Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nhân đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế đất nước

Vương Thế
09:04, 14/10/2023

Trải qua gần 40 năm từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới, giới doanh nhân đã có sự phát triển vượt bậc, có vị thế và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp (DN), doanh nhân là lực lượng tiên phong trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho đất nước.

Doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối kinh doanh Việt - Nhật do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.THẾ
Doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối kinh doanh Việt - Nhật do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.THẾ

Cũng như cả nước, đội ngũ doanh nhân, DN ở Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng. Môi trường đầu tư, kinh doanh khởi sắc, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng là vận hội mới để doanh nhân, DN ra sức phát huy vai trò, vị thế của mình.

* Không ngừng tăng trưởng về số lượng và chất lượng

Trải qua nhiều thập niên, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng đông đảo với gần 1 triệu DN, 30 ngàn HTX và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến năm 2025 là cả nước sẽ có 1,5 triệu DN.

DN, doanh nhân đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam năm 2022 vươn lên đứng thứ 37 thế giới về quy mô GDP, nằm trong tốp 20 thế giới về quy mô thương mại quốc tế. Hàng hóa của Việt Nam đã đến được hầu hết các thị trường trên toàn cầu. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đã lên tới hơn 730 tỷ USD, là một trong những quốc gia có nền kinh tế với độ mở lớn nhất trên thế giới. Hiện đã có trên 1,6 ngàn dự án đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam với tổng số vốn gần 22 tỷ USD.

Không chỉ đông về số lượng, đội ngũ DN Việt ngày càng tăng trưởng về chất lượng. Hơn một thập kỷ qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam mới được thế giới biết đến qua những tên tuổi của các tập đoàn tư nhân như: VinGroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan… Một số doanh nhân Việt Nam đã có tên trong danh sách tỷ phú toàn cầu, thể hiện cho bản lĩnh và khát vọng vươn ra biển lớn của người Việt.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, muốn tiến ra thế giới, Việt Nam phải có một lực lượng DN mạnh, có những "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Các doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế là những người tự tin, có trình độ quản trị và kiến thức chuyên môn, có sự năng động, sáng tạo và có khát vọng đưa DN và đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia thuộc tốp đầu trong khu vực và thế giới, trở thành đối tác thương mại, kinh tế quan trọng của nhiều cường quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi trò chuyện cùng cộng đồng doanh nhân trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2023 đã khẳng định, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tiễn phát triển của đội ngũ DN, doanh nhân sẽ giúp sức đắc lực cho công tác xây dựng thể chế chính sách, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.

Nhiều DN Đồng Nai từng bước vươn lên trở thành nhà cung ứng cho các đối tác lớn trên thế giới như: Nam Long, GC Food, Vinastar, Tương Lai, Huỳnh Đức…

Tại Đồng Nai, đội ngũ doanh nhân, DN trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh. Lũy kế từ năm 1991 đến tháng 9-2023, Đồng Nai có hơn 50 ngàn DN đã đăng ký kinh doanh trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia. Hơn 20 năm trước, DN trong nước chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đến nay đã chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, các DN trong nước cũng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

* Vận hội mới cho DN, doanh nhân

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, kinh tế tư nhân và đội ngũ DN, doanh nhân đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng. Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

Sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm GC, doanh nghiệp của Đồng Nai đã niêm yết trên sàn chứng khoán và đang hướng tới mốc doanh thu ngàn tỷ đồng trong những năm tới
Sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm GC, doanh nghiệp của Đồng Nai đã niêm yết trên sàn chứng khoán và đang hướng tới mốc doanh thu ngàn tỷ đồng trong những năm tới

Với việc xác định tầm quan trọng của kinh tế tư nhân và vai trò ngày càng cao của DN, doanh nhân, đây là vận hội mới để kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển và gặt hái được nhiều thành công hơn. Thực tế, DN tư nhân đã gần như phủ kín các lĩnh vực của nền kinh tế, từ quy mô lớn, đòi hỏi trình độ quản lý cao, đến những DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống xã hội. Các DN có mặt từ lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao đến sản xuất thủ công hay dịch vụ đơn giản nhất; từ những sản phẩm hàm lượng khoa học, công nghệ, sản phẩm tương lai đến các mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày…

Bên cạnh đó, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết với nhiều quốc gia, khu vực trọng điểm thì cơ hội để các doanh nhân, DN của Việt Nam hiện diện trên thị trường quốc tế ngày càng lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, các hiệp định thương mại đã ký kết, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Khi tham gia vào sân chơi chung toàn cầu các DN Việt sẽ có cơ hội để nâng tầm. Muốn đưa hàng hóa vào các thị trường trọng điểm thì buộc DN phải thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tạo ra sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt ngày càng tốt hơn.

Vương Thế

 

Tin xem nhiều