Theo Nghị quyết A/RES/45/106 của Đại hội đồng LHQ ngày 14-12-1990, ngày 1-10 hàng năm là Ngày quốc tế Người cao tuổi. Vào những ngày này, cả thế giới đều chung lòng, chung cảm xúc về vị thế của người cao tuổi trong cộng đồng, theo cách của mình.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Nguyễn Thị Kim Liên chúc mừng cụ bà thọ bách tuế ở H.Tân Phú vào ngày 29-7-2017 |
Ở Việt Nam, theo truyền thống của dân tộc, người cao tuổi luôn được xã hội trân trọng, tôn kính, xem là biểu tượng của đạo lý, nhân văn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao công sức đóng góp của người cao tuổi trong việc góp phần xây dựng nước nhà: “Tuổi già nhưng chí không già. Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh” (mùng 1 Tết Nhâm Dần, tức ngày 5-2-1962). Năm 1947, từ chiến khu đại ngàn, Bác Hồ đã có thơ động viên các lão du kích Cao Bằng: “Tuổi cao chí khí càng cao/ Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/ Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/ Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đúc kết truyền thống “Cây cao bóng cả” của người cao tuổi Việt Nam: Chí khí cao - Hăng hái - Gương mẫu - Cống hiến lớn. Năm nay, ngày 1-10 lại đến, ngoài việc ôn lại truyền thống, thêm một vấn đề cần suy tư: Người cao tuổi cần sống với nhịp sống như thế nào trong thời đại vũ bão 4.0?
Vì sao nêu ra vấn đề này? Bởi vì, thời nay, công nghệ, truyền thông, toàn cầu hóa cuốn hút con người vào lối sống “thế giới phẳng” (lấy nhanh làm mục tiêu). Lợi ích và hiện đại hóa thúc đẩy con người đi đến mức sống, nếp sống “cạnh tranh” (lấy nhiều làm thước đo). Sự sống yêu cầu con người sống vui, khỏe, phù hợp với quy luật tự nhiên và môi trường thiên nhiên (lấy sự hài hòa làm chuẩn). Mahatma Gandhi từng nói: “Cuộc sống còn có nhiều cái quan trọng hơn là tăng tốc”. Có quan điểm sống của người cao tuổi thức thời: “Sống chậm mới là thời thượng. Việc kiểm soát nhịp độ cuộc sống của ta khiến ta không chỉ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, mà còn mạng lại một phong cách sống hiệu quả và xứng đáng”.
Gần đây, nhiều người cao tuổi tìm đọc cuốn sách Ngợi ca cuộc sống chậm của Carl Honoré. Nội dung cuốn sách có 4 luận điểm đáng chú ý: 1. Theo nhịp trái đất (nhịp tim ứng với chu kỳ thời gian trái đất quay). 2. Hợp quy luật tự nhiên (vận hành năng lượng trong cơ thể người). 3. Trao đổi năng lượng với tự nhiên (Quan niệm phương Đông: Trời đất là đại ngã quan hệ mật thiết với mỗi người tiểu ngã). 4. Người cao tuổi phù hợp với nhịp sống chậm (cơ - khớp - tim mạch).
Từ cuộc sống, triết lý về sống chậm dường như đã hình thành. Sách cổ bằng đá hơn 2 ngàn năm trước có ghi: “Điều độ là bí quyết của trường thọ”. Người nghèo cũng có thể trường thọ. Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu nêu quan điểm: “Sống khỏe chứ không phải chỉ để sống lâu”. Bí quyết sống lâu của cụ Li Ching Yun (1736-1933, Tứ Xuyên, Trung Quốc): “Giữ cho trái tim thanh thản, ngồi giống một con rùa và ngủ như một chú cún”. Trường hợp cụ ông Lê Văn Nhạc (1900-1912) ở xã Long Tân, H.Nhơn Trạch cùng vợ kém ông 10 tuổi sống một đời sống nghèo khó, lao động vất vả nhưng điều độ, lạc quan, an lòng, không phải lo nghĩ gì.
Người cao tuổi Việt Nam có tỷ lệ, tuổi thọ ngày càng cao, như cụ bà Nguyễn Thị Trù 121 tuổi. Cặp vợ chồng cao tuổi nhất: cụ bà Trần Thị Cháu (sinh ngày 18-10-1908) - 106 tuổi và cụ ông Trương Triêm (sinh ngày 15-10-1910) - 104 tuổi. Ở Đồng Nai, theo số liệu chưa đầy đủ, có hơn 100 cụ thọ bách tuế, như cụ ông Nguyễn Văn Liềm ở xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch sống qua 106 tuổi (ông mất năm 2022). Tất thảy cụ ông, cụ bà qua tuổi bách tuế đều sống trong cuộc sống an lành, thanh thản với nhịp sống chậm thuận tự nhiên.
Tuy nhiên, người cao tuổi Việt Nam hiện sống trong điều còn nhiều hạn chế nên tuổi thọ nhiều trắc trở. Đa phần người cao tuổi Việt Nam suy giảm thể chất do thiếu dinh dưỡng, do hoạt động không phù hợp; rất nhiều trường hợp bị cao áp, suy khớp, bệnh tim mạch. Thiết chế xã hội và gia đình chưa phù hợp, mức sống thấp nên nhiều người cao tuổi không được nghỉ ngơi, phải tiếp tục lao động kiếm sống, nhiều người phải nhờ đến trại dưỡng lão.
Trong khi điều kiện xã hội và môi trường sống dần được cải thiện, người cao tuổi Việt Nam ta tự “cứu lấy mình” bằng cuộc sống của chính mình theo nhịp sống chậm thuận tự nhiên. Có thể theo phương châm của lương y Tuệ Tỉnh: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Kinh nghiệm nhiều người, nhiều đời cùng với kết quả nghiên cứu khoa học đã đúc kết thành 9 bí quyết ai cũng có thể thực hiện được: “Hít - thở - ăn uống - ngủ nghỉ - giao tiếp - đi lại - công việc - suy nghĩ - nghe nhìn - tập luyện”, thảy đều lấy “nhịp sống chậm” và điều độ làm căn bản.
Huỳnh Văn Tới
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin