Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động:
Còn thiếu “sân chơi” cho người lao động

Lan Mai
20:51, 06/10/2023

Sống trong những khu nhà trọ chật hẹp xuống cấp, thiếu không gian giải trí sau giờ tan ca, đời sống tinh thần thiếu thốn… Đó là thực trạng chung hiện nay của người lao động (NLĐ) làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Đồng Nai.

Công nhân lao động đều mong có thiết chế văn hóa để giải trí. Trong ảnh: Gia đình công nhân sinh hoạt tại khu nhà trọ sau giờ tan ca tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.MAI

Là tỉnh tập trung đông lao động với gần 1,3 triệu người, song hiện nay, các thiết chế văn hóa dành cho công nhân còn hạn chế, đưa đáp ứng được mong muốn của NLĐ và sự phát triển của xã hội.

* Ít không gian giải trí

Chị Hà Thị Liên, công nhân ở trọ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, công nhân đi làm 6 ngày trong tuần, nếu tính cả tăng ca thì thời gian ở công ty chiếm khá nhiều, gần như không có thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động giải trí. Nếu muốn giải trí, luyện tập thể thao, tái tạo sức lao động lại không có không gian và địa điểm.

 “Ngày nào cũng như ngày nào, sau giờ tan ca chúng tôi chỉ biết tụ tập cùng nhau tại phòng trọ hoặc ngủ. Lương công nhân chi tiêu tằn tiện nên không thể đến các điểm du lịch hoặc khu giải trí dịch vụ. Không được vui chơi, giải trí khiến cuộc sống trở nên bức bối hơn” - chị Liên bộc bạch.

Còn công nhân Nguyễn Thị Mai, quê ở tỉnh Thanh Hóa cho biết, ở công ty, các hoạt động văn nghệ, thể thao không phải ai cũng được tham gia. Khi về đến nhà trọ, xung quanh không có không gian sinh hoạt cộng đồng, NLĐ đành nhốt mình trong phòng.

Trước nhu cầu bức thiết của NLĐ, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức Công đoàn cần quan tâm hơn đến việc nâng cao đời sống văn hóa công nhân, trong đó chú trọng xây dựng các công trình, khu vui chơi, tạo môi trường sống và làm việc lành mạnh, an toàn để NLĐ yên tâm gắn bó, an cư lạc nghiệp.

Nhu cầu được hưởng thụ văn hóa như chị Liên, chị Mai là nhu cầu chính đáng của nhiều NLĐ trong tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, thiết chế văn hóa dành cho công nhân trong các KCN còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của phần lớn NLĐ. Thiếu không gian văn hóa đang khiến nhiều công nhân không có nơi học tập, giao lưu, tập luyện thể thao và rất dễ bị “sa bẫy” vào các tệ nạn xã hội.

Anh Lê Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Saitex International (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho biết, để công nhân có sân chơi sau những giờ làm việc mệt mỏi, hàng năm công ty đều tổ chức ngày hội thể thao với nhiều nội dung thi để công nhân giải trí. Khi chứng kiến NLĐ hò reo tham gia các phần thi mới thấy hết được niềm vui của NLĐ sau những giờ lao động mệt mỏi.

Theo anh Bình, nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của NLĐ rất lớn nhưng tại các KCN vẫn chưa có những trung tâm vui chơi, giải trí dành cho công nhân sau giờ làm việc hoặc vào ngày nghỉ. Nhiều công nhân mong muốn các cấp Công đoàn tỉnh quan tâm tổ chức nhiều sân chơi, giải trí vào ngày cuối tuần.

Bên cạnh đó, sớm đề xuất địa phương bố trí quỹ đất xây dựng không gian văn hóa cộng đồng gần các KCN, tạo điều kiện cho NLĐ học tập, giao lưu, nâng cao kiến thức xã hội. Đây cũng là cơ sở để NLĐ cân bằng cuộc sống, tái tạo sức lao động, xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh.

* Cần có thiết chế văn hóa riêng cho công nhân

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, nhiệm kỳ 2018-2023, bên cạnh việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho NLĐ, việc đẩy mạnh đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân được Công đoàn các cấp chú trọng. Theo đó, Công đoàn thường xuyên phối hợp với chính quyền, các ngành, doanh nghiệp tổ chức đa dạng hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho NLĐ.

Nhiều chủ doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa dành cho NLĐ khá quy mô, như ký túc xá, nhà trẻ, siêu thị, khu sinh hoạt văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao..., đáp ứng nhu cầu của NLĐ. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) cho biết, với lợi thế công ty có khu vực giải trí cho công nhân nên hàng năm, Công đoàn đều tổ chức nhiều hội thi, phong trào thể thao thu hút đông đảo công nhân tham gia.

Mặc dù việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ đã được quan tâm nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của phần lớn NLĐ. Các hoạt động chưa thường xuyên, chưa mở rộng để nhiều NLĐ có thể tham gia. Mặt khác, còn nhiều doanh nghiệp tập trung cho hoạt động sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí, chăm sóc sức khỏe và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân.

Công nhân tham gia hoạt động thể thao do Công đoàn tổ chức
Công nhân tham gia hoạt động thể thao do Công đoàn tổ chức

Bên cạnh đó, các công trình phục vụ hoạt động giải trí cho NLĐ hiện rất ít. Công nhân Trần Thị Mỹ, làm việc tại Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (H.Long Thành) cho biết, chị vào công ty làm việc được 4 năm nhưng chưa năm nào chị được tham gia hoạt động thể thao do Công đoàn công ty tổ chức. “Tôi mong có thêm nhiều sân chơi lành mạnh để được tham gia; mong có các thiết chế văn hóa mini gần nơi làm việc, khu nhà trọ tập trung đông công nhân để mỗi khi tan ca, NLĐ được vui chơi, giải tỏa căng thẳng” - chị Mỹ chia sẻ.

 Bà Nguyễn Thị Minh, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch) cho hay, đời sống văn hóa NLĐ vẫn còn rất hạn chế, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần NLĐ. Áp lực về việc làm, thu nhập và điều kiện ăn ở tạm bợ trong các khu nhà trọ của NLĐ là vấn đề cần được quan tâm. Vì vậy, địa phương cần tạo cơ chế, chính sách và điều kiện về cơ sở vật chất để NLĐ được tái tạo sức lao động. Từ đó, xây dựng đội ngũ NLĐ có đời sống văn hóa phong phú, có sức khỏe tốt, đáp ứng yêu cầu công việc.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, NLĐ tại các KCN hiện nay đa phần là những người trẻ, nhu cầu được hưởng thụ văn hóa tinh thần rất cao. Đây cũng là đối tượng được các cấp Công đoàn xác định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong thời gian tới nhằm tạo động lực để NLĐ phát huy vai trò trong thi đua sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Lan Mai

Tin xem nhiều