Dự thảo thông tư mới về lựa chọn sách giáo khoa (SGK) phổ thông được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ nay đến ngày 20-12 đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Theo đó, thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT được ban hành trước đó, được áp dụng đối với bậc tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đánh giá ban đầu của các cơ sở giáo dục cho thấy, dự thảo thông tư có một số điểm mới so với Thông tư 25. Cụ thể như hội đồng lựa chọn SGK của các trường do hiệu trưởng thành lập, mỗi trường là một hội đồng. Điều này khác với quy định hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Điểm mới này được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế, giao quyền tự chủ, tự quyết cho các trường thay vì phụ thuộc vào một quy trình tưởng như chặt chẽ nhưng khá cồng kềnh trong chọn SGK.
Về nội dung này, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình vì cho rằng điều này sẽ xóa được bất cập trong việc lựa chọn SGK, nhất là xóa thế độc quyền về SGK ở địa phương. Hội đồng lựa chọn SGK bao gồm hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban phụ huynh, khá đầy đủ, thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng đối với các cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn SGK phù hợp cho học sinh.
Một nội dung khác trong dự thảo cũng nhận được sự quan tâm của các cơ sở giáo dục, đó là quy trình lựa chọn SGK. Theo đó, các bước trong quy trình này khá chặt chẽ, gồm: Hội đồng xây dựng kế hoạch; tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch lựa chọn SGK; hội đồng đánh giá việc lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn; hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK; Sở GD-ĐT trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Nội dung dự thảo Thông tư quy định chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các SGK của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các SGK môn học theo các tiêu chí lựa chọn SGK. Khi SGK đã được lựa chọn sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường đề xuất phòng/Sở GD-ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách và có thể thay đổi. Đây là điểm hoàn toàn mới mà trước đây Thông tư 25 không hề đề cập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh loại sách phù hợp hơn nếu sách đã chọn trong quá trình giảng dạy không hiệu quả.
Lựa chọn SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới là câu chuyện gây nhiều tranh cãi mấy năm nay. Chọn bộ sách nào cho phù hợp, phát huy được tinh thần sáng tạo, đổi mới trong dạy và học khiến nhiều địa phương… đau đầu. Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng việc có quá nhiều bộ SGK như hiện nay là lãng phí, vì mỗi trường có một lựa chọn khác nhau, SGK lại không tái sử dụng được như trước. Và thực tế trong công tác dạy và học ở không ít trường, tính ưu việt của những bộ SGK vẫn chưa phát huy được hết…
Phụ huynh đồng thuận với chủ trương đổi mới của giáo dục nhưng mong muốn trong việc lựa chọn SGK cần có sự tính toán một cách hợp lý để vừa đảm bảo chương trình đào tạo, vừa phát huy được tinh thần sáng tạo, chủ động của thầy và trò. SGK cũng cần phải có sự ổn định nhất định chứ không thể thay đổi thường xuyên khiến việc lựa chọn SGK đã mệt, kéo theo việc học cũng áp lực theo. Điều này hoàn toàn không đúng với mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến.
Vì vậy, dự thảo thông tư mới về lựa chọn SGK rất cần nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực hơn nữa để quy trình này khi áp dụng không xảy ra bức xúc hoặc những bất cập đáng tiếc.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin