Tôi đọc được trên tạp chí Tia sáng bài viết thú vị - Di sản mùi hương châu Âu: Khi hương vị gợi mở đường về quá khứ. Theo đó, giữa lúc ý tưởng bảo tồn di sản giác quan (sensory heritage) lặng lẽ xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa và bảo tàng, thì dự án ODEUROPA - mới được ra mắt vào đầu năm 2021 - đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng một thư viện về các mùi hương trong lịch sử nhằm tìm hiểu mùi hương đã định hình các cộng đồng trong quá khứ như thế nào. Inger Leemans - Trưởng dự án giải thích: “Mùi hương là con đường rất trực tiếp để mọi người kết nối với quá khứ. Chúng tôi muốn giúp mọi người tìm hiểu về vai trò của chúng trong lịch sử và bảo tồn những mùi hương này cho các thế hệ tương lai”. Như vậy, không chỉ có những di sản hữu hình mà cả những di sản vô hình như mùi hương cũng cần được bảo tồn.
Tranh minh họa: Internet |
Thiết nghĩ, hồn mỗi người trưởng thành là một bảo tàng mùi hương. Số lượng và chất lượng chủng loại mùi hương trong mỗi bộ sưu tập đó phụ thuộc vào sự sống trải, vào cường độ và trường độ của ấn tượng, của ám ảnh… nơi từng người.
Đó trước hết có thể là những mùi hương dậy lên từ những món ăn được chế biến bởi bàn tay mẹ tự ngày xửa ngày xưa - những món ngon ngậm ngon ngùi bất khả thay thế, một đi không trở lại. Mùi của những món ăn mang hương vị tình thân này thường được hấp phả quấn quyện bởi mùi Tết, bởi hương quê, bởi vị thanh bần… thuộc về thời gian đã mất.
Nói đến mùi Tết, khứu giác của tôi như vẫn nồng nã mùi vải thơm áo mới mẹ mua ngăn tủ phập phồng. Mùi phiên chợ cuối năm. Mùi giấy xanh đỏ tím vàng chị cắt xúc xích treo trần nhà, xâu con rô làm rèm. Mùi câu đối đỏ, tranh Đông Hồ bố trải phẳng ra phản quét hồ dán lên. Mùi vôi anh sơn mới tường. Mùi đậu xanh mẹ đồ đem trộn đường bánh mài nhỏ và gừng tươi rồi giã nhuyễn để làm nhân bánh ít. Mùi thịt mẹ ướp với tiêu, hành củ, nước mắm để làm nhân bánh chưng. Mùi lửa bập bùng nức nao các nồi bánh. Mùi pháo hương trầm ngạt ngào thôn xóm òa vỡ giao thừa. Mùi thời gian ngừng trôi, đất trời hội ngộ, âm dương giao hòa, khát vọng thăng hoa.
Thế hệ cuối 7X sinh ra và lớn lên ở nông thôn rồi lập nghiệp ở thành phố như tôi chẳng phải ngẫu nhiên mà hồn rưng rưng mỗi khi vọng ngân bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt hay truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Mùi khói từ bếp lửa ấp iu nồng đượm của người bà mãi làm cay sống mũi đứa cháu. Mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc trước giờ khắc của ngày tàn nơi phố huyện nghèo khiến hai đứa trẻ tưởng đó là mùi riêng của đất, của quê hương mình.
Kể làm sao cho hết, phân loại làm sao cho rạch ròi những mùi hương ngồn ngộn tràn đầy nơi ngăn hồn vừa thênh thang vừa hẹp chật của tôi. Chỉ riêng hương quê nưng nức nồi nước xông chị nấu bảy thứ lá cây những ngày tôi cảm cúm, hay mùi quê thơm lừng hũ mắm mẹ chưng mở nắp những ngày bão lụt… cũng đủ trì níu con thuyền hồn tôi neo đậu bến quê, sau mải mê du ca phiêu lãng bốn phương tám hướng.
Đôi khi, mùi không phải liên nối con người ta với những gì đang hoặc đã thân thuộc với họ, mà ở một chiều ngược lại, nó gợi dẫn con người ta mơ tưởng đến những miền xa. Tôi là người của đồng bằng, một tuổi thơ hoàn toàn gián cách với rừng và biển. Mẹ tôi lại đến từ miền rừng. Những câu chuyện mẹ rủ rỉ kể kích hoạt và căng mở hết cỡ trí tưởng tượng của tôi về xứ sở rừng rú thâm u, hoang dại. Một ngày, ba tôi vô tình mang đâu về một cuốn truyện có tên Khoảng trống trong rừng. Cái vương quốc của những đứa trẻ trong truyện làm tôi khát khô hồn một lần được đến với đại ngàn. Bởi thế mà tôi hít hà mùi rừng nơi gánh củi của ba, khúc săng của anh, gánh lá của chị mỗi lần mọi người đi rừng về. Biển cũng ở tận đẩu tận đâu, tôi không thể biết được. Vậy nên, một buổi chiều đi học về, tôi mãn vị khi được thưởng thức món ngao sò biển (người ta mang từ đâu về chợ quê bán) mẹ nấu canh với mít chua và lá lốt. Phải nói, đó là món canh ngon xuất sắc nhất tôi từng ăn mà cho đến tận bây giờ chưa một đặc sản cao cấp nào có thể soán ngôi của nó được. Ngoài cái hương vị nức nở của món canh, đáng nói hơn là cái mùi biển từ những chiếc vỏ ngao vỏ sò vằn vện họa tiết mãn nhãn mà tôi đem rửa sạch phơi khô rồi làm đồ chơi những ngày dài sau đó. Hết xoay trở ngắm nghía, tôi lại áp chúng vào tai để nghe tiếng sóng u u, rồi lại đưa chúng lên mũi để ngửi cái mùi vừa tanh tao vừa thơm tho của đại dương. Trên bàn làm việc của tôi hiện nay có cả hương rừng Cà Mau lẫn mùi biển Trường Sa phả ra từ những kỷ vật mà tôi nâng niu mang về sau những cuộc dãi dề thủy bộ.
Có một cụm từ được dùng để gọi tên vô cùng chính xác một trạng huống cảm giác, đó là “ăn/ uống ký ức”. Phải, đó là những lúc mà người ta không chỉ thưởng đồ ăn thức uống bằng vị giác và khứu giác, mà còn - quan trọng hơn là bằng siêu cảm giác. Ngày dời nhà từ quê lên phố, ba tôi mang theo một cây két. Là quê tôi gọi thế. Chẳng hiểu sao giờ tôi tra Google thì không cho ra kết quả, nếu có thì đó lại không phải là cây mà tôi đang nói đến. Cây này rất dễ trồng. Thuộc loài thân củi. Lá non hái xuống rửa sạch thái sợi nhỏ rồi rắc trộn vào món giá đỗ thì cực kỳ hợp vị. Cho đến nay, mỗi dịp quây quần tụ hội, đại gia đình tôi lại được ăn cả một trời ký ức quê kiểng bởi món giá đỗ lá két trời sinh một cặp này.
Rồi năm ngoái, bạn Hà Nội dẫn tôi đến một quán cà phê không đông khách trên một con phố cổ. Không hẹn mà hữu duyên nên tôi và mùi cà phê thơm thảo tuổi thơ được phen kỳ ngộ. Ngày ấy, người anh con bác tôi sống và làm việc tận nông trường cà phê Đắk Lắk xa lơ xa lắc thi thoảng mang về hoặc gửi về cho ba tôi một ít cà phê. Tôi thường ngồi chống cằm sốt ruột chờ cà phê nhỏ giọt hết, đến khi ba bắc phin ra thì tôi chế nước sôi từ phích để pha lại nước hai, rồi cho đường vào và cũng thưởng thức cà phê như ai. Mấy chục năm qua, uống cà phê đủ loại, ở muôn nơi khắp chốn, nhưng đây là lần đầu tiên, tại thành phố mà mình đang sống này, tôi được gặp lại cái mùi cà phê trinh sơ thơ dại ấy.
Mù màu, từ bao giờ đã là một thuật ngữ sinh học thường thức. Đến thời đại Covid thì lại có thêm hiện tượng mất khứu giác, tức là mù mùi. Chao ôi, làm sao có thể hình dung, rằng đang sống ở trên đời mà lại mất cơ hội nhìn ngửi sắc hương của đời?
Nhà văn Gabriel García Márquez từng chia sẻ, rằng để xây dựng thành công các nhân vật độc tài trong Mùa thu của vị trưởng lão, ngoài điều kiện cần là những nguyên mẫu có thật, thì phải thêm điều kiện đủ liên quan đến mùi hương. Cụ thể là, sau 10 năm đọc tất cả những gì viết về các độc tài Mỹ Latinh và trò chuyện với rất nhiều người sống dưới các chế độ độc tài, khi đã rõ ràng trong đầu nhân vật tiểu thuyết mà mình định viết sẽ như thế nào, ông cố gắng xóa đi mọi thứ đã nghe đã đọc, để có thể sáng tạo mới mà không sử dụng bất kì tình huống nào đã diễn ra trong đời thật. Ông nhận ra một điều, rằng mình chưa từng sống qua giai đoạn độc tài nào, vì thế nếu viết cuốn sách này ở Tây Ban Nha thì ông sẽ cảm nhận được cái không khí độc tài ấy. Nhưng ông phát hiện ra rằng không khí Tây Ban Nha thời Franco rất khác với kiểu độc tài vùng Caribe. Vì thế cuốn sách gặp bế tắc trong vòng một năm. Còn thứ gì đó thiếu mà ông không biết. Rồi một đêm, ông quyết định tốt nhất là quay về Caribe. Thế là cả nhà về lại Barranquilla ở Colombia. Ông phát biểu một câu với các nhà báo mà họ cứ nghĩ ông đùa, rằng ông phải quay về vì quên mất mùi ổi. Thật sự, mùi ổi chính là thứ ông cần để hoàn thành cuốn sách.
Văn học còn có thể huyền thoại hóa mùi hương theo cách mà nhà văn Marcel Proust, với Đi tìm thời gian đã mất, đã vĩnh cửu hóa khoảnh khắc cái bánh madeleine gợi dậy quãng đời niên thiếu của mình.
Mùi hương, qua màng lọc của thời gian, qua lớp sương của hoài niệm, trở thành mùi ký ức, chiết xuất chưng cất thành thứ nước hoa đặc biệt mà kẻ đa mang đa cảm thường xức lên hồn như một cách thanh tẩy, cứu rỗi.
Tuy nhiên, người sở hữu lọ mùi ký ức kiểu trên là chỉ để thơm cho riêng mình. Còn thơm cho người khác? Thì người ta là hoa đất đấy thôi. Mà việc của hoa là gì nếu không phải là tỏa hương - hoa nào hương nấy? Chừng nào có thể mặc định mùi hương - theo cả nghĩa gốc lẫn nghĩa phái sinh của từ này - là đặc điểm nhận dạng của mỗi người, thì khi đó cuộc đời mới trở nên thuần khiết thơm tho tinh sạch.
Còn gì có khả năng gây ngất ngây mê lịm ở trên đời hơn là hương người, đặc biệt là một khi người đã thành người xưa?
Tạp bút của Hoàng Đăng Khoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin