Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dục thẩm mỹ cho học sinh

Hải Yến
07:25, 11/11/2023

Giáo dục thẩm mỹ giúp học sinh hình thành và phát triển được những tình cảm thẩm mỹ trong sáng, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Biết cảm thụ và lĩnh hội cái đẹp giúp học sinh hình thành thị hiếu thẩm mỹ, làm phong phú cho đời sống tâm hồn, đồng thời giúp phát huy được năng lực sáng tạo thẩm mỹ của bản thân.

Học sinh Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) biểu diễn văn nghệ với trang phục dân tộc tại hoạt động ngoại khóa Sắc màu văn hóa vùng miền qua văn học
Học sinh Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) biểu diễn văn nghệ với trang phục dân tộc tại hoạt động ngoại khóa Sắc màu văn hóa vùng miền qua văn học. Ảnh: NVCC

Các môn học nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) và hoạt động ngoại khóa góp phần quan trọng trong việc giáo dục thẩm mỹ cho học sinh.

Không để học sinh “lạc đường”

Sau giờ học ở trường, phần đông học sinh tiếp cận với môi trường internet thông qua điện thoại máy tính, tivi thông minh. Thế giới rộng lớn trên internet giúp giới trẻ tiếp cận được với nhiều loại hình nghệ thuật (văn học, âm nhạc, hội họa, phim ảnh…) của nhiều quốc gia. Loại hình nghệ thuật nghe - nhìn chủ yếu được giới trẻ tiếp cận qua các mạng xã hội: YouTube, TikTok, Facebook…

Việc tiếp cận các loại hình nghệ thuật trên không gian mạng có tác động trực tiếp đến việc hình thành tư duy, tiếp nhận thẩm mỹ của học sinh. Do đó, sẽ thật nguy hại nếu hàng ngày học sinh tiếp cận với những hình ảnh phản thẩm mỹ, trái ngược với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại với quy tắc ứng xử xã hội.

Cô Nguyễn Thị Trang Anh, giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Lang Minh, H.Xuân Lộc) cho biết: “Trong quá trình dạy học, chính giáo viên cần tham khảo thông tin, tìm kiếm tài liệu trên mạng. Tôi thường lưu các video clip, hình ảnh phù hợp để dạy cho học sinh và hướng dẫn học sinh tìm hiểu các thông tin chính thống, tránh tiếp cận những quan niệm thẩm mỹ không phù hợp”.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Đó là phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ.

Bày tỏ quan điểm về tiếp nhận thẩm mỹ, em Hạ Trần Lê Vy, lớp 11A11 Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) cho hay: “Thế hệ gen Z chúng em vẫn được cho là thích thể hiện bản thân, nhưng chúng em cho rằng cần thể hiện trong một giới hạn phù hợp. Chúng em nhận thức rằng với lứa tuổi của mình, với vai trò là học sinh thì cần thể hiện cái đẹp trong những lời ca, điệu nhảy sao cho phù hợp lứa tuổi”.

Em Vy cho biết, ngày nay, thế hệ trẻ rất dễ dàng tiếp cận với K-pop, những điệu nhảy của K-pop khá đẹp nhưng đối với lứa tuổi học sinh sẽ có những bài nhạc, điệu nhảy không phù hợp. Vì vậy, khi tham các hoạt động văn nghệ ở trường, học sinh đều phải có ý thức chắt lọc để học hỏi những cái đẹp, cái tốt và không tiếp thu những cái chưa phù hợp.

Các môn nghệ thuật phát huy vai trò

Hiện nay, các môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) đã được đưa vào là môn học chính thức trong nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT. Thông qua những môn học này, học sinh không chỉ được học kiến thức chuyên môn mà còn được giáo dục để có nhận thức đúng về chân - thiện - mỹ, từ đó biết học hỏi, tiếp thu văn hóa phù hợp, loại bỏ những biểu hiện lai căng, những hành vi không phù hợp chuẩn mực xã hội.

Ở bậc tiểu học, THCS, học sinh không chỉ được học thường thức Âm nhạc, Mỹ thuật mà còn được học kiến thức lịch sử liên quan đến 2 bộ môn này. Nội dung môn học cũng chú trọng hình thành kỹ năng để ứng dụng vào thực thế. Chẳng hạn, trong môn Mỹ thuật, học sinh được thực hành làm các sản phẩm như: làm các vật dụng từ vật liệu tái chế, tận dụng vật liệu xung quanh để tạo thành tác phẩm mỹ thuật…

Trong môn Mỹ thuật của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh còn được học một số loại hình cơ bản của điêu khắc như: tạo hình nghệ thuật, làm con rối, tìm hiểu về múa rối nước…

Các môn học nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp phát huy tư duy, tính sáng tạo của học sinh. Ở bậc THPT, các môn học này đi vào kiến thức chuyên sâu hơn, phù hợp với công tác hướng nghiệp, giúp học sinh có năng khiếu nghệ thuật nhìn nhận đúng năng lực, sở trường của bản thân để đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Không chỉ riêng môn nghệ thuật, các môn học khác đều có thể lồng ghép nội dung giáo dục thẩm mỹ, đưa học sinh đến với các giá trị chân - thiện - mỹ, đặc biệt là các môn như: Văn học, Giáo dục công dân, Giáo dục địa phương…

Hải Yến

Tin xem nhiều