Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ câu thơ của Xuân Diệu đến câu thơ của Vũ Hoàng Chương

Trần Chiêm Thành
09:38, 02/09/2023

Cách mạng Tháng Tám “trời long đất lở” và Ngày Độc lập 2-9-1945 mang lại cảm xúc khó lặp lại với tất cả mọi người và với nhà thơ nói riêng. Nếu như Tố Hữu có ngay bài Vui bất tuyệt thì mãi đến hai năm sau, tháng 8-1947, “vua thơ tình” Xuân Diệu mới sáng tác bài thơ Nhớ mùa Tháng Tám:

Cờ đỏ sao vàng… Tháng Tám bốn mươi nhăm

Nhà hát lớn… mùa Thu cách mạng

Hà Nội thủ đô… Việt Minh Mặt trận

Tự do Độc lập… Dân chủ Cộng hòa

Những tiếng thần, réo rắt mãi lòng ta

Nhớ hỡi nhớ, khóc òa vui biết mấy

Tiếng reo vui theo nhịp bước quân hành sau thắng trận, bỗng dịu dàng:

“Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy

Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”.

Câu thơ đặt trong ngoặc kép và nhận ra là Xuân Diệu đã “cải biên” vài chữ trong 2 câu thơ nổi tiếng của Thế Lữ trong bài Lời than thở của nàng mỹ thuật: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”. Bài thơ 44 câu, ghi tặng họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, có bản in Ngàn năm chưa dễ đã ai quên, sáng tác năm 1941.

Cuối bài, Xuân Diệu diễn đạt ngay sở trường thơ tình của mình, tình cách mạng không khác tình yêu bao nhiêu:

Lòng tiết trinh vui trong tiệc sáng lòa

Tình nguyên thủy vẫn hãy còn run rẩy.

Và nhà thơ “kết” cũng bằng việc lặp lại hai câu: “Cái thuở ban đầu Dân quốc ấy/ Nghìn năm chưa dễ đã ai quên”.

Cùng chiếu Thi nhân Việt Nam 1930-1945, 2 nhà thơ không ngại ngần và tôn trọng nhau, mượn câu thơ lột tả niềm vui Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Nhà thơ cùng thời, Vũ Hoàng Chương. Nói đến ông, người ta nhớ ngay đến Đời vắng em rồi say với ai, Say đi em… hoặc bi phẫn ngâm nga “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi chơ vơ”; nhưng ít ai biết rằng, nói như GS - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai (đã mất), Vũ Hoàng Chương có bài thơ về Cách mạng Tháng Tám đầy hình ảnh và được coi là một trong những bài thơ hay về sự kiện lịch sử này. Đó là bài Nhớ về Hà Nội vàng son, cũng viết năm 1947 như Xuân Diệu. Vũ Hoàng Chương tái hiện:

Ôi ngày mười chín, ngày oanh liệt

Sóng đỏ hoa vàng khắp bốn phương

Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt

Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương

Ba mươi sáu phố phường ngày hôm ấy

Là những nhành sông đỏ sáng cờ

Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại

Năm cánh hoa xòe trên năm cửa ô

Câu khẩu hiệu đi vào bài thơ tự nhiên:

Chen tiếng hoan hô này khẩu hiệu

Muôn năm Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Sao vàng năm cánh trên Quốc kỳ như năm cánh hoa xòe trên năm cửa ô là hình ảnh Vũ Hoàng Chương “độc quyền” như bài Tiến quân ca của Văn Cao và chỉ Văn Cao.

Vị trí trên thi văn đàn hai nhà thơ Xuân Diệu và Vũ Hoàng Chương khác nhau, nhưng với Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cùng tầm đứng. Thế Lữ xuất hiện với 2 câu thơ Xuân Diệu cẩn thận đặt trong ngoặc kép, cả Xuân Diệu và Thế Lữ cùng vui; một lẽ khác, họ cùng trong Tự lực Văn đoàn và cùng theo cách mạng.

Trần Chiêm Thành

Tin xem nhiều