Báo Đồng Nai điện tử
En

Địa đạo Vịnh Mốc (tỉnh Quảng Trị): Nơi người dân từng sống hơn 2 ngàn ngày đêm trong lòng đất

Bình Nguyên - Ngọc Liên
22:33, 03/11/2023

Vào những năm 1965, trước sự tàn phá của không quân và pháo binh Mỹ, vùng quê Vịnh Mốc tại xã Kim Thạch, H.Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị hủy diệt hoàn toàn. Với ý chí “Một tấc không đi, một ly không rời. Mỗi làng, xã là một pháo đài”, quân và dân Vĩnh Linh đã âm thầm chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiên cường bám trụ, làm chỗ dựa cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu những hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng Vịnh Mốc

Một trong những địa đạo có quy mô lớn và hoàn chỉnh nhất đến nay ở Vĩnh Linh là địa đạo Vịnh Mốc. Địa đạo này được ví như lâu đài cổ trong lòng đất, là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất của thế kỷ XX, nơi hàng trăm người dân vùng đất lửa sinh sống trong suốt hơn 2 ngàn ngày đêm trong thời mưa bom bão đạn.

* Công trình kiến trúc độc nhất vô nhị

Địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng để người dân sinh sống và tránh bom đạn nên dù ẩn sâu dưới lòng đất nhưng đầy đủ các công trình: giếng nước, kho gạo, bếp Hoàng Cầm, trạm gác, trạm đặt máy điện thoại, phòng phẫu thuật, nhà hộ sinh, có hội trường dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim với sức chứa lên đến hơn 50 người… Dọc hai bên đường hầm được khoét lõm sâu thành từng ô nhỏ sâu 1,8m, rộng 0,8m, là những phòng dành cho hộ gia đình từ 3-4 người sinh hoạt.

Địa đạo này nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển,  được đào cao hơn so với mực nước biển, có độ nghiêng để nước dễ thoát, đảm bảo mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường kể cả vào mùa mưa. Địa đạo có tất cả 13 cửa, gồm 7 cửa mở ra phía biển, 6 cửa thông lên đồi. Nhờ các cửa hầm mở ra phía biển nên ở tầng hầm dưới sâu vẫn luôn được đảm bảo độ thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Người chỉ huy xây dựng công trình địa đạo Vịnh Mốc là Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang nhân dân 140 LÊ XUÂN VY, lúc bấy giờ học vấn của ông chỉ vừa hết tiểu học và dụng cụ hiện đại nhất trong tay ông là chiếc la bàn cũ kỹ.

Hệ thống địa đạo như những pháo đài vững chãi với 3 tầng thông nhau. Tầng 1 sâu dưới mặt đất từ 12m là nơi đóng trụ sở của Đảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Tầng 2 cách mặt đất từ 15m là nơi sinh sống của dân làng. Tầng 3 sâu hơn 23m, dùng làm kho chứa lương thực, vũ khí để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ cũng như phục vụ chiến đấu.

Trong địa đạo, mọi chi tiết đều được phân bố chính xác và khoa học như: Suốt chiều dài đường hầm đều bố trí nhiều chỗ được đào lõm vào để làm đường tránh cho việc đi lại, vận chuyển vũ khí, lương thực. Gần các miệng hầm có đường hầm trượt, người dân ngồi ngay ở miệng hầm trượt nhanh xuống tầng sâu 23m để tránh bom khoan, loại bom có thể khoan xuống độ sâu 20m mới phát nổ.

Nhà trẻ trong lòng địa đạo
Nhà trẻ trong lòng địa đạo

Công trình kiến trúc tuyệt tác này được xây dựng bởi đôi bàn tay của người dân với những dụng cụ thô sơ tự tạo trong gần 20 tháng. Không có máy ngắm, người dân làm những que vòng cung cố định theo đường vòng lên mặt đất, rồi đào theo những đường cong đó. Không có máy móc đo mặt phẳng, họ lấy nước đổ vào chai làm thước đo; dùng dây buộc vào hòn đá làm dây dọi đo độ sâu. Trong quá trình đào hầm, khoảng 6 ngàn m3 đất đá được người dân đưa ra từ giếng sâu bằng cách kéo thủ công từng chút, trong đó 90% được âm thầm đổ ra biển, số còn lại đổ vào hố bom, gốc cây.

* Thế giới trong lòng đất

Huyện Vĩnh Linh ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, vùng vĩ tuyến 17 là nơi hứng bom đạn khốc liệt nhất của Việt Nam vào thời chiến tranh. Trong suốt những năm 1965-1972, địa phương này liên tục bị đánh phá với tổng cộng hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại. Tính bình quân, mỗi người dân Vĩnh Linh đã phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ.

Năm 1976, Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TTDL) đã đặc cách công nhận di tích địa đạo Vịnh Mốc là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, di tích địa đạo Vịnh Mốc tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Chính vì vậy, cả khu vực Vĩnh Linh là hệ thống hầm hào chằng chịt, dày đặc nối liền với nhau. Từ năm 1965-1968, Vĩnh Linh đào được 114 địa đạo. Để xây dựng được hệ thống địa đạo hoàn chỉnh như vậy, những bài học kinh nghiệm phải trả bằng xương máu khi đã có 28 căn hầm bị bom đánh sập trở thành nấm mồ tập thể của hơn 500 người dân vô tội của H.Vĩnh Linh.

Hệ thống địa đạo không chỉ là nơi ẩn nấp, tránh bom địch mà còn là nơi xuất kích đánh bộ binh địch. Ðịa đạo là nơi ở của nhân dân Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất có khoảng 1,2 ngàn người sinh sống, đã có 60 đứa trẻ được sinh ra. Có thể nói đây là lá chắn thép vững chắc không có gì xuyên thủng được để bảo vệ quân, dân tại vùng đất mưa bom, bão đạn này.

Riêng với địa đạo Vịnh Mốc, trải qua hơn 2 ngàn ngày đêm, không một người nào sống trong lòng địa đạo này bị thương và đã có 17 em bé chào đời. Thời cao điểm, sức chứa của địa đạo Vịnh Mốc khoảng 600 người. Ban ngày, người dân hoàn toàn sống dưới lòng đất, ban đêm khi yên bom đạn họ mới lên mặt đất trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Suốt 6 năm dài, người dân hoàn toàn sống trong bóng tối, ba mẹ phải ngủ ngồi nhường chỗ cho các con nằm. Chỉ khi cần thiết như hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh... mới thắp đèn bằng dầu hỏa, mỡ.

Đoàn du khách thăm địa đạo Vịnh Mốc
Đoàn du khách thăm địa đạo Vịnh Mốc

Cuộc sống trong lòng đất vẫn bền bỉ diễn ra với đầy đủ các hoạt động học hành, vui chơi, giải trí, yêu thương, sinh con... Đặc biệt trong khoảng thời gian này, quân và dân Vịnh Mốc đã không chỉ dùng địa đạo làm nơi trú ẩn, tránh bom, mà còn tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, cứu chữa cho thương, bệnh binh. Đặc biệt, hàng trăm chuyến thuyền cảm tử từ Vịnh Mốc đã hướng ra biển, chi viện cho đảo Cồn Cỏ.

Từ năm 1995, Khu Bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc chính thức mở cửa đón khách tham quan. Chị Nguyễn Thị Khánh Chi, Phó trưởng ban của Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị chia sẻ, đa số các du khách đến đây đều rất ấn tượng về công trình kiến trúc độc đáo dưới lòng đất này, như lời một du khách nước ngoài đã ghi lại: "Ðịa đạo Vịnh Mốc là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thế kỷ XX và là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của loài người trong cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn”.

Bình Nguyên - Ngọc Liên

Tin xem nhiều