Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai:
Có một dòng sông da diết

Duyên Hà
19:54, 01/12/2023

Thời còn học phổ thông, tôi đã được học và đọc rất nhiều về dòng sông Đồng Nai - nơi tôi chưa một lần đặt chân tới. Trong tôi đau đáu nỗi niềm sẽ có một lần được chạm mặt dòng sông hiền hòa, thơ mộng đã đi vào văn học, thi ca, nhạc họa.

Cầu Rạch Cát qua sông Cái (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đinh Xuân Tuấn
Cầu Rạch Cát qua sông Cái (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đinh Xuân Tuấn

 

Nhớ chiều nào lần đầu tôi đến đất Biên Hòa, ngẩn ngơ nhìn cây cầu Ghềnh trăm tuổi duyên dáng bắc qua dòng Đồng Nai trong xanh, ngọt mát. Khúc sông Đồng Nai chảy vắt qua TP.Biên Hòa sao mà đẹp, quyến rũ và sâu lắng đến vậy. Ngồi trong quán cà phê bên dòng sông êm đềm vào một đêm đầy trăng sao, tôi nghe tiếng hát ngọt ngào, dịu vợi vang lên trên dập dềnh sóng nước, lòng bâng khuâng: “Tôi đang nghe tiếng sóng Đồng Nai. Tôi đang nghe tiếng gió mùa Xuân. Nghe bông hoa, như thương ai rạo rực trên cành. Tôi đang nghe tiếng nói của đêm. Như đang nghe tiếng hát của em. Tôi đang nghe, nghe con tim như thủy triều lên…”. Lúc đó tôi chưa hề biết bài hát này viết về Biên Hòa có khúc sông chảy ngang qua nhưng tôi đồ rằng đó chính là lời ca điệu nhạc dành cho thành phố bên sông này. Và dù mới đến tôi đã kịp yêu dòng Đồng Nai trữ tình như yêu cô thôn nữ xinh xắn chân quê vậy.

Trong một chiều hoàng hôn thấp thoáng trên sông, người bạn tôi mới quen chưa lâu, lái xuồng chở tôi từ Bến Gỗ ngược dòng lên Biên Hòa. Đó cũng là lần tiên sông ôm tôi vào lòng, tôi được đi trên dòng sông mình hằng mơ ước được một lần chạm vào. Qua khúc sông Cái, giữa mênh mông sóng nước, bạn bảo: “Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất nước với tên gọi xưa là Phước Long Giang. Sông bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Lâm Viên, phía Nam dãy Trường Sơn, nơi có đỉnh Bi Doup tỉnh Lâm Đồng cao nhất với 2.287m. Dòng Đồng Nai chảy qua Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm phụ lưu là sông Sài Gòn. Bởi vậy ca dao có câu: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...”. Bạn rủ tôi có dịp sẽ một lần cùng nhau ngược dòng Đồng Nai để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mượt mà, huyền bí của dòng sông. Tiếc là ý định chưa thực hiện được bạn đã mãi tận trời Tây. Ba mươi năm kể từ ngày ấy, tóc đã bạc nhiều mà bạn vẫn nợ tôi cái hẹn. Mỗi lần trở lại thăm quê hương đất Việt bạn lại nhắc, lại buồn khi nhớ lời hứa năm xưa. Tôi chưa một lần trách bạn bởi cuộc sống tất bật, nhịp sống hối hả bên kia chưa cho bạn một khoảng thời gian dư dả để đi dọc dòng sông quê hương.

Dòng Đồng Nai bao đời nay vẫn vậy. Vẫn êm đềm chảy và mang phù sa đắp bồi cho những xóm làng trù phú, giàu đẹp. Vẫn đầy ắp cá tôm, dòng nước ngọt lành. Vẫn ngày đêm cần mẫn đưa ánh sáng thủy điện đi khắp mọi miền đất nước.

Chàng trai miền Tây là tôi sau những giờ dạy học trên lớp lại lang thang đi cho biết hết Biên Hòa, biết hết xứ Đồng Nai. Tôi thích đi qua những xóm làng dọc đôi bờ sông có những cảnh đẹp nên thơ, ngát xanh lúa đồng, vườn cây trĩu quả, xanh tươi lũy tre làng, dập dờn những hàng dừa in bóng, những bến sông xanh trong mát rượi của vùng đất đơn sơ, bình dị: Bến Gỗ, cù lao Phố, cù lao Cỏ, Bến Cá… Tôi thích ngồi trong quán cà phê bên khúc sông Phố ngắm cầu Hóa An, cầu Ghềnh, nhìn xa xa ngọn núi Châu Thới cao cao. Tôi thích qua những bến đò, bến phà trên sông Đồng Nai… Có lẽ tôi làm vậy để đỡ nhớ đất cuối trời sông nước Cà Mau một thời đã sống và dạy học ở đó. Riết rồi tôi quen những cái tên bến đò ngang thân thiết: An Hảo, Kho, Trạm, Xóm Lá… Một ngày, tôi qua đò An Hảo sang chơi nhà bạn nằm bên sông rồi tình cờ quen em. Và tôi đã quay lại cù lao quê em bởi “Sông Đồng Nai vừa trong lại mát. Đường Hiệp Hòa lắm cát dễ đi. Gái Hiệp Hòa xinh như hoa thiên lý. Trai Hiệp Hòa chí khí hiên ngang…”. Tôi đã yêu em, yêu đất cù lao Phố chân quê ngập tràn hương đồng cỏ nội, thoang thoảng hương lúa đồng, ngào ngạt hương hoa bưởi và dạt dào sóng nước Đồng Nai. Hơn hai mươi năm, tôi uống nước, lặn ngụp nước sông Đồng Nai, dòng sông bên nhà đã như là ruột thịt của tôi. Và để rồi mỗi lần mới đi xa đã nhớ cồn cào ruột gan.

Người bạn thân tôi quen hơn hai mươi lăm năm vừa rời bục giảng nghỉ hưu về Long Khánh vui thú với vườn cây, vài ba bữa lại chạy mấy chục cây số về Biên Hòa cho đỡ nhớ nhà. Nhà bạn nằm bên dòng Đồng Nai, nơi đã sống suốt quãng đời tuổi thơ và trưởng thành. Bạn nhớ sông, nhớ nước, nhớ những đêm khuya trăng thanh gió mát ngồi ngân nga đôi câu vọng cổ trôi bồng bềnh trên sông. Đời ông, đời cha bạn làm ruộng cấy lúa, trồng cây, bắt cá sông, lấy nước sông chăm sóc ruộng vườn nên sông đã là máu thịt. Dòng Đồng Nai quen thuộc cho bạn nhiều kỷ niệm đẹp đẽ, cho bạn một ký ức mãi mãi tươi xanh màu lá vì thế đi xa là nhớ về quay quắt. Thế mới biết cái gì đã gắn bó thiết thân khó mà quên cho được!

Bây giờ, tôi có thói quen sáng cuối tuần nào cũng ngồi cùng bạn bè trong quán cà phê dưới chân cầu Ghềnh. Những người bạn lâu năm hay mới gặp đã thành thân quen cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Đất Đồng Nai sâu nặng nghĩa tình, người Đồng Nai chân chất, thật lòng, mến khách… có lẽ là nhờ dòng nước ngọt Đồng Nai. Bấy nhiêu thôi đã đủ giữ chân bao con người quê tận Bắc, Trung, tít tắp miền Tây chúng tôi đến đây lập nghiệp và ở lại nhận đất lành là quê hương.

Ba mươi năm tròn kể từ ngày “Đến đây xứ sở lạ lùng. Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”, ngày ngày uống nước sông Đồng Nai, nay Đồng Nai đã là quê hương yêu dấu của tôi. Cái duyên với dòng Đồng Nai đã cho tôi gia đình, bạn bè, tình đất tình người và những trang văn ngọt ngào cảm xúc như dòng nước Đồng Nai… để lòng luôn xốn xang, tha thiết: có một dòng sông da diết trong tôi!              

Duyên Hà

Từ khóa:

sông Đồng Nai

Tin xem nhiều