Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi chơi chợ cá Sydney

Hà Lam
18:00, 06/10/2023

Ắt hẳn có nhiều người bảo rằng chợ cá vừa tanh vừa bẩn có gì mà chơi. Thế nhưng, chợ cá Sydney (Sydney fish market) mỗi năm đón xấp xỉ 3 triệu du khách nước ngoài đến tham quan, ăn uống, là một trong những điểm du lịch hàng đầu ở TP.Sydney (Australia), chỉ xếp sau nhà hát con sò Opera Sydney và cây cầu Harbour nổi tiếng.

Bên ngoài chợ cá Sydney nhìn khá khiêm tốn
Bên ngoài chợ cá Sydney nhìn khá khiêm tốn

Nằm cạnh cảng cá ở vịnh biển Blackwattle thuộc khu Pyrmont, cách trung tâm Sydney 2km về phía Tây, chợ cá Sydney phá vỡ mọi định kiến về nơi bán cá. Đây cũng là khu chợ cá lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau chợ cá Toyosu của Nhật Bản (trước đây là chợ Tsukiji).

* Đấu giá “ngược”

Lịch sử hình thành chợ cá Sydney cũng khá hấp dẫn. Đầu tiên, vào năm 1945 một nhóm chủ thuyền đánh bắt cá khu vực bờ biển bang New South Wales đã bàn bạc và thống nhất hợp tác xây dựng chợ cá tại ngoại ô Sydney để làm địa điểm buôn bán hải sản đánh bắt được, 2 năm sau thì chợ chuyển về địa điểm hiện nay cho thuận tiện mua bán, hải sản đánh bắt được đưa về cảng cá và bán ngay trong ngày. Ngay từ thời đó, chợ cá đã dùng phương thức đấu giá để bán hàng, ai đưa ra mức giá cao nhất sẽ được mua lô hàng. Năm 1994, Công ty tư nhân Sydney Fish Market (SFM) được thành lập và đã độc quyền kinh doanh hải sản tại chợ suốt thời gian dài.

Nhưng đến năm 1999, chính quyền bang New South Wales ban hành chính sách nghiêm cấm buôn bán độc quyền dưới hình thức sở hữu tư nhân, có nghĩa là cư dân đánh bắt cá đều có thể trực tiếp tự bán sản phẩm của mình mà không phải thông qua bất cứ khâu trung gian nào. Điều này dẫn tới việc Công ty SFM không còn giữ được vị thế độc quyền kinh doanh như trước. Vì thế, công ty đã cải tiến phương thức, tiến hành đấu giá “ngược”, tức giá bán giảm dần từ cao đến thấp.

Đấu giá “ngược” tiến hành theo quy trình sau: nhân viên đấu giá thuộc Công ty SFM sẽ đặt giá sản phẩm cao hơn giá người bán quy định khoảng 3 AUD (đô la Úc), sau đó vặn một chiếc đồng hồ quay ngược, tương ứng mỗi vòng quay giá giảm đi 1 AUD. Người mua hàng theo dõi và biết được giá của món hàng đang là bao nhiêu, khi có người chấp thuận mức giá đưa ra, việc đấu giá thành công, đồng hồ dừng quay và đấu giá kết thúc. Cách thức này khiến cho việc buôn bán diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn, người mua được mua hàng với giá rẻ, không quá cao; người bán không bị ép giá, bán được hàng với giá mong muốn, đồng thời phương thức này vẫn giữ được sự cạnh tranh trong kinh doanh, không vi phạm luật. Trung bình mỗi ngày tại chợ có 2.700 thùng tương đương 50 tấn hải sản được bán ra, mỗi năm là trên 14.500 tấn với 500 loài hải sản khác nhau, phần lớn là hải sản trong nước, chỉ có khoảng 14,6% nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là từ New Zealand.

* Phong phú chủng loại hải sản

Nhìn từ bên ngoài, chợ cá Sydney khá khiêm tốn, nhưng bước vào bên trong ai không quen có thể choáng ngợp bởi hàng trăm quầy hải sản lúc nào cũng đông đúc tấp nập. Từ sáng sớm, những tàu cá chở hải sản vừa được đánh bắt ban đêm được đưa đến, đa phần số hàng được bán buôn cho những nhà cung cấp lớn, phần còn lại được đưa vào các quầy bán lẻ và quầy hàng chế biến đồ ăn tại chỗ. Vì thế, hải sản ở đây cứ tươi roi rói.

Gọi là chợ cá, nhưng trong chợ hầu như có đầy đủ các mặt hàng hải sản. Đủ loại cá tôm, cua, hàu, vẹm… bày trong tủ kính cho thực khách nhìn ngắm, chọn lựa thoải mái, dĩ nhiên trong đó cá chiếm phần lớn. Từ những con cá to khổng lồ như ocean tuna (cá ngừ đại dương) phải cắt ra từng khúc cho dễ bán, cho đến những loài cá khá giống ở Việt Nam như: cá thu nhật, cá sòng, cá hồng, cá mú, cá nhái, cá hồi, cá chẽm… và cả những loài cá lạ mắt tôi chưa từng thấy như: cá mặt trời, cá áo khoác (loài cá này không có vảy, lớp da giống như giấy nhám mịn, vây lưng có gai)… tất cả đều mới mẻ, tươi xanh. Theo thống kê số lượng cá bán ra tại chợ, dân Australia chuộng ăn nhất là các loài cá da trơn với thị phần chiếm 16,1%, kế đến là cá hồi chiếm 14,5%.

Tôi gọi một combo gồm càng cua hoàng đế hấp, tôm hùm nướng phô mai, mực chiên giòn ăn kèm với khoai tây chiên và một mớ ăn kèm như rong biển trộn, giá 75 AUD (khoảng 1,2 triệu đồng), nghe có vẻ đắt tiền nhưng ăn vừa ngon vừa nhiều, 2 người ăn mãi không hết. Thật đáng đồng tiền bát gạo!

Nhưng chiếm thị phần lớn nhất ở chợ cá không phải là cá, mà là… tôm hùm, lên đến 17,6%. Tôm hùm ở đây có nhiều loại, bé hơn tí xíu có crawfish, hoặc nhỏ hơn nữa là crayfish; có quầy để tôm hùm tươi nguyên, có quầy đã hấp chín đỏ au thật hấp dẫn. Món khoái khẩu kế tiếp là bào ngư và sò huyết, chiếm thị phần 12,2%. Chợ còn có vô số loài hải sản khác như hàu, cua, cua hoàng đế, mực ống, mực nang,  vẹm xanh New Zealand, sò điệp… loại nào nhìn cũng… hấp dẫn!

* Hấp dẫn khu ẩm thực

Thú thật, tôi không hiểu chợ được thiết kế hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh thế nào mà với hàng chục tấn hải sản lưu thông mỗi ngày nhưng hoàn toàn không có mùi tanh, cũng không thấy cảnh sàn nhà ướt át như thường thấy. Cả một khu chợ rộng lớn, ngoài các quầy hải sản còn có những gian hàng ăn uống, nếu không xử lý tốt, ai còn dám “đánh chén” ở nơi nặc nồng mùi tanh của tôm cá.

Quầy hàng tôm hùm, cua hoàng đế nhìn thật hấp dẫn

Đúng vậy, nếu chợ cá Sydney chỉ có hải sản tươi, có lẽ chưa đủ sức thu hút. Bên trong chợ, cạnh khu đấu giá có 6 cửa hàng kinh doanh ăn uống lúc nào cũng nhộn nhịp, nhất là vào giờ ăn trưa. Những người bán hàng rất biết gợi cơn thèm của khách khi vừa mới nhìn những con tôm hùm đỏ au bên đây, bên kia đã nghe mùi tôm nướng thơm nức mũi. Chợ cũng nổi tiếng với món hàu Sydney rock - một trong 6 loại hàu ngon nhất thế giới, không to nhưng vị béo và thịt mềm, ăn dễ ghiền khi được nướng với phô mai. Món ăn sẵn nhiều nhất ở đây có lẽ là sushi hải sản đủ loại với giá 3 AUD/miếng (khoảng 50 ngàn đồng); ai thích ăn hải sản sống thì luôn có sẵn sashimi các loại. Đặc biệt, ở đây có món donut sushi được tạo hình giống một chiếc bánh donut, gồm cơm trắng hoặc cơm gạo đỏ trộn ít giấm rồi nén chặt, topping trang trí rất đẹp mắt, sáng tạo, đầy màu sắc với các loại hải sản và rau củ quả, du khách lướt qua khó mà rời mắt; bánh tacos sushi với lớp vỏ bánh là lá rong biển chiên giòn để tạo độ dai, nhân bên trong là cơm và hải sản.

Nếu không thích ăn uống trong không gian chợ, du khách có thể bước ra phía cảng bên ngoài, có hàng dãy quán xá giá cả phải chăng, lại được vừa ăn vừa ngắm nhìn vịnh biển. Nhưng coi chừng, ở đây thường có “kẻ cướp” trắng trợn giữa ban ngày mà không ai báo cảnh sát, đó là những con chim mòng biển rình rình du khách sơ hở là chộp thức ăn ngay trên tay, có khi chúng nhầm lẫn tha luôn cả bóp, ví, “quá nhanh, quá nguy hiểm”!

Tại chợ cá Sydney, du khách hoàn toàn có thể tìm hiểu về nguồn gốc hải sản trong chợ, hoặc biết được những nhà hàng cao cấp trong thành phố đang lấy hàng từ đâu. Những tiểu thương bán tại chợ luôn niềm nở, vui vẻ giải đáp tất cả băn khoăn, thắc mắc của khách. Chợ cá Sydney cũng nổi tiếng bởi ngay trong chợ có hẳn một trường học dạy chế biến các món hải sản, đó là SSS Sydney Seafood School - một mô hình dạy nghề kết hợp thực tiễn thật hiệu quả. Mở cửa năm 1989, trường thu hút khoảng 13 ngàn học viên/năm, không chỉ đào tạo nghề đầu bếp mà còn giảng dạy, tổ chức hội thảo chuyên đề về thương mại, chế biến, quản lý hải sản và bảo vệ môi trường. Người Sydney thường đùa nhau rằng, chính ngôi trường này với việc đào tạo những đầu bếp tay nghề cao đã thuyết phục người Sydney ăn cá nhiều hơn thay cho thịt, tạo nên lối sống  lành mạnh.

Hà Lam

Tin xem nhiều