm nhiều hiểu biết lẫn kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) triển lãm tranh do các em tự sáng tác về chủ đề bạo lực học đường vàan ninh mạng

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Ứng (TT.Long Thành, H.Long Thành) Lê Văn Nhậm chia sẻ: “Những buổi sinh hoạt dưới cờ trước kia thường lặp đi lặp lại “quy trình” quen thuộc là ban giám hiệu nhận xét, đánh giá chuyện học tập hàng tuần. Hiện nay, nhà trường đã mạnh dạn thay đổi, lấy học sinh làm trung tâm nhằm cuốn hút học sinh và vì học sinh”.

* Những chủ đề gần gũi

Để có những buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần vừa cuốn hút, vừa ý nghĩa, thông qua đó giáo dục học sinh, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Đức Ứng đã phát huy vai trò của Tổng phụ trách Đội trong việc xây dựng thành các buổi sinh hoạt theo những chủ đề khác nhau nhưng đều gắn với học sinh. Đơn cử vào cuối tháng 10 vừa qua, nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ đề: Cây mùa xuân - vì đàn em thân yêu. Qua buổi sinh hoạt đã thu được một số tiền ủng hộ để giúp đỡ cho những học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Hiệu trưởng Lê Văn Nhậm chia sẻ, kết quả thu được từ buổi sinh hoạt dưới cờ không chỉ là số tiền bao nhiêu mà quan trọng hơn cả là nhà trường đã tạo ra được một sân chơi, qua đó giáo dục học sinh tình yêu thương, chia sẻ, biết sống tiết kiệm vì mọi người, đồng thời lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong mỗi học sinh. Thầy Nhậm cho biết thêm: “Mỗi ngày các em chỉ cần tiết kiệm 1-2 ngàn đồng tiền lẻ là cả trường sẽ làm được một việc ý nghĩa cho những học sinh khó khăn có thêm niềm vui và động lực”.

TS tâm lý LÝ THỊ MAI cho biết: “Xã hội càng hiện đại thì tâm lý học sinh càng phức tạp, do đó giáo viên phải tạo cơ hội cho học sinh được nói, trình bày quan điểm của mình. Học sinh được chia sẻ quan điểm nhiều hơn thì người lớn càng có nhiều phương pháp giáo dục phù hợp”.

Còn thầy giáo Trần Văn Lập, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) thì hứng khởi “khoe”: “Những buổi sinh hoạt dưới cờ của nhà trường ít bị rơi vào lối mòn vì luôn có những điều mới mẻ. Như mới đây, nhà trường đã tổ chức một triển lãm tranh mà các tác phẩm do học sinh tự vẽ”.

Còn tại Trường THCS-THPT Lạc Long Quân (TT.Định Quán, H.Định Quán), những vấn đề trước đây được coi là “nhạy cảm” nay đã trở thành rất bình thường khi đưa vào buổi sinh hoạt với học sinh toàn trường. Đó chính là vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình yêu tuổi học trò. Ban giám hiệu nhà trường cho rằng, nếu cứ mãi né tránh những chuyện được cho “nhạy cảm” đó thì học sinh có thể sẽ thiếu hiểu biết lẫn kỹ năng, thậm chí đối tượng nhận hậu quả không chỉ là học sinh mà cả người lớn, trong đó có phụ huynh lẫn thầy cô vì không “vẽ đường cho hươu chạy” đúng đường.

* Định hướng qua từng buổi sinh hoạt

Chị Nguyễn Hồng Nhung, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, không thể phủ nhận rằng ngày nay học sinh rất dễ dàng tiếp cận với các thông tin, nhất là các thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có khả năng chắt lọc thông tin, chỉ tiếp nhận những thông tin tích cực và từ chối những thông tin tiêu cực. Nếu chỉ dừng ở nhắc nhở một chiều kiểu cô nói trò nghe thì e rằng không hiệu quả đối với các em.

Hay tại Trường THCS Võ Trường Toản (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa), những buổi sinh hoạt dưới cờ không còn duy trì theo nếp cũ là học sinh im lặng chỉ để nghe thầy cô trong Ban giám hiệu phổ biến kế hoạch học tập mà phần nhiều thời gian giành cho học sinh tranh luận, phản biện về những vấn đề “nóng”. Những chủ đề như “xây dựng tình bạn đẹp - đẩy lùi bạo lực học đường” được rất nhiều học sinh chăm chú theo dõi, bày tỏ quan điểm.

Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) Trịnh Thị Thoa cho hay: “Mới đây, học sinh của trường đã xây dựng vở tiểu phẩm và diễn khá chuyên nghiệp về mặt trái của mạng xã hội với học sinh. Ngay cả các thầy cô cũng bất ngờ vì những chủ đề “hot trend” trên mạng xã hội đã được các em đưa vào tiểu phẩm đã gây cười nghiêng ngả đồng thời ẩn chứa nhiều lời đả kích lên án những thói hư tật xấu mà các em không nên học”.

Em Nguyễn Thảo My, học sinh lớp 9, Trường THCS Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “Cách mà nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ theo phương pháp mới theo những chủ đề khác nhau gắn với đời sống thực tế làm chúng em cảm thấy hấp dẫn. Đơn giản như xem một tiểu phẩm do chính chúng em tự biên tự diễn nói về nỗi vất vả, cực nhọc của cha mẹ đã khiến nhiều bạn rơi nước mắt. Điều này ít xảy ra trong những buổi học bình thường trên lớp…”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều