Thông tin Đồng Nai đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng sân bay Biên Hòa phục vụ khai thác lưỡng dụng quân sự và dân dụng đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong và ngoài tỉnh.
Sân bay Biên Hòa khi khai thác lưỡng dụng sẽ có công suất phục vụ 5 triệu hành khách mỗi năm trong thời kỳ 2021-2030. Nguồn: Internet |
Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều người dân cho biết rất vui và mong muốn phương án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không sớm được triển khai để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thêm công năng cho sân bay Biên Hòa
Sân bay Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, cách TP.HCM khoảng 30km. Hiện nay, sân bay Biên Hòa đang được giao cho Trung đoàn Không quân 935 thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - không quân, Bộ Quốc phòng) quản lý sử dụng. Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Biên Hòa được quy hoạch là sân bay quốc nội khai thác lưỡng dụng dân sự và quân sự.
Phó giám đốc Sở GT-VT NGUYỄN BÔN:
Nhiều phương án kết nối giao thông đến sân bay Biên Hòa
Để sân bay Biên Hòa đáp ứng công suất phục vụ 5 triệu hành khách mỗi năm trong thời kỳ 2021-2030, Sở GT-VT đã nghiên cứu các hướng kết nối giao thông đến sân bay Biên Hòa để cập nhật vào quy hoạch tỉnh. Theo đó, cần mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường tại TP.Biên Hòa như: mở rộng đường Nguyễn Du; nâng cấp các tuyến đường Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu; kéo dài tuyến đường tỉnh 768B kết nối đến cầu Thạnh Hội 2. Để tăng cường kết nối sân bay Biên Hòa với tỉnh Bình Dương, dự kiến sẽ mở rộng tuyến đường tỉnh 768, đoạn từ cuối đường Nguyễn Du đến cầu Tân Triều (hương lộ 7) và kéo dài thêm khoảng 3,6km từ giao lộ với hương lộ 7 đến đường vành đai TP.Biên Hòa gần cầu Bạch Bằng.
Trong phương án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, có khoảng 50ha đất khu vực sân bay sẽ được bàn giao cho tỉnh Đồng Nai xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ khai thác lưỡng dụng. Hiện các cơ quan chức năng trong tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng sân bay Biên Hòa phục vụ khai thác lưỡng dụng quân sự và dân dụng.
Theo các chuyên gia, sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả 2 sân bay cùng hoạt động.
Hiện nay, sân bay Biên Hòa cũng đã có sẵn 2 đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay… Để khai thác lưỡng dụng, sân bay này chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa cũng như làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường… để tạo khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh.
Biết tin tới đây sân bay Biên Hòa sẽ có thêm công năng khai thác phục vụ dân dụng, bà Nguyễn Bích Thủy (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Tôi sinh ra ở miền Bắc đến TP.Biên Hòa sinh sống hơn 20 năm nay. Mỗi lần về quê muốn đi máy bay đều phải lên sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Đường đi không xa nhưng rất hay kẹt xe, nhất là khu vực gần sân bay, cộng với đó là tình trạng quá tải, nhất là dịp lễ, Tết… Nếu sân bay Biên Hòa có thể phục vụ các chuyến bay trong nước thì quá tuyệt vời” .
Phát huy lợi thế sân bay
Đồng Nai là địa bàn có đông dân, trong đó có nhiều người dân từ các tỉnh, thành khác đến làm ăn, sinh sống nên nhu cầu đi lại rất lớn. Việc sân bay quân sự Biên Hòa được đưa vào khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho người dân địa phương mà còn có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực xung quanh sân bay.
“Cũng như giao thông đường bộ, đường hàng không phát triển sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Do vậy, theo tôi trước tiên cần nghiên cứu, đánh giá các tác động của việc xây dựng sân bay lưỡng dụng tại TP.Biên Hòa và các địa phương xung quanh để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển. Về quy mô khai thác dân dụng tại sân bay Biên Hòa cũng cần phải nghiên cứu để đảm bảo phù hợp, đồng bộ và hiệu quả giữa 3 sân bay khu vực này (Biên Hòa, Long Thành, Tân Sơn Nhất)” - ông Ngô Thanh Long (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) kiến nghị.
Mới đây Bộ GT-VT đã có đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại một số sân bay quân sự và xã hội hóa đầu tư sân bay. Theo đó, sân bay Biên Hòa là sân bay quân sự cấp 1, có 2 đường cất/hạ cánh bằng bê tông xi măng, mỗi đường băng rộng 45m, dài hơn 3km; diện tích đất sân bay khoảng 967ha, có thể bố trí khoảng 50ha làm khu vực phục vụ khai thác hàng không dân dụng (nhà ga hành khách, điểm đỗ máy bay…). Phần hạ tầng này đã được đầu tư từ những năm 1960, hiện xuống cấp; để đảm bảo khai thác dân dụng cần cải tạo, nâng cấp mở rộng; cùng với đó, sẽ phải đầu tư thêm hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát và hạ tầng đồng bộ; cải tạo hệ thống giao thông kết nối.
Theo ông Long, khi đưa sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác lưỡng dụng thì vấn đề cần quan tâm nhất chính là hệ thống giao thông kết nối. Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông của TP.Biên Hòa đang ở trong tình trạng quá tải. Nếu có thêm một sân bay được khai thác dân dụng, áp lực về quá tải giao thông đối với TP.Biên Hòa sẽ càng lớn.
Liên quan đến hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Văn Đức (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Qua theo dõi các thông tin liên quan đến phương án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, tôi thấy các cơ quan chức năng, đưa ra nhiều phương án nâng cấp mở đường phục vụ sân bay. Mong rằng tới đây hạ tầng giao thông ở TP.Biên Hòa được quy hoạch bài bản có thể đáp ứng nhu cầu vận tải khi sân bay Biên Hòa được khai thác lưỡng dụng”.
Kim Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin