Báo Đồng Nai điện tử
En

Người ấy

Thái Chí Thanh
19:01, 20/10/2023

Nhà văn Thái Chí Thanh sinh năm 1953 tại Nghệ An, đã từng tạm gác việc học đi bộ đội và chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ từ năm 1971-1975. Sau đó, ông đã có nhiều năm học tập và làm cán bộ ngoại giao ở nước ngoài, hiện là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Thái Chí Thanh được biết đến với những bút ký chiến trường sắc sảo, một nhà ngoại giao kỳ cựu và là một biên tập viên giàu kinh nghiệm. Ông đã có 16 tập sách xuất bản, một số truyện ngắn được chọn vào sách giáo khoa văn học. Truyện viết cho thiếu nhi của ông rất đời thường, nhân hậu, chan chứa tình cảm và những bài học yêu thương.

Nhà văn Trần Thu Hằng giới thiệu

Đêm đã khuya mà Thủy vẫn cảm thấy bồn chồn, ruột gan nóng như lửa đốt. Hay là… mẹ và anh Sơn ở quê gặp chuyện chẳng lành? Ý nghĩ đó làm cho Thủy hốt hoảng, lo lắng. Nó vội ngồi dậy, đến gần buồng ngủ của bố và “người ấy”. Hai người vẫn còn thức, chắc đang soạn đồ đạc mai bố nó đi công tác xa.

Thủy ra hành lang. Ngoài trời vẫn nhì nhằng sấm chớp và mưa rả rích. Nó thấy gai gai lạnh, vội ngồi xuống cạnh con chó bẹc-giê đang nằm canh nhà. Con chó mừng rơn, đuôi cứ ngoáy tít. Mày mừng cái nỗi gì hả chó? Tớ đang nẫu ruột lên đây. Mẹ và anh Sơn đang ốm hay gặp chuyện gì, tớ không về thăm được. Ôi… Ước gì có đôi cánh chim hay phép tiên như trong chuyện cổ tích, tớ sẽ vù về quê ngay. Phải sống xa mẹ và anh tớ nhớ quá, nhớ da diết, nhớ đến cồn cào chó ơi!

Thủy đứng dậy, vừa quay người vào nhà bỗng nghe tiếng ai đó, hình như gọi tên nó, nghe xa lắc trong đêm mưa. Con bẹc-giê cũng dỏng tai, “gừ gừ” mấy tiếng rồi chồm người lên, kéo căng cả sợi xích, sủa riết róng. Thủy thấy sờ sợ, vội bước vào nhà thì thúc phải bố.

Tranh minh họa: Phạm Công Hoàng
Tranh minh họa: Phạm Công Hoàng

“Người ấy” xuất hiện và đến mở xích cho con bẹc-giê. Tức thì, con chó lao ra ngoài mưa như một mũi tên. Bỗng có một bóng đen nấp dưới chậu hoa cảnh, trèo qua hàng rào để ra ngoài. Nhưng con chó đã chồm người lên hàng rào, ngoạm vào chân tên trộm. Tên trộm giãy giụa, đạp vào mặt con chó rồi nhảy ra đường.

- Trộm… Trộm… Bắt lấy kẻ trộm!!!

Cả bố và “người ấy” cùng hô hoán lên ầm ĩ. May quá, có tiếng chân đuổi theo huỳnh huỵch... Cả bố và “người ấy” thở phào nhẹ nhõm, quay vào cùng với con chó bộ lông ướt sũng, đang vẫy đuôi dưới chân họ. Thủy thấy rờn rợn, vội ôm đầu, chạy vào giường nằm.

Thủy cố xua đi sự việc vừa xảy ra thì hình ảnh mẹ và anh Sơn lại hiện về trước mặt nó. Chưa bao giờ nó thấy nhớ mẹ và anh như đêm nay. Đã hơn một năm rồi… cũng vào mùa mưa gió như thế này, chẳng hiểu bố và mẹ Thủy giận dỗi hay thù ghét từ lúc nào mà bỗng dưng ra tòa ly dị. Trong cái nơi mà họ gọi là tòa án đó, Thủy và anh Sơn cũng có mặt nhưng chẳng ai để ý đến chúng. Bố và mẹ nói gì nhiều lắm, Thủy không hiểu. Thủy chỉ biết là bố mẹ sẽ ly hôn và mình sẽ ở với bố, còn anh Sơn ở với mẹ. Thủy ngơ ngác không tin, tưởng người lớn nói đùa. Mãi đến lúc bố bắt lên xe, Thủy mới hiểu rằng từ nay, nhà mình bị chia thành hai nửa...

Đến bây giờ, Thủy vẫn cho chuyện đó thật vô lý. Ra Hà Nội, Thủy còn thấy vô lý hơn khi nó phải gọi một người đàn bà không hề quen biết là “mẹ”. “Người ấy” còn trẻ và xinh lắm, săn sóc và chiều chuộng nó lắm, nhưng làm sao thay cho mẹ nó ở quê được…

 Bỗng có tiếng chuông điện thoại réo lên, Thủy nghe thấy tiếng bố nó vừa làu bàu vừa lê dép ra hành lang.

 - Alô!... Nghe đây! - Tiếng bố vang lên - Cái gì? Bắt được thủ phạm vào ăn cắp nhà tôi hả? Bị thương à. Cứ cho nó vào viện rồi điều tra sau… Hả? Cái gì nữa? Mai nhé! - Tiếng bố nó bực mình, cúp máy rồi trở về với “người ấy”.

***

Thằng bé từ từ mở mắt nhìn xung quanh. Nó định ngồi dậy, nhưng khắp người ê ẩm, nhất là vết thương ở cổ chân đau nhức nhối, buốt cả óc. Có bàn tay ai đó, rất mềm mại sờ lên trán và nắm cổ tay nó. Một người phụ nữ bận áo blouse trắng toát đang xem mạch cho nó. À… thì ra đây là bệnh viện chứ không phải đồn công an. Nhưng kìa, có ai đó mặc quân phục công an đang đứng sau người phụ nữ kia. Mặt thằng bé bỗng tái đi, sợ hãi.

- Nghi can đã tỉnh rồi, bác sĩ cho chúng tôi nói chuyện.

- Xuỵt! Xin lỗi, bệnh nhi đang đau. Lúc khác nhé!

 Thằng bé nghe người ta nói với nhau mà run lên, khiếp đảm. Nó muốn hét to lên: “Không! Cháu không phải tên ăn trộm”, nhưng người bác sĩ đã đưa anh công an ra ngoài.

Một lát sau, cô bác sĩ trở vào, tay bưng một ca sữa nóng. Nó úp mặt vào gối, nức nở, hoảng loạn, cô bác sĩ đỡ nó dậy, nhẹ nhàng:

 - Cháu uống sữa và thuốc đi nào. Vết thương không đáng lo đâu.

 Thằng bé tu một hơi hết ca sữa rồi ngoan ngoãn uống thuốc. Xong, nó mở to mắt nhìn cô bác sĩ, vừa biết ơn, vừa cầu cứu:

- Cô… cháu khổ lắm… Không phải như thế đâu… Cháu không phải là… Tiếng thằng bé nhỏ dần và lẫn vào hơi thở. Hai viên thuốc an thần làm dịu lòng nó và từ từ đem đến cho nó một giấc ngủ vô tư lự...

Đến xế chiều, thằng bé mới tỉnh dậy. Nó cảm thấy dễ chịu vì những chỗ đau trên người đã dịu, chỉ còn vết chó cắn ở cổ chân vẫn còn tê tê. Nó mở mắt. Ồ… vẫn cô bác sĩ lúc sáng đang ngồi bên cạnh nó. Cô mỉm cười:

- Cô rất vui vì cháu sắp hồi phục.

-  Vâng… Nhưng... Nhưng cháu mà khỏi đau thì họ lại đến bắt cháu đi tù…

- Kìa… cháu! Sao cháu cứ nghĩ là phải đi tù... Nhưng cô hỏi thật nhé, cháu vào nhà ấy làm gì?

- Vì đó là nhà bố cháu mà cô.

Cô bác sĩ khẽ giật mình. Đôi lông mày đen sẫm của cô nhíu lại, nhưng chỉ một tích tắc thôi, nó lại giãn ra.

- Thế… tại sao cháu lại vào nhà ấy giữa đêm mưa? Nếu cháu tin cô, hãy kể cho cô nghe đi.

- Cháu sẽ kể. Chuyện dài lắm... Mẹ cháu ở quê bị ốm vì nhớ em Thủy quá. Thương mẹ, và cháu cũng nhớ em ghê cơ, nên ra ngoài này tìm cách đưa em về. Cháu xuống tàu thì trời đã tối, tìm được nhà bố thì đã muộn.

- Sao cháu không bấm chuông hay gọi ai ra mở cửa?

- Cháu muốn gặp một mình em cháu rồi đưa em trốn về quê. Còn nếu bố cháu biết ấy mà… Chẳng bao giờ ông ấy đồng ý đâu. Ông ấy ghét mẹ cháu, chán ở quê lắm rồi. Lại còn mụ dì ghẻ của em cháu nữa chứ. Cháu nghe nói mụ ấy trẻ, đẹp và ác lắm. Dì ghẻ nào chẳng ác, phải không cô? Cháu nghĩ, nếu mụ ấy biết cháu đang nằm đây, chắc đã xui công an đến bắt cháu vào tù rồi.

Cô bác sĩ bỗng quay mặt đi, đứng dậy, bước ra ngoài. Lát sau, cô lại vào với khuôn mặt đượm buồn, khó hiểu.

- Cháu kể tiếp đi, cô đang nghe đây.

- Vâng! Cháu định quanh quẩn gần nhà bố cháu, chờ sáng mai, người lớn đi làm sẽ gặp em. Bỗng cháu thấy em Thủy bước ra hành lang có một mình, vì thế cháu trèo qua hàng rào để gọi em thì chó sủa. Khiếp, con chó nhà bố cháu mới dữ làm sao. Cả mấy người đi đường nữa. Họ chẳng hiểu đầu đuôi gì, nghe hô “trộm” là đuổi bắt, đánh cháu đau quá. Lại cả mấy chú công an nữa. Giá như họ chịu nghe như cô thì đâu đến nỗi.

Cô bác sĩ nhìn nó, nở nụ cười chua xót:

- Thế nhỡ cô cũng ác như mụ dì ghẻ của em cháu thì sao?

- Không! Thằng bé giãy nảy - Cô tốt bụng, hiền lành biết bao. Còn mụ dì ghẻ ấy… Chính mụ ta làm cho gia đình cháu tan nát, anh em cháu phải xa nhau… Nếu không có mụ ấy, chắc gì bố cháu… Ơ kìa! Cô làm sao thế?

Thằng bé hốt hoảng khi thấy mặt cô bác sĩ tái đi.

- Không… sao cả cháu ạ! - Cô cười gượng gạo, nắm chặt tay thằng bé. Cô… cô hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của cháu. Cô sẽ giúp cháu….

- Thật cô nhé. Giọng thằng bé sôi nổi hẳn lên - Cô nói với công an, có khi họ tin đấy… Cháu sợ đi tù lắm… Còn mẹ cháu đang nóng lòng chờ cháu và em Thủy ở quê nữa…

Nhìn mắt thằng bé lại rơm rớm, cô bác sĩ xúc động:

 - Cô biết rõ nhà bố cháu. Cô sẽ bắt mụ dì ghẻ độc ác đó phải trả em Thủy về cho cháu và mẹ cháu. Còn nếu bố cháu đồng ý, mụ kia cũng phải trả ông ấy về cho gia đình cháu.

 -  Thật không hả cô? Thằng bé chồm người dậy - Làm sao cô có thể làm thế được. Hay cô chỉ động viên cháu…

 - Thật… mà… -  Cô bác sĩ chợt nghẹn ngào.

- Bác sĩ, chúng tôi muốn thi hành nhiệm vụ!

Bất ngờ, một giọng nói khô khốc, lạnh lẽo vang lên. Cả hai người giật mình, nhìn ra cửa, thấy hai người công an mặc chỉnh tề, ôm cặp đứng chờ.

Cô bác sĩ lúng túng, đỡ thằng bé nằm trở lại giường rồi vẫy hai người công an ra ngoài.

Rất lâu sau, cô bác sĩ mới trở lại. Không thấy hai người công an theo vào, thằng bé thở phào, nhẹ nhõm.

-  Họ đòi bắt cháu về đồn hả cô… Cháu sợ lắm! Hay… hay cô giúp cháu trốn cô nhé!

Thằng bé thì thào với cô bác sĩ.

 - Tất nhiên là cô sẽ giúp cháu. Nhưng việc gì cháu phải trốn. Vả lại, tối nay không kịp đâu. Chân cháu chưa lành hẳn và cô nghe đài báo sắp có bão...

Nghe nói đến bão, thằng bé giật thót người. Nó cuống quýt:

 - Thôi chết rồi! Mẹ cháu đang ốm! Cháu phải về trước khi cơn bão đổ về quê cháu cô ơi…

Nhìn hai mắt thằng bé mở to van lơn, cầu cứu, cô bác sĩ cắn môi, suy nghĩ. Mấy phút sau, cô ghé tai nó thì thầm… Không hiểu cô nói gì mà mặt thằng bé tươi dần, hai mắt nó long lanh, chứa chan niềm hy vọng.

***

Cô bác sĩ đi một lúc rồi trở lại lúc trời tối. Cô đưa cho Sơn một gói nhỏ và hai vé tàu hỏa, rồi cô chỉ chiếc xích lô đang đứng chờ sẵn gần cổng bệnh viện:

 -  Em Thủy đang chờ cháu trên xích lô. Còn vì sao mụ dì ghẻ trả em cháu về với mẹ và anh, cô đã ghi rõ bỏ trong gói nhỏ này, về nhà cháu xem sẽ hiểu.

Cô vẫy tay, chiếc xích lô lộc cộc lăn bánh đến. Cô đỡ Sơn lên xích lô.

- Cháu cảm ơn cô lắm lắm. Nhưng cháu lo công an họ sẽ bắt cô vì…

- Thôi, cháu quên chuyện đó đi. Tạm biệt nhé! - Cô nói rồi bước nhanh vào cổng bệnh viện.

- Anh Sơn!

Thủy reo lên, ôm chầm lấy người anh đang bàng hoàng nhìn theo bóng của người bác sĩ. Sơn quay lại, chưa kịp nói với em một lời nào, bỗng giật mình, quay người, tụt thấp xuống trên ghế xích lô. Nó vừa thoáng nhìn thấy hai người công an đi vào cổng bệnh viện.

Trên con đường ra ga, Sơn còn thấy nhiều người công an khác. Trong bụng nó vẫn nơm nớp lo sợ. Mãi khi tàu ra khỏi thành phố, Sơn mới thở phào... Nó cúi xuống, định nói chuyện với Thủy thì đứa em đã ngả vào lòng nó, ngủ từ lúc nào không rõ.

***

Khuya lắm, hai anh em mới dắt díu nhau về đến nhà. Người mẹ thấy cả hai đứa con cùng về như uống thuốc tiên, vui trào nước mắt. Hai anh em quên cả mệt nhọc, tíu tít tranh nhau kể cho mẹ nghe. Trong lúc Sơn đang hào hứng kể chuyện thì Thủy bỗng sững sờ, rồi kêu ré lên: “Thì ra, tên kẻ cắp hôm qua lại là anh”. Khi Sơn kể tới người bác sĩ tốt bụng, Thủy bỗng reo lên: “Đó là người ấy!”. “Người ấy là người nào cơ?” “Là… là… người mà bố bắt em gọi là mẹ ấy!”.

“Không có lẽ… người bác sĩ tốt bụng đó là mụ dì ghẻ độc ác...”. Sơn chợt kêu: “Hượm đã!”, rồi vội lấy gói nhỏ của cô bác sĩ đưa lúc chia tay. Sơn hồi hộp mở lá thư để đọc. Nhưng ngọn đèn điện như trêu tức nó, cứ chập chờn rồi vụt tắt. Mất điện, cả vùng quê chìm trong bóng đêm. Chỉ có tiếng gió đang nổi lên, cây cối xung quanh nhà thi nhau vặn mình kêu răng rắc. Cơn bão đang đến... Trong lúc ba mẹ con đang quờ quạng tìm đèn dầu thì con chó mực bỗng sủa toáng lên, mỗi lúc một dữ.

- Chết thật, ra đóng cửa đi các con. Đêm tối, quên đóng cửa, kẻ trộm vào thì khốn - tiếng người mẹ vọng lên trong đêm tối.

Sơn đã chốt cửa cẩn thận nhưng gió vẫn lùa vào nhà. Nó không biết rằng, ngoài hàng rào, cạnh sân nhà nó có một bóng đen đang lặng lẽ dõi theo cảnh sum họp của ba mẹ con. Bóng đen đó như không biết tiếng chó đang sủa, tiếng gió đang gào rít… Mãi đến khi tiếng còi tàu hỏa hú gọi, bóng đen đó mới giật mình, vội vã trở lại sân ga cho kịp chuyến tàu về...        

Truyện ngắn của Thái Chí Thanh

Tin xem nhiều