Nói đến mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai, không thể không nhắc đến một trong những vị danh tướng thời chúa Nguyễn, người đã có công mở cõi, đưa vùng đất phương Nam vào bản đồ nước Việt. Ông được chúa Nguyễn phong tặng là: Thượng đẳng công thần đặc Trấn phủ Chưởng cơ với tước: Lễ Thành hầu, người dân tôn kính truyền gọi là Đức Ông.
Đền Nguyễn Hữu Cảnh nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Xuân Tuấn |
Đền thờ ông tọa lạc tại P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Năm 1991, nơi đây được Bộ Văn hóa thông tin quyết định công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Có dịp ghé thăm đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh vào một buổi chiều cuối năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự thay đổi về diện mạo cũng như độ uy nghi của đền thờ. Chiếc cổng sắt nhỏ ngay lối đi đã được thay bằng chiếc cổng gỗ to lớn, bề thế. Hai bên cổng có khắc nổi hai hàng chữ Hán, phía trên cổng là dòng chữ đề: “Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh”, trên mái được thiết kế theo dạng cổ lầu. Bước vào trong khuôn viên, nền đã được đắp mới bằng xi măng, chia thành từng ô đều đặn bởi một lớp cỏ được cắt tỉa, tạo hình công phu. Xung quanh hai bên lối vào là hàng cây xanh tỏa bóng mát, tạo không gian thoáng đãng cho di tích. Có đa dạng các loại cây, mà phổ biến là cây hoa sứ, cây sala…
Đứng trước gian chính của đền thờ, nhìn về phía xa có thể thấy cổng tam quan được xây mới. Theo như lời kể của người dân nơi đây, lối đi này thường được sử dụng khi đón tiếp các đoàn khách lớn và quan trọng. Ngay phía sau cổng tam quan là tượng Đức Ông đầy uy nghi và oai vệ. Phía trước tượng có đặt một lư hương lớn để các đoàn khách, người dân tới dâng hương tưởng nhớ. Phía bên trái là công trình nhà bia, được dựng bởi Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Phía bên phải là công trình nhà trưng bày. Nhưng do một số lý do, hiện khu vực này chưa mở cửa phục vụ khách tham quan.
Phía trước chánh điện là một bức bình phong lớn án ngữ. Ở giữa có biểu tượng long mã hà đồ vốn thường thấy ở các công trình kiến trúc đình, miếu. Đi vào trong gian chánh điện, chúng tôi bị choáng ngợp bởi hệ thống hoành phi, liễn đối được sơn son thếp vàng. Bên cạnh đó là kiến trúc điêu khắc gỗ trên các hương án với đa dạng các đề tài như: rồng chầu, tứ linh, muông thú, hoa lá… Vừa ngắm nhìn vẻ đẹp uy nghiêm ấy, tôi không quên thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ tới Đức Ông. Tại đây còn lưu giữ một bộ áo mão tương truyền là của Đức Ông mặc lúc sinh thời. Và có cả sắc thần được vua ban phong cho Đức Ông. Những hiện vật quý hiếm ấy thực sự khiến chúng tôi ấn tượng về độ chân thực cũng như giá trị văn hóa to lớn. Ngoài ra, trong chánh điện bên cạnh gian chính giữa đền thờ thần, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị. Dọc theo bờ tường hai bên còn thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền, thế hiền và thánh nương mẫu mẫu.
Đằng sau chánh điện là gian hậu đình, vốn trước kia là nhà bếp. Nay nơi đây được tu sửa lại như một không gian vừa kết hợp để thờ cúng vừa để tiếp khách. Chúng tôi được người dân nơi đây giải thích rằng, trong quan niệm của người dân Nam bộ xưa, cửa sau hay khu nhà sau (thường là nhà bếp) lại là nơi khách quen thường lui tới. Và cũng là nơi giáp mặt đầu tiên giữa chủ nhà và khách. Điều đó tạo nên sự thân mật, phản ánh phần nào nét giản dị, không cầu kỳ trong lối sống của người dân Nam bộ xưa. Việc lưu giữ từng nét văn hóa ấy tại không gian đền thờ sẽ góp phần tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp về con người và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay.
Hàng năm, tại đền thờ vào ngày 16-5 và 11-11 âm lịch đều diễn ra lễ vía Đức Ông và lễ Kỳ yên với sự tham gia của đông đảo dân chúng trong vùng. Ngoài ra, nơi đây cũng vinh dự trở thành nơi tiếp đón các đoàn khách lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh vào những dịp quan trọng, đến thực hiện lễ dâng hương, lễ báo công, lễ kết nạp đoàn viên...
Kết thúc chuyến tham quan, điều đọng lại trong chúng tôi là sự tự hào xen lẫn biết ơn với những công lao mà Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã tạo dựng với vùng đất này. Đền thờ Đức Ông tọa lạc tại một nơi có khí hậu lý tưởng, giao thông thuận tiện với cảnh quan thiên nhiên trù phú. Nơi đây trong tương lai gần hứa hẹn sẽ trở thành một trong những điểm đến về du lịch tâm linh mỗi khi du khách có dịp ghé thăm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Anh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin