Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vị thế đầu tàu kinh tế Việt Nam

Hương Giang
09:46, 09/09/2023

Đông Nam bộ (ĐNB) là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam nên có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Những năm qua, ĐNB luôn là vùng năng động, thu hút được nhiều dự án trong nước, nước ngoài, giúp thu nhập người dân tăng cao và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Kết nối giao thông vùng là một trong những giải pháp chính tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế Đông Nam bộ
Kết nối giao thông vùng là một trong những giải pháp chính tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế Đông Nam bộ

Năm 2022, GRDP vùng ĐNB chiếm khoảng 31% cả nước, thu ngân sách khoảng 38% cả nước, thu nhập bình quân đầu người của vùng gấp 1,64 lần cả nước. Mục tiêu của ĐNB là sẽ liên kết vùng tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh.

* Dẫn đầu trong tăng trưởng xanh

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước nên nhiều năm qua, vùng ĐNB đã luôn đặt ra mục tiêu là phát triển năng động để trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ. Đồng thời, ĐNB là nơi có giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ĐNB thực hiện liên kết  với các vùng kinh tế khác trên cả nước để cùng hỗ trợ nhau phát triển, vững vàng tham gia vào hội nhập sâu.

Khoảng 5 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của ĐNB có xu hướng chậm lại do một số vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. Vì đây là vùng kinh tế có tốc độ đô thị hóa nhanh nên nhiều luật, nghị định, thông tư sau thời gian áp dụng không theo kịp xu hướng phát triển, xảy ra những điểm nghẽn. Do đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành. Nghị quyết đã mở ra những không gian phát triển cho cả vùng trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết 24 đề ra đến năm 2030, vùng ĐNB có dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP; công nghiệp - xây dựng 45,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70-75%.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, Nghị quyết 24 định hướng phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho từng lĩnh vực, hướng đến một nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững. Đồng thời, đặt ra mục tiêu ĐNB tham gia các công đoạn cao nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề vùng ĐNB cần sớm thực hiện là quy hoạch các tỉnh, thành nằm trong tổng thể định hướng quy hoạch vùng và phải tính toán để hình thành các tiểu vùng. Trong đó, tiểu vùng trung tâm gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong hơn 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, ĐNB là khu vực chịu tác động nặng nề nhất cả nước. Tuy nhiên, ĐNB vẫn tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao.           

Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cả nước. Ảnh: H.Giang
Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất cả nước. Ảnh: H.Giang

Theo bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tham gia vào phát triển bền vững. Trong đó, vùng ĐNB với vai trò đầu tàu đã tiên phong trong nắm bắt các nguồn lực của xã hội để tham gia vào sản xuất xanh, giảm phát thải và đã gặt hái được những thành công nhất định. Trong thời gian tới, ĐNB sẽ tiếp tục là nơi đón được nhiều dòng vốn xanh.

* Hình thành vùng động lực quốc gia

ĐNB là khu vực có kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Đồng thời, đây cũng là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm hơn 41% tổng vốn FDI của cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt 67%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại. Thu nhập bình quân đầu người của vùng cũng cao nhất. Vì thế, ĐNB trở thành vùng động lực quốc gia với mục tiêu giai đoạn 2021- 2030 đạt mức tăng GRDP bình quân khoảng 8-8,5%/năm. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng/năm, về cơ cấu kinh tế tập trung phát triển dịch vụ và công nghiệp - xây dựng.

Mục tiêu của vùng ĐNB là trong giai đoạn 2021-2030 sẽ hoàn thành đường vành đai 3, vành đai 4 - TP.HCM, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn l.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để vùng ĐNB phát triển hơn nữa, cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Bên cạnh đó, vùng ĐNB cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để thu hút các dự án lớn trong nước và nước ngoài. 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, ĐNB muốn trở thành đầu tàu mạnh trong phát triển kinh tế thì phải ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển sẽ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế. Và ĐNB là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài với dự án vốn lớn trên nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản, năng lượng…

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam cho hay: “ĐNB là khu vực thu hút nhiều doanh nghiệp Đức và châu Âu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Các dự án của nhà đầu tư Đức hầu hết có công nghệ hiện đại. Tới đây, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, các đường cao tốc, vành đai xây dựng xong kết nối tới cảng biển, hàng không thuận lợi, Đồng Nai và các tỉnh, thành khác trong vùng ĐNB sẽ là nơi đón dòng vốn xanh của doanh nghiệp Đức cũng như nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ”.

Vào giữa tháng 7-2023, Chính phủ đã tổ chức hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐNB để công bố quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Chủ tịch hội đồng. Mục đích là để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng đảm bảo đồng bộ, nhất quán, hiệu quả phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhiều chuyên gia kinh tế, tập đoàn đa quốc gia kỳ vọng Hội đồng Điều phối vùng ĐNB sẽ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo cơ chế chính sách thông thoáng để phát huy các lợi thế trở thành vùng kinh tế năng động hàng đầu ASEAN.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều