Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tìm giải pháp để “đi đường dài”

Đào Lê
07:40, 14/10/2023

Đại dịch Covid-19, xung đột chiến tranh đã khiến kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy suy thoái, ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh nhiều áp lực, đòi hỏi DN phải nhạy bén với thời cuộc và tìm giải pháp để trụ vững.

Hội viên, doanh nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu học tập mô hình sản xuất, kinh doanh của nhau
Hội viên, doanh nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu học tập mô hình sản xuất, kinh doanh của nhau

Cùng với tái cấu trúc, các DN cũng quan tâm hơn đến việc phát triển bền vững; xây dựng chiến lược cho mình, đồng thời đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ quản lý, từng bước đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Liên tiếp đối mặt nhiều cú sốc

Đó là thực tế mà các DN phải trải qua trong vài năm trở lại đây. Từ dịch bệnh Covid-19 đến xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine, sự xoay chuyển của cục diện địa chính trị toàn cầu… là những yếu tố liên tục ảnh hưởng đến DN. Khó khăn lớn nhất, gây tác động mạnh nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Hiện trên thị trường xuất khẩu, các đơn hàng giảm từ 20-50% tùy ngành nghề. Khi thị trường sụt giảm, chủ DN dù có giàu kinh nghiệm, quy mô lớn hoặc nhỏ, kinh doanh bài bản đến mấy cũng bị tác động.

Đơn hàng xuất khẩu giảm dẫn đến hệ lụy là DN buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt bớt nhân sự, thậm chí đóng cửa một số dây chuyền, nhà máy. Người tiêu dùng trước thực tế này sẽ phải tính toán, cân nhắc trong mua sắm, tiết kiệm chi tiêu, từ đó dẫn đến nhu cầu tiêu thụ trên thị trường nội địa giảm theo. Thiếu đơn hàng từ thị trường xuất khẩu đến thị trường nội địa đang đẩy hàng ngàn DN lâm vào hoàn cảnh khốn khó.

Đồng Nai sẽ liên kết công nghiệp hỗ trợ với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo.

Khó khăn dồn dập, hầu hết DN đang thiếu hụt, chậm trễ về dòng tiền. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt dòng tiền, trong đó lý do chính là doanh thu bị giảm khi đơn hàng ít hoặc không có; dòng tiền quay về chậm khi hàng đã xuất nhưng khách mua không bán được, dẫn đến việc chậm thanh toán. Ngoài ra, còn có sức ép đáng kể về dòng tiền khi nhiều DN bị chậm hoàn thuế xuất khẩu…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, năm nay là một trong những năm khó khăn nhất của ngành gỗ khi mục tiêu đề ra từ đầu năm không đạt được. Trong bối cảnh khó khăn, DN đuối sức, thị trường thu hẹp, điều cần thiết nhất là cộng đồng DN mong muốn Chính phủ kịp thời hỗ trợ; có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại chưa được giải quyết để khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí, tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn lực hỗ trợ và khắc phục chuỗi đứt gãy nguyên vật liệu sản xuất.

Trong khi chờ đợi những chính sách lớn phát huy hiệu quả, giúp DN ổn định phát triển sản xuất, các DN đã và đang tự tìm hướng đi riêng. Để bù đắp đơn hàng thiếu hụt, bên cạnh các thị trường truyền thống, các DN tích cực tìm kiếm, xúc tiến thương mại để mở thêm thị trường mới; đồng thời nỗ lực kết nối, hợp tác, tăng cường sử dụng hàng hóa của nhau nhằm đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất.

“Với 600 hội viên, DN trải khắp địa bàn tỉnh, chúng tôi luôn khuyến khích các DN thành viên trong hội tăng cường sử dụng hàng hóa của nhau, liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng khi các DN nhỏ và vừa đang phải chịu nhiều sức ép như hiện nay” - ông Lê Bạch Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) chia sẻ.

Sắp xếp lại để phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm DN cần đánh giá lại và triển khai chiến lược thống nhất, thiết lập lại cấu trúc, quy trình hoạt động và nguồn nhân lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đó giúp xác định lại chiến lược sản xuất, kinh doanh, thiết lập lại cấu trúc công ty phù hợp, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, cũng như thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro nhằm đạt được thành công, tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều lợi ích. DN có được trọng tâm và phương hướng rõ ràng, giảm chi phí hoạt động, tăng lượng tiền mặt, quản trị dòng tiền tập trung và hiệu quả, nâng cao hiệu quả kiểm soát…

Ngành gỗ Đồng Nai đang tái cấu trúc để hướng sản phẩm về thị trường nội địa nhiều hơn
Ngành gỗ Đồng Nai đang tái cấu trúc để hướng sản phẩm về thị trường nội địa nhiều hơn

Bên cạnh áp lực tài chính, môi trường khó khăn 2 năm qua là cơ hội để bộc lộ nhiều điểm thiếu sót trong cách thức tổ chức của DN. Giờ đây, việc tái cấu trúc để sinh tồn được ưu tiên hàng đầu. Thực tế, trong quá trình phát triển, để tăng trưởng mạnh mẽ, các DN thường xuyên trải qua quá trình chuyển đổi toàn diện từ chiến lược đến vận hành. Khi môi trường kinh doanh trở nên thách thức trong năm 2023-2024, DN sẽ đối mặt với áp lực tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và giảm chi phí để có thể cạnh tranh trong thị trường khốc liệt.

Bối cảnh hậu đại dịch với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu kéo chậm đà phục hồi của nền kinh tế, kết hợp với lạm phát tăng cao, DN sẽ gặp áp lực mạnh mẽ về dòng tiền và tài chính. Do vậy, yêu cầu tái cấu trúc DN giai đoạn này sẽ có một số điểm khác biệt lớn so với trước đây. Đó là gia tăng về tần suất và quy mô tái cấu trúc đến nhiều DN từ nhỏ đến lớn.

Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) Võ Quang Hà chia sẻ, đây là thời điểm cần sự đoàn kết của các DN hơn bao giờ hết. Trong thời gian qua, Dowa đã tổ chức nhiều chương trình nhằm kết nối DN cũng như kiến nghị đến chính quyền địa phương, các bộ ngành những chính sách để trợ giúp phát triển ngành. Hiện nay, khi thị trường quốc tế đang co hẹp, ngành gỗ Đồng Nai tái cấu trúc theo hướng lấy thị trường nội địa để chăm lo hơn. Theo đó, khuyến khích DN giới thiệu những sản phẩm, xu hướng tiêu dùng thế giới đến người tiêu dùng trong nước, “kéo thế giới gỗ” về Đồng Nai. Đồng thời, từng bước phát triển bền vững, xây dựng nguồn nguyên liệu đạt các chứng chỉ cao nhất của thế giới.

Tương tự là ngành sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) là DN xuất thân từ Đồng Nai và đã trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế. Là điển hình thành công trong ngành ô tô, Thaco đang chọn hướng đầu tư mạnh vào cơ khí, linh kiện. Cùng với Thaco, nhiều DN khác ở Đồng Nai cũng như cả nước đang đẩy mạnh hợp tác với nhau để tăng cường năng lực nội sinh, hướng tới xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Đào Lê

Tin xem nhiều