Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân:
Để người trẻ hiểu và tuân thủ pháp luật

Nga Sơn
20:00, 03/11/2023

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò quan trọng, là “cầu nối” đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, thanh niên.

Đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022
Đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022

Vì vậy, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn Đồng Nai luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

* Đưa kiến thức pháp luật đến từng nhóm thanh niên

Anh Nguyễn Hiếu Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết, để các quy định của pháp luật đến với đoàn viên, thanh thiếu nhi, tổ chức Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Trong 6 tháng đầu năm, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức gần 650 hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, gần 240 hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, thanh niên.

Đặc biệt, các hoạt động được tổ chức có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, thanh thiếu niên. Tại Ngày hội Thanh niên Đồng Nai gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông do Tỉnh đoàn tổ chức mới đây tại H.Trảng Bom, nhiều đoàn viên, thanh niên (chủ yếu là học sinh) được tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên còn tìm hiểu kiến thức về Luật Giao thông đường bộ thông qua các trò chơi, như: giải ô chữ, giải các thế sa hình, tìm hiểu về biển báo giao thông, trình diễn thời trang, vẽ tranh về an toàn giao thông…

Để phù hợp với xu thế sử dụng mạng xã hội của đoàn viên, thanh niên hiện nay, các cấp bộ Đoàn còn đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL trên không gian mạng thông qua các video clip, infographic, bộ truyện tranh, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến với nội dung ngắn gọn, súc tích… giúp đoàn viên, thanh niên dễ dàng ghi nhớ.

Chị Phạm Thị Thùy Vân, học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Trảng Bom cho biết, qua các trò chơi tại ngày hội giúp chị hiểu thêm về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông; ý nghĩa của hệ thống báo hiệu đường bộ; các nguyên tắc để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông… Ngoài Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đối với đoàn viên, thanh niên là học sinh, sinh viên, các cấp bộ Đoàn còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020…

Đồng Nai là tỉnh tập trung đông công nhân lao động, trong đó có nhiều thanh niên công nhân. Vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật trong thanh niên công nhân được tổ chức Đoàn đặc biệt quan tâm. Các cấp bộ Đoàn tổ chức tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật An ninh mạng năm 2018… cho thanh niên công nhân tại khu nhà trọ. Bên cạnh đó còn tổ chức các gian hàng tư vấn pháp luật, game show Thanh niên với pháp luật… tại các ngày hội.

Theo chia sẻ của anh Trần Thạch, hiện đang làm công nhân  tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu), nghe tuyên truyền pháp luật anh mới thấy có rất nhiều quy định anh chưa biết. Anh Thạch cho rằng, muốn tuân thủ các quy định của pháp luật thì mỗi người phải nắm các quy định pháp luật để tránh vi phạm. Đồng thời các cấp, các ngành cần tăng cường đưa kiến thức pháp luật đến người dân, để người dân có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu.

* Duy trì các mô hình hiệu quả

Phiên tòa giả định là mô hình đang được các cấp bộ Đoàn duy trì và coi đây như là giải pháp hữu hiệu trong công tác tuyên truyền, PBGDPL đến đoàn viên thanh niên. Phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên tình tiết của các vụ án có thật, được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Bằng hình thức trực quan sinh động, phiên tòa giả định giúp cho đoàn viên, thanh niên hiểu về quy trình xét xử một vụ án, tiếp cận với các quy định của pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ hơn.

Đoàn khối các cơ quan tỉnh là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mô hình phiên tòa giả định. Theo chia sẻ của anh Vy Hoài Vũ, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, từ lần tổ chức đầu tiên cách đây 6-7 năm đến nay mô hình này vẫn được Đoàn khối phối hợp với các đơn vị duy trì tổ chức hàng năm. Bình quân mỗi năm tổ chức từ 2-3 phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, thanh niên là học sinh THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Nội dung phiên tòa chủ yếu tập trung tái hiện các vụ án vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; những tình huống, các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông… Sau mỗi phiên tòa giả định, Ban tổ chức đặt ra các câu hỏi xoay quanh kiến thức về Luật Giao thông đường bộ nhằm củng cố thêm kiến thức pháp luật cho đoàn viên, thanh niên.

Với những kết quả đạt được của mô hình phiên tòa giả định, những năm gần đây mô hình này được các huyện, thành đoàn nhân rộng. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh đoàn về hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022, Huyện đoàn, Hội LHTN H.Trảng Bom cũng đã tổ chức phiên tòa giả định tái hiện lại một vụ án liên quan đến học sinh chưa đủ tuổi lái xe phân khối lớn gây tai nạn chết người. Thông qua tình huống giả định nhằm nhắc nhở đoàn viên, thanh niên, học sinh nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Anh Nguyễn Hiếu Trung cho biết thêm, hiện nay 100% huyện, thành đoàn đã và đang triển khai mô hình Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội; 100% Đoàn xã, phường, thị trấn duy trì mô hình Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự, Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội… Tham gia mô hình này, đoàn viên, thanh niên đã ký cam kết xây dựng lối sống lành mạnh, tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tại các xã, phường, thị trấn hiện nay đang duy trì mô hình giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương phối hợp với lực lượng công an địa phương tuyên truyền, vận động, giáo dục thanh niên chậm tiến, hoàn lương tiến bộ…


Anh TRỊNH HOÀNG LỘC, Bí thư Đoàn xã Phú Sơn (H.Tân Phú): Tuyên truyền đa dạng trên các nền tảng mạng xã hội

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên đã được các cấp bộ Đoàn quan tâm đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng đối tượng thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, PBGDPL vẫn còn những hạn chế nhất định. Để công tác tuyên truyền, PBGDPL đạt hiệu quả, tôi cho rằng, đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở cần được nâng cao kiến thức pháp luật, khả năng truyền đạt. Ngoài việc tuyên truyền theo cách truyền thống cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, YouTube, TikTok… Nội dung tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm, rõ ràng, phong phú và  phải có hình ảnh, video clip minh họa gần gũi, thiết thực trong đời sống, để họ hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành.

Em PHẠM CHÂU KHẢ HÂN, ở xã Bình Sơn (H.Long Thành): Thay đổi cách tuyên truyền pháp luật

Trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, thỉnh thoảng trường em vẫn tổ chức tuyên truyền, PBGDPL về an toàn giao thông, Luật Trẻ em, phòng chống ma túy…

Hình thức tuyên truyền này rất thiết thực, tuy nhiên theo em để tuyên truyền đạt hiệu quả hơn thì trong các buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật cần tăng cường tương tác giữa người nói và người nghe. Có thể kết hợp tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa; ứng dụng công nghệ thông tin để có thêm những hình ảnh, video clip sinh động. Hoặc cũng có thể phát huy tính chủ động của học sinh bằng cách chia theo nhóm tìm hiểu về luật và thuyết trình, trao đổi giữa các nhóm với nhau để làm sáng tỏ những nội dung cơ bản của luật…

Cẩm Tú (ghi)


Nga Sơn

Tin xem nhiều