Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nhân Việt Nam với mục tiêu đạt tầm thế giới

Uyển Nhi
09:10, 14/10/2023

Ngày 20- 9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg chọn ngày 13-10 hàng năm là ngày tôn vinh doanh nhân Việt Nam. Mục đích là để ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nhân trên các lĩnh vực. Qua đó, nhằm tôn vinh các cá nhân, doanh nghiệp (DN) có nhiều phát minh sáng tạo, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, góp phần cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm GC, doanh nghiệp của Đồng Nai đã niêm yết trên sàn chứng khoán và đang hướng tới mốc doanh thu ngàn tỷ đồng trong những năm tới
Sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm GC, doanh nghiệp của Đồng Nai đã niêm yết trên sàn chứng khoán và đang hướng tới mốc doanh thu ngàn tỷ đồng trong những năm tới

Đây cũng là dịp động viên, khuyến khích các DN tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục góp sức cho phát triển của nền kinh tế cả nước.

Nhiều năm qua, các doanh nhân Việt Nam đã luôn nỗ lực, vượt qua những thăng trầm, đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng trong tốp đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, hơn 3 năm trở lại đây, tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, nhiều quốc gia tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Theo đó, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Mới đây, ngày 10-10-2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Mục tiêu là để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, năng động, sáng tạo, làm giàu chính đáng… đóng góp cho mục tiêu phát triển đất nước. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ngày càng có nhiều DN đạt tầm khu vực và thế giới. Trong đó, có những DN có vai trò, vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chủ được một số chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Trong những năm qua, nhiều doanh nhân Việt Nam đã từng bước phát triển và xây dựng DN ngày một lớn mạnh, trở thành những thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước trên các lĩnh vực như: dệt may, sản phẩm gỗ, nông sản, thực phẩm… Các DN đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và các chương trình an sinh xã hội.

Tại Đồng Nai, tính đến đầu tháng 10-2023, có gần 51,6 ngàn DN đã đăng ký hoạt động trên Hệ thống  thông tin đăng ký DN quốc gia, với tổng vốn gần 453,4 ngàn tỷ đồng. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có gần 4 ngàn DN đăng ký thành lập mới trên các lĩnh vực. Lĩnh vực thu hút nhiều DN thành lập mới là thương mại dịch vụ, sản xuất chế biến nông sản, công nghiệp. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập niên, số DN trở lên lớn mạnh và có thương hiệu riêng không nhiều, chưa đến 0,5% trên số DN đã đăng ký thành lập.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu, nhanh và rộng, nếu các DN không liên kết để hỗ trợ nhau cùng phát triển sẽ khó lớn mạnh được. Từ thực tế trên thế giới cho thấy, các tập đoàn đa quốc gia đều xuất phát từ những DN nhỏ và nhờ liên kết với nhau đã dần lớn mạnh. Trong đó, có những thương hiệu tồn tại 100-200 năm.

Uyển Nhi

 

Tin xem nhiều