Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Quốc Hưng: Mỗi tác phẩm là một thông điệp nhân văn

Hải Yến
09:34, 30/09/2023
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Quốc Hưng. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Quốc Hưng đến với nhiếp ảnh sau khi đã công tác trong ngành Y tế được 10 năm. Kết hợp hai tình yêu lớn này, ông đã có nhiều tác phẩm ảnh xuất sắc, đoạt giải cao và góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe.

Với Phạm Quốc Hưng, mỗi bức ảnh là một thông điệp nhân văn. Những mảng đề tài lớn trong các sáng tác của người nghệ sĩ này là: Trẻ thơ, y tế, môi trường. Trên 90% các tác phẩm đoạt giải của ông là những sáng tác gắn liền với H.Tân Phú, nơi ông cùng gia đình sinh sống.

* Ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc

Tốt nghiệp trung cấp y sĩ, năm 1980, chàng trai Phạm Quốc Hưng về công tác tại Trạm y tế TT.Tân Phú (H.Tân Phú). “Đến năm 1990, tôi quen với “nhà tôi” nên muốn chụp ảnh để lưu lại kỷ niệm đẹp, những nơi mà tôi và vợ cùng nhau đi qua. Tôi đã mua một chiếc máy ảnh và chân máy để tự chụp hình làm kỷ niệm. Cho đến khi kết hôn, có con, tôi vẫn tiếp tục chụp hình để lưu giữ lại những sinh hoạt trong gia đình” - NSNA Phạm Quốc Hưng cho hay.

Từ ý định ban đầu là chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình, tình yêu với nhiếp ảnh đã lớn dần trong chàng y sĩ đậm chất nghệ sĩ này. Nhiếp ảnh cũng trở thành “nghề tay trái” giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập. Tiệm ảnh Ô Mai - tên người con gái đầu lòng của ông đã trở thành điểm đến quen thuộc, nơi lưu giữ kỷ niệm của rất nhiều người dân ở H.Tân Phú.

Theo ông, để có một tác phẩm ưng ý, trước khi đi chụp, người NSNA phải hiểu về chiếc máy ảnh mà mình sử dụng, lựa chọn máy phù hợp. Điều quan trọng hơn cả là NSNA phải nuôi cảm xúc, đặt tình yêu vào từng khoảnh khắc, không ngại nắng mưa…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Quốc Hưng hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Đồng Nai.

Ông tâm bày tỏ: “Trong nhiếp ảnh, có một điều mà người nghệ sĩ phải chuẩn bị trước đó là tình yêu, phải yêu nhiếp ảnh, yêu gia đình, yêu những người chung quanh, yêu quê hương mình... Đó chính là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tác của người nghệ sĩ”.

Thực tế, sự nghiệp nhiếp ảnh đã chứng minh cho quan điểm sáng tác này của ông. NSNA Phạm Quốc Hưng cho biết, có đến 99% tác phẩm đoạt giải của ông là những sáng tác gắn liền với thiên nhiên, con người H.Tân Phú - nơi mà gia đình ông đang sinh sống. “Tình yêu gia đình, tình yêu với mảnh đất nơi mình gắn bó là nguồn cảm hứng lớn nhất cho các đề tài sáng tác của tôi. Nhưng nếu chỉ có tình yêu không thôi thì sẽ chưa đủ. Mình phải hiểu và phải đi sâu, phải sống cùng với những tác phẩm của mình” - NSNA Phạm Quốc Hưng nói thêm.

* Những thông điệp nhân văn

Công tác trong ngành Y tế nên NSNA Phạm Quốc Hưng có rất nhiều tác phẩm gắn liền với tính chất công việc của mình. Hiểu rõ công việc của nhân viên y tế cộng đồng và nhìn qua lăng kính của nghệ thuật nhiếp ảnh đã mang lại cho ông nhiều thành công. Ông có nhiều tác phẩm đoạt giải cả trong nước lẫn quốc tế ở mảng đề tài sáng tác này. Một số tác phẩm của ông được ngành Y tế sử dụng trong công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tác phẩm Niềm vui của cha ngày tiêm chủng: Bình đẳng - chia sẻ trách nhiệm gia đình với phụ nữ, tác phẩm đoạt giải ba cuộc thi ảnh UN75 - Tương lai tôi muốn - cuộc thi do LHQ tại Việt Nam tổ chức. Ảnh: Phạm Quốc Hưng
Tác phẩm Niềm vui của cha ngày tiêm chủng: Bình đẳng - chia sẻ trách nhiệm gia đình với phụ nữ, tác phẩm đoạt giải ba cuộc thi ảnh UN75 - Tương lai tôi muốn - cuộc thi do LHQ tại Việt Nam tổ chức. Ảnh: Phạm Quốc Hưng

Ông chia sẻ: “Có rất nhiều ấn tượng, kỷ niệm trong đời tôi về nhiếp ảnh và y tế. Trong đó, tôi đã nhận được 3 bằng khen của Bộ Y tế vì những đóng góp trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Đây là niềm vinh dự, nguồn động viên cho một cán bộ y tế cơ sở như tôi; đồng thời góp phần quan trọng trong truyền thông giáo dục sức khỏe”.

NSNA Phạm Quốc Hưng cho rằng, các tác phẩm nhiếp ảnh nên mang tính phổ thông, không cao siêu để người xem dễ cảm nhận. Mỗi tác phẩm nhiếp ảnh không chỉ cần vẻ đẹp bề ngoài mà phải mang tính truyền thông; chuyển tải cho người xem một thông điệp rõ ràng, nhân văn; giúp người xem thay đổi nhận thức, hành vi. Chẳng hạn, bức ảnh Niềm vui của cha ngày tiêm chủng: Bình đẳng - chia sẻ trách nhiệm gia đình với phụ nữ đã giúp thay đổi nhận thức của người chồng là phải có trách nhiệm chia sẻ với vợ trong việc chăm sóc con. Sau khi tác phẩm này được công bố, ở địa phương ông, nhiều người cha đã tích cực đưa con đi tiêm phòng hơn hẳn so với trước.

Môi trường cũng là một trong những đề tài lớn trong các sáng tác của NSNA Quốc Hưng. Ông có nhiều tác phẩm về Vườn quốc gia Cát Tiên với thông điệp mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ thú rừng.

Hiện nay, khi đã nghỉ hưu, hàng ngày, ông và vợ vẫn “đèo” nhau trên chiếc xe máy, ra khỏi nhà từ sáng sớm đến gần trưa mới về. Đó là thời gian 2 ông bà cùng nhau đi dạo và cũng là thời gian để ông “săn ảnh”.

NSNA Phạm Quốc Hưng mong muốn bộ môn nhiếp ảnh có thể được đưa vào trong trường học như là hoạt động ngoại khóa. Ông sẵn sàng dành thời gian để nói chuyện về nhiếp ảnh với học sinh các trường THPT, hướng dẫn cho học sinh đến với bộ môn nghệ thuật này. Bản thân ông cũng đã tặng một số máy ảnh cho các bạn trẻ có đam mê nhiếp ảnh để tạo điều kiện cho họ đến với bộ môn này.

Hải Yến

Tin xem nhiều