Báo Đồng Nai điện tử
En

Gửi gắm kỳ vọng vào năm học mới

Thành Nam
10:17, 02/09/2023

Ngày 5-9 sắp tới trên 720 ngàn học sinh của tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Đây cũng là năm thứ 4 toàn ngành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Giáo viên Trường mầm non Đại Phước (xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch) vui chơi cùng trẻ
Giáo viên Trường mầm non Đại Phước (xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch) vui chơi cùng trẻ. Ảnh: T.NAM

Không chỉ các em học sinh, các bậc phụ huynh mà toàn xã hội đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào ngành GD-ĐT sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo của tỉnh cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ có thêm những chính sách mới, quan tâm nhiều hơn đến đời sống và thu nhập cho những người gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Chia sẻ nỗi lo của phụ huynh

Năm học mới này chị Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có con bước vào lớp 3. Chị  bày tỏ rất phấn khởi vì con được chuyển về học tại Trường tiểu học Tân Phong 2, một ngôi trường mới xây dựng và kịp hoàn thành trong năm học mới, chủ yếu dành cho các em học sinh thuộc KP.11 của P.Tân Phong. Chị Kim Anh chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi nhìn thấy con mình được bước vào một ngôi trường mới cách nhà chỉ 500m. Điều kiện ở ngôi trường mới cũng khang trang, rộng rãi hơn nhiều so với ngôi trường trước đây và sĩ số học sinh/lớp cũng không quá đông như trước. Tôi tin là khi chuyển về trường mới con sẽ có điều kiện học tập tốt hơn”.

Năm học mới này nhiều phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) rất vui mừng vì đã có thể chấm dứt được cảnh phải chở con đi học nhờ ở phường khác. Lý do là bởi, sau nhiều năm chờ đợi, năm nay TP.Biên Hòa đã hoàn thành xây dựng cho trường một khối phòng học mới khang trang, có cả Phòng Tin học dành cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Anh Lê Khánh Bình, phụ huynh ở KP.5 (P.Long Bình) cho hay: “Trước năm học nghe tin con không phải đi học nhờ ở một trường bên P.Bình Đa tôi rất vui, chấm dứt cảnh ngày ngày đưa đón từ phường này qua phường khác rất vất vả”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Không để học sinh nào vì khó khăn mà bỏ học

Năm nay phụ huynh đưa con đến trường bước vào năm học mới với rất nhiều khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và vấn đề thiếu việc làm. Vì vậy các trường phải bớt rườm rà đồng phục, không được tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định, quan tâm rà soát những trường hợp học sinh khó khăn để hỗ trợ kịp thời, không để trường hợp học sinh nào vì khó khăn mà bỏ học.

Một trong những vấn đề được rất nhiều phụ huynh quan tâm lo lắng, nhất là những phụ huynh có con học Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, đó là sách giáo khoa giá cao hơn và có nhiều bộ sách mới thậm chí còn khan hiếm trên thị trường. Thế nhưng trước thời điểm học sinh tựu trường tình hình khan hiếm sách cơ bản đã được giải tỏa. Chị Đào Thị Kim Phượng (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi đã phải đi tới đi lui 2 lần mới mua đủ cho con một bộ sách giáo khoa lớp 8 theo chương trình giáo dục mới. Giá bộ sách theo chương trình mới tuy có cao hơn nhiều so với bộ sách cũ nhưng cũng an ủi là nhờ tỉnh có chương trình bình ổn giá nên đã được giảm 10%, còn với tập vở cũng được giảm 5%”.

Ngoài những tâm trạng lo lắng, hồi hộp khi con chuẩn bị vào năm học mới 2023-2024, thì năm học này phụ huynh có con học ở các trường công lập lại được dịp gác lại nỗi lo tăng học phí. Theo chỉ đạo của Chính phủ, thì năm học 2023-2024 này các trường công lập sẽ không tăng học phí.

Hiện nay Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh  trình HĐND tỉnh về chính sách giữ nguyên mức thu học phí như năm học trước đây. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết: “Việc trình HĐND tỉnh về chính sách không tăng học phí đối với năm học sắp tới là một thủ tục cần thiết vì Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng học phí các trường công lập. Đối với các trường ngoài công lập tự chủ tài chính, Sở GD-ĐT cũng có hướng dẫn không được tăng học phí quá 10% so với năm học trước đó nên phụ huynh có thể an tâm”.

Giáo viên kỳ vọng môi trường làm việc tốt hơn

Ngành GD-ĐT đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức khi năm học 2023-2024 đã là năm thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Đó là những thách thức khi nhiều năm lời hứa giáo viên có thể sống được bằng lương chưa được thực hiện, áp lực thực hiện chương trình mới ngày một lớn hơn với giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi. Không dừng lại ở đó, trong một vài năm trở lại đây, ở Đồng Nai đã có tình trạng giáo viên xin nghỉ việc, khó tuyển giáo viên mới. Những thách thức này nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong những năm tới.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.Biên Hòa cho hay, năm học vừa qua trường có 3 viên chức từng gắn bó lâu năm với trường xin nghỉ việc. Dù nhà trường đã thuyết phục nhiều lần và tìm đủ mọi cách để giữ chân những viên chức ở lại gắn bó với trường nhưng không được. Theo hiệu trưởng nhà trường, nguyên nhân quan trọng khiến viên chức phải lựa chọn con đường rời khỏi ngành chính là thu nhập chưa đủ sống. Vì vậy muốn đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học thì phải có chính sách cải cách mạnh mẽ về tiền lương.

Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên mầm non Trường mầm non Hoa Mai (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, cô có quá trình 10 năm công tác nhưng mức lương hiện tại chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng. Mức lương này mà cả gia đình lại sống ở thành thị thì khó đảm bảo được cuộc sống tối thiểu nếu không có sự hỗ trợ thêm.

Cô Phương chia sẻ thêm: “Giáo viên mầm non vất vả hơn nhiều giáo viên các bậc học khác khi mỗi ngày phải làm việc từ 6 giờ 30 đến gần 5 giờ chiều mới được nghỉ. Ngay cả buổi trưa cũng không có thời gian nghỉ vì phải chăm cho trẻ ăn rồi ngủ trưa. Nhiều khi còn phải vừa trông trẻ ngủ vừa phải ngồi làm đồ dùng dạy học”.

Liên quan đến xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên khó khăn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, Đồng Nai có trên 30 ngàn cán bộ, giáo viên đang công tác ở các trường công lập, lớn gấp nhiều lần so với ngành Y tế. Nếu xây dựng chính sách hỗ trợ tất cả giáo viên như với ngành Y tế đã được hưởng thì ngân sách tỉnh khó đáp ứng. Do đó, Sở GD-ĐT đang khẩn trương rà soát phân loại đối tượng giáo viên thực sự cần hỗ trợ, tránh chuyện cào bằng tạo thêm khó khăn cho ngân sách.

Thành Nam

Tin xem nhiều