Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23 đã kết thúc với chiến thắng thuộc về thí sinh Lê Xuân Mạnh đến từ Trường THPT Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa). Đáng chú ý là trong cuộc thi này, dù là phát sóng trực tiếp song màn tranh biện của thí sinh về nội dung một số câu hỏi thực sự để lại nhiều cảm xúc cho khán giả cả nước khi theo dõi chương trình này.
Lê Xuân Mạnh học sinh lớp 12, trường THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên dẫn đầu trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 |
Trong phần về đích của thí sinh Minh Triết có câu hỏi: "Trong bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu viết: “Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?/ Mai sau, dù có bao giờ… / Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!”. “Câu thơ thuở trước” mà tác giả nói đến là hai câu thơ nào và trong bài thơ nào của Nguyễn Du?”.
Khi Xuân Mạnh trả lời: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?”, câu này trích trong Độc Tiểu Thanh ký, Trọng Thành lập tức giơ tay phản biện: Đề thi hỏi câu thơ nào của Nguyễn Du thì phải đọc câu thơ nguyên tác, không thể đọc câu thơ bản dịch vì có rất nhiều bản dịch khác nhau.
Hay trước đó, một câu hỏi liên quan đến hóa học, Trọng Thành và Việt Thanh cũng có tranh biện liên quan đến tính chính xác của câu hỏi để chọn câu trả lời phù hợp, chính xác nhất.
Ở cả 2 tình huống này, MC của chương trình đều phải nhờ đội ngũ cố vấn của chương trình tham gia giải đáp trực tiếp giúp thí sinh và khán giả hiểu hơn về đáp án đúng.
Tranh biện, hiểu nôm na là tranh luận giữa 2 hoặc nhiều người về một chủ đề xác định tại một thời điểm cụ thể. Đây là một kỹ năng quan trọng trong đời sống và trong học tập, làm việc. Người có kỹ năng tranh biện tốt có thể cải thiện các kỹ năng khác cùng một lúc như tư duy logic và phản biện, kỹ năng thuyết trình và đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm hay kỹ năng giải quyết vấn đề… Việc các thí sinh trong một cuộc thi kiến thức có tuổi đời trên 20 năm như Đường lên đỉnh Olympia cùng tranh biện về câu hỏi do chương trình đưa ra trên sóng trực tiếp cho thấy thí sinh khá mạnh dạn và tự tin với kiến thức của mình. Khi cảm thấy câu hỏi có vấn đề, còn vướng mắc, không do dự, thí sinh hỏi lại ngay để tìm được câu trả lời chính xác nhất.
Theo đánh giá của nhiều khán giả quan tâm, theo dõi và ủng hộ chương trình Đường lên đỉnh Olympia, việc thí sinh mạnh dạn có ý kiến tại cuộc thi là tín hiệu rất đáng mừng. Điều này cho thấy, thí sinh ngày càng có bản lĩnh, trình độ, đồng thời đòi hỏi Ban cố vấn của chương trình phải nghiên cứu, chọn lọc câu hỏi và câu trả lời một cách kỹ lưỡng hơn nữa để tránh xảy ra tình trạng câu hỏi sai hoặc câu trả lời cũng không chính xác, gây bức xúc cho người chơi, làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin