Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn có nói đến Đồng Nai. Sách này viết năm 1776, tức là sau đến 78 năm kể từ khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu sai kinh lý vùng đất phía Nam.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) |
Lê Quý Đôn đã đồng nhất Biên Hòa - Đồng Nai với toàn Nam bộ khi viết: “Đất Đồng Nai từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu toàn là rừng rậm mấy ngàn dặm”.
Biên Hòa có bề dày lịch sử phong phú
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Huyện Phước Chánh nguyên xưa là cánh đồng hươu nai ở, nên đặt tên ấy, hoặc gọi là Lộc Động, tục danh chợ Đồng Nai cũng là ở chỗ này”.
Sách Gia Định thành thông chí ra đời muộn hơn nhiều, vào năm 1820; nhưng liên hệ lịch sử vùng đất Biên Hòa rất xa, cho rằng Biên Hòa là một phần của nước Bà Rịa, tức Bà Lợi xưa kia.
Tác giả Fontaine lại viết, “Khoảng năm 1670 đã có dân Cochinchine, tức người Giao Chỉ, người Việt ở phần đất giáp với vương quốc Khmer và Chămpa”.
Ở cột mốc năm 1698, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đến vùng đất mới Nam bộ, nơi ông kinh lý, thiết lập bộ máy quản lý, lập phủ Gia Định, chia làm 2 huyện Tân Bình và Phước Long, trong đó huyện Phước Long ở phía Đông Sài Gòn gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, một phần Bình Thuận, TP.Thủ Đức của TP.HCM ngày nay và đặt dinh Trấn Biên.
Sách Biên Hòa sử lược toàn biên của Lương Văn Lựu, ở tập 1 có tựa Biên Hòa cổ kính, nhắc tới vương quốc Phù Nam ở thế kỷ thứ I sau công nguyên, nước Lâm Ấp đầu thế kỷ thứ II, nước Chân Lạp thế kỷ XVII… là những liên hệ khác về lịch sử của đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa.
Công trạng Nguyễn Hữu Cảnh gắn liền kế sách mở mang bờ cõi của Nguyễn Phúc Chu và nước Việt Nam trải dài đến Hà Tiên là từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Tập 1 Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học, tái bản lần thứ hai tháng 8-2017 có bổ sung, sửa chữa; viết: “Nước Chân Lạp phía Nam nước Chiêm Thành, phía Đông giáp biển, phía tây giáp nước Bồ Cam, kinh đô gọi là Lộc Ngột”.
Biên Hòa có bề dày lịch sử phong phú, tiếp tục nghiên cứu, khám phá quá khứ về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng là để làm giàu thêm giá trị tinh thần của người đời nay. Cần xác định rằng Biên Hòa xưa là một vùng đất rộng lớn cho nên sẽ không lạ khi sách Biên Hòa xưa viết rằng Biên Hòa có Chiêu Thái Sơn, tức núi Châu Thới ở Dĩ An, Bình Dương và thực sự ngôi chùa này vẫn giữ tên Chiêu Thái như tự dạng chữ Hán bảng tên chùa vẫn còn.
Trên bình diện cả nước, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, cuối thế kỷ XVII, Nguyễn Phúc Chu có ý định tách Đàng Trong thành một vương quốc riêng và tự xưng vương nhưng không thành; đến giữa thế kỷ XVIII mới thực hiện được ý đồ đó. Đến thời Nguyễn Phúc Khoát đã cho sắp đặt lại toàn bộ đơn vị hành chánh địa phương của khu vực Đàng Trong. Sách Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học viết: Từ khi Phú Xuân trở thành trị sở của chính quyền trung ương Đàng Trong, vùng đất từ Quảng Nam trở vào thuộc Nam Trung bộ và Nam bộ ngày nay được đặt thành 6 dinh là Phú Yên, Bình Khang (tức Khánh Hòa), Bình Thuận, Trấn Biên - tức một phần Biên Hòa ngày nay, Phiên Trấn (Gia Định) và Long Hồ (Vĩnh Long).
Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép rõ hơn: Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận thuộc đất Chiêm Thành trước đây và Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ thuộc đất Chân Lạp. Lúc này, Đàng Trong có 12 dinh. Thời Nguyễn Phúc Chu sai sứ sang nhà Thanh xin phong vương nhưng Thanh triều không thuận vì cho rằng còn nhà Lê nên Nguyễn Phúc Chu xưng là Quốc chúa. Sách này nhận định: Những công việc họ Nguyễn làm ở phía Nam quan trọng cho nước Nam ta hơn cả, là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước ta lớn lên, người nhiều ra, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong cả nước đưa đi khai hóa những vùng đất phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra Nam Việt bây giờ phồn phú hơn cả mọi nơi. Trong đó có công của Nguyễn Hữu Cảnh.
Biết một Biên Hòa có lịch sử mấy ngàn năm, trong đó có các vương quốc, cũng để xác định người dân xa xưa đã có mặt ở vùng đất này.
Thời chúa Nguyễn Phúc Chu
Năm 1698 là mốc thời gian quan trọng khi chúa Nguyễn Phúc Chu cử Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược miền Nam và điểm đóng quân đầu tiên là cù lao Phố (nay là P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Chúa Nguyễn Phúc Chu đã làm được rất nhiều việc trong số 9 đời chúa Nguyễn.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dâng hương viếng đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh |
Chúa Nguyễn Phúc Chu là chúa thứ sáu trong 9 đời chúa Nguyễn, con của chúa Nguyễn Phúc Thái, sinh ngày 11-6-1675, nối ngôi ngày 7-2-1691, khi được 16 tuổi, 8 năm trước khi cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam để định an bờ cõi. Ông được xưng tụng là Quốc chúa, Minh Vương. Khi ông mất có miếu hiệu là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế.
Các mốc thời gian quan trọng thời chúa Nguyễn Phúc Chu là năm 1692, đổi nước Chiêm Thành ra trấn Thuận Thành và sau đổi thành phủ Bình Thuận; năm 1698 sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, lấy Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên, tức Biên Hòa; lấy Sài Côn, tức Sài Gòn, làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn, tức Gia Định.
Những năm 1700-1710 đặt nặng việc phòng thủ phía Bắc, dòm ngó Bắc Hà. Sự kiện quan trọng trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu là năm 1702, đánh đuổi Công ty Đông Ấn của Anh do Alllen Catchpole đem 200 quân chiếm đảo Côn Lôn, tức Côn Đảo ngày nay, lập thành trại, hoành hành khu vực biển Đông này. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Phúc Phan, con trai Trương Phúc Cương, chồng công nữ Ngọc Nhiễm, rể chúa Hiền Vương, chúa thứ tư, lập mưu đánh đuổi. Sách Chín đời Chúa, 13 đời Vua của Nguyễn Đắc Xuân kể rằng, Phúc Phan mộ 15 người người Chà Và, tức người Mã Lai ở đảo Java của Nam Dương (Indonesia), giả hàng, làm thuê cho Công ty Đông Ấn người Anh, làm nội ứng để Phúc Phan đánh tan quân Anh của Công ty Đông Ấn, thực tế là một lực lượng viễn chinh thực dân.
Mạc Cửu không phục nhà Thanh, bỏ chạy vào Hà Tiên, được vua Chân Lạp tin dùng, chiêu mộ dân xiêu tán, lập được 7 xã. Năm 1708, Mạc Cửu ra Thuận Hóa, dâng 7 xã này quy thuận, Quốc chúa chấp nhận, phong Mạc Cửu làm Tổng binh Hà Tiên. Như vậy, nước Việt mở lãnh thổ đến Hà Tiên từ đó. Năm 1712, bỏ phủ Phú Xuân, lập phủ mới ở Bác Vọng. Năm 1722, dẹp loạn Hồ Xá.
Chỉ 1 năm sau Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu làm phản, chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh và Trần Thượng Xuyên đi đánh, Nặc Thu bỏ chạy, Nặc Yêm ra hàng. Nội bộ hoàng gia Chân Lạp còn nhiều lần tranh chấp, Quốc chúa sai quân đánh dẹp. Ở Hà Tiên, khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tích được phong làm Đô đốc, tiếp tục sự nghiệp của cha...
Trần Phi Châu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin