Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Có giải quyết được cái gốc của vấn đề?

Phương Liễu
09:29, 02/12/2023

Tại phiên họp Quốc hội ngày 20-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đồng tình với đề xuất cần đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc này nhằm có cơ sở pháp lý để kiểm tra, giám sát, xử lý bên ngoài trường học.

Nhiều học sinh ở TP.Biên Hòa học thêm tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ. Ảnh: CTV
Nhiều học sinh ở TP.Biên Hòa học thêm tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ. Ảnh: CTV

Hiện dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này.

* Đưa vào để… quản

Dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng được học tập ngoài trường học là một nhu cầu thực tế. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm nhưng thông tư này chủ yếu quy định về tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, còn với môi trường ngoài nhà trường vẫn đang thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý. Chính vì vậy, tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, khó kiểm soát hết.

Tại Đồng Nai, ngày 7-12-2020, Sở GD-ĐT ra Công văn số 4150/SGDĐT-NV1 về việc tạm ngưng dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, yêu cầu các cơ sở giáo dục tạm ngưng cấp phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường cho đến khi có hướng dẫn mới. Riêng các cơ sở giáo dục có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì làm tờ trình để được Sở phê duyệt. Đến nay văn bản này của Sở vẫn còn hiệu lực nhưng việc dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường vẫn diễn ra.

Tại phiên họp Quốc hội ngày 20-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một khi dạy thêm, học thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì lúc đó hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ được điều hành bởi các doanh nghiệp có uy tín, có sự quản lý của nhà nước và chịu sự chi phối của tất cả điều luật, văn bản hiện hành liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và giáo dục…, cũng như việc dạy thêm, học thêm sẽ diễn ra ở những trung tâm dạy thêm, học thêm đủ điều kiện về hạ tầng và thiết bị phục vụ dạy thêm, học thêm. 

Tại phiên họp Quốc hội ngày 20-11, nhiều đại biểu cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực đặc thù không phải ai cũng tham gia giảng dạy thêm được. Khi đã được đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì người tham gia lĩnh vực này phải có kiến thức về giáo dục và phải đảm bảo các điều kiện về bằng cấp, những tiêu chí về mặt đạo đức và triết lý giáo dục; đồng thời phải được chi phối bởi các quy định liên quan, nhằm hạn chế những người lợi dụng vị trí của mình trong trường học đưa học sinh ra ngoài dạy thêm.

* Phải có cơ chế rõ ràng

Ông Nguyễn Võ Cương, một cựu giáo chức (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, học thêm luôn là một nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đặc biệt ở những khu vực trung tâm như các đô thị thì nhu cầu học thêm lại càng lớn và hoạt động dạy thêm lại càng nở rộ. Tuy nhiên, phải nhìn lại gốc rễ của vấn đề là chất lượng giáo dục hiện nay đã “đẩy” học sinh đến chỗ phải học thêm, giáo viên phải dạy thêm.

Theo ông Cương, hiện nay nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển, học sinh không cần phải học thêm, không cần phải làm bài tập về nhà và giáo viên cũng không cần phải đi dạy thêm. Cho nên việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà làm không tốt thì cũng như… “đánh trống bỏ dùi”. Do đó, giải pháp căn cơ nhất là Bộ GD-ĐT cần phải siết chặt hơn chất lượng giờ học chính khóa, thay đổi tư duy thi cử, cởi bỏ bớt áp lực học hành cho học sinh, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống để giáo viên yên tâm giảng dạy, không phải dạy thêm để kiếm sống.

Trong khi đó, bà Lưu Kim Phượng, cán bộ hưu trí (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, bà đồng thuận với ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần phải đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý, giám sát, kiểm tra cũng như xử lý khi có sai phạm, thậm chí là thu thuế từ hoạt động này.

Tuy nhiên, bà Phượng cũng đặt vấn đề: Liệu sau khi đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì ngành GD-ĐT có tổ chức và quản lý được hoạt động dạy thêm, học thêm không? “Tôi nghĩ, trước đây Bộ GD-ĐT đã có quy định giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường trong việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của giáo viên trường mình. Nay chỉ cần siết lại quy định này. Nếu giáo viên nào có biểu hiện lơ là dạy chính, chăm chỉ dạy phụ, hay “ép” học sinh đi học thêm chỗ mình, bị phụ huynh phản ảnh thì hiệu trường sẽ phải chịu trách nhiệm” - bà Phượng đề xuất.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.Biên Hòa cho rằng, một khi đã đưa dạy thêm, học thêm trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có cơ chế rõ ràng, có các quy định, hành lang pháp lý, pháp luật liên quan và chế tài đủ mạnh để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Bởi lẽ, hiện nay Thông tư 17 có quy định hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về việc giáo viên của mình dạy thêm ngoài nhà trường.

“Quy định thì nghe có vẻ chặt chẽ nhưng thực chất là không khả thi. Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở giáo viên của mình không làm trái các quy định về dạy thêm, nhưng các hoạt động diễn ra ngoài nhà trường chúng tôi không thể kiểm soát hết được nên yêu cầu hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm là điều rất bất hợp lý” -  vị hiệu trưởng này cho biết.

Để việc dạy thêm, học thêm đi vào thực chất khi trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ một số quy định sau: mức thu học phí phải được quy định ở ngưỡng trần - sàn ra sao; giáo viên được dạy những nội dung gì; số lượng học sinh mỗi lớp bao nhiêu; điều kiện giảng dạy như thế nào; giáo viên dạy thêm đóng thuế bao nhiêu; chế tài xử lý các cơ sở, giáo viên làm trái quy định như thế nào…

Phương Liễu

Tin xem nhiều