Báo Đồng Nai điện tử
En

GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên giảng viên cao cấp Trường đại học Cần Thơ, chuyên gia về cây sầu riêng:
Cơ hội và thách thức cho cây trồng đang “hot” nhất hiện nay

Bình Nguyên
09:55, 16/09/2023
 

GS-TS TRẦN VĂN HÂU, nguyên giảng viên cao cấp Trường đại học Cần Thơ là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về cây sầu riêng. Ông cũng là tác giả của nhiều tập sách về kỹ thuật trồng sầu riêng cũng như về lĩnh vực trồng trọt.

GS-TS Trần Văn Hâu đã có nhiều chia sẻ về câu chuyện phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu cho ngành sầu riêng Việt Nam, cây trồng đang “hot” và thuộc tốp đầu về giá trị kinh tế hiện nay.

Cây trồng khó tính

* Thưa ông, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới về cây sầu riêng?

- Sầu riêng trên thế giới chủ yếu trồng ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 về diện tích và sản lượng sau Indonesia (gần 1,4 triệu tấn), Thái Lan (hơn 1,2 triệu tấn).

Thời gian qua, Việt Nam phát triển rất nhanh cây trồng này khi năm 2017 cả nước có 37 ngàn ha thì đến năm 2022 đã tăng lên 110,3 ngàn ha. Trong đó, có hơn 54 ngàn ha cho thu hoạch với sản lượng gần 850 ngàn tấn. Bình quân mỗi năm, diện tích sầu riêng của Việt Nam tăng 24,5%.

Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam còn rất lớn vì Indonesia tuy đứng đầu về diện tích nhưng chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Hiện Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới và là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, họ đã bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu cây trồng này và đầu tư vùng trồng sầu riêng ở đảo Hải Nam (TP.Tam Á). Dự kiến tháng 6-2023, sản lượng thu hoạch đạt hơn 2,4 ngàn tấn nhưng thực tế chỉ thu hoạch được 50 tấn. Việc Trung Quốc đầu tư trồng sầu riêng không thành công nên không lo thị trường này sẽ giảm nhập khẩu sầu riêng.

* Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của ngành sầu riêng Việt Nam trong thời gian tới?

- Vụ thu hoạch năm nay, giá sầu riêng quá lý tưởng, người nông dân đạt lợi nhuận rất cao. Đây là cơ hội người nông dân đang nắm bắt. Ngoài ra, thuận lợi về thị trường là nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, chế biến, xuất khẩu mặt hàng trái cây này. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch lập kỷ lục về mức tăng trưởng với dự kiến xuất khẩu đạt từ 1,2-1,5 tỷ USD, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2022.

Tuy nhiên, về thách thức cũng rất nhiều. Thứ nhất là đầu ra của thị trường sầu riêng hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy là thị trường lớn nhưng rủi ro rất cao khi chỉ cần có sự biến động ở thị trường này thì đầu ra sẽ bị tắc. Muốn giải quyết vấn đề này, nông dân không thể làm được mà cần vai trò của Nhà nước. Thứ hai là nông dân mở rộng diện tích trồng sầu riêng nhưng thiếu kinh nghiệm nên trái bị sượng không bán được. Trồng sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật cao nên trồng đạt năng suất cao đã khó, trồng ra chất lượng ngon lại càng khó. Ví dụ, hiện nay một số bà con trồng sầu riêng Musangking đang muốn đốn bỏ vì giống này bị sâu bệnh nhiều, trái thu hoạch bị sượng. Ở đây cần vai trò của Nhà nước, cơ quan khuyến nông hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc để làm ra sầu riêng chất lượng cao.

* Ông có nhận xét như thế nào về vùng trồng sầu riêng tại Đồng Nai?

- Với diện tích gần 11,4 ngàn ha, Đồng Nai đang đứng đầu khu vực Đông Nam bộ, đứng thứ 4 cả nước về diện tích. Đồng Nai hiện có 2 vùng trồng chính ở các huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh và đa số nông dân có kinh nghiệm trồng cây.

Qua việc đi khảo sát, tôi thấy Đồng Nai có đặc điểm đất cao nên một số bà con làm vườn trồng sầu riêng như trồng cà phê tức là trồng âm dưới đất để tiết kiệm tưới nước. Nhưng đặc điểm của cây sầu riêng là rất dễ bị thối rễ nên nhiều vườn gặp tình trạng bệnh thối rễ. Gần đây, tôi đi Thái Lan, Malaysia, tình trạng bệnh này cũng xuất hiện phổ biến. Thách thức xử lý bệnh trên cây sầu riêng phải khắc phục, đặc biệt là những bà con trồng mới nên quan tâm thiết kế vườn trồng, chăm sóc đạt năng suất, chất lượng tốt. Chính vì vậy, tôi đã viết nhiều tài liệu về kỹ thuật trồng sầu riêng.

GS-TS Trần Văn Hâu (giữa) trao đổi với nông dân trồng sầu riêng của Đồng Nai tại Diễn đàn Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam tổ chức tại TP.Biên Hòa
GS-TS Trần Văn Hâu (giữa) trao đổi với nông dân trồng sầu riêng của Đồng Nai tại Diễn đàn Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam tổ chức tại TP.Biên Hòa

Chung tay xây dựng thương hiệu quốc gia

* Diện tích sầu riêng đang tăng rất nhanh, theo ông giải pháp nào để cây sầu riêng không rơi vào cảnh dội chợ trong thời gian tới?

- Khắp các vùng, miền đang trồng sầu riêng rất nhiều, ngay cả các vùng đất nhiễm phèn hay vùng bị ảnh hưởng lũ nặng ở đồng bằng Sông Cửu Long cũng đua nhau phát triển cây trồng này. Ở Đông Nam bộ, Tây nguyên nguồn quỹ đất còn nhiều và cũng đang tập trung chuyển đổi sang trồng sầu riêng.  Chính vì vậy, cơ hội phát triển cho cây trồng này còn rất lớn nhưng rủi ro trong tương lai như thế nào khó mà đoán được.

Hiện Việt Nam chưa có hiệp hội sầu riêng, việc trao đổi, học hỏi và hoàn thiện về kỹ thuật chăm sóc, sản xuất sầu riêng rất hữu ích cho ngành sầu riêng của Việt Nam. Ở đây vai trò của hiệp hội rất quan trọng trong việc kết nối, trao đổi để góp phần phát triển ngành này.

Theo tôi, nông dân không nên chạy theo phong trào nhân rộng diện tích cây trồng này mà phải quan tâm, đầu tư về kỹ thuật trồng để làm ra chất lượng ngon. Ngoài ra, nông dân nên đầu tư làm sầu riêng trái vụ. Vì xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn so với Thái Lan vì nước họ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này. Tại Thái Lan tháng 1, tháng 2 họ không có sầu riêng, đây là cơ hội để Việt Nam cạnh tranh với đối thủ nặng ký này. Nếu làm nghịch vụ, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu trong các tháng Thái Lan không có sầu riêng. Thời vụ thu hoạch của Việt Nam là từ tháng 4 đến tháng 10 nhưng vùng đồng bằng sông Cửu Long làm nghịch vụ cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3. Ở H.Tân Phú của Đồng Nai có nông dân làm được sầu riêng nghịch vụ cho thu hoạch vào tháng 3 bán được giá rất cao. Nông dân trồng sầu riêng ở Đồng Nai cũng nên nghiên cứu làm sầu riêng nghịch vụ để không chỉ cạnh tranh được tại thị trường trong nước mà có lợi thế khi tham gia xuất khẩu.

* Vụ thu hoạch vừa qua, sầu riêng sốt giá nhờ xuất khẩu tốt nên xuất hiện tình trạng tranh mua tranh bán, thương lái cắt sầu riêng chưa đủ tuổi, ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?

- Để chất lượng sầu riêng ngon, yêu cầu thu hoạch đúng độ tuổi rất quan trọng. Đây cũng là cơ sở đảm bảo thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Ở đây, từng người, từng khâu trong chuỗi sản xuất, thu hoạch, phân phối phải có trách nhiệm. Trước đây, nông dân vẫn cho việc đánh giá độ già và cắt sầu riêng là chuyện của thương lái và không mấy quan tâm. Nông dân phải ý thức rõ là qua mã số vùng trồng, mọi người sẽ biết đây là trái sầu riêng của vườn nào. Và nông dân đang bán trái sầu riêng có tên mình nên có ý thức giữ gìn uy tín của nhà vườn, rồi rộng hơn là vùng và quốc gia.

* Nhiều năm gắn bó, tâm huyết với các nhà vườn, ông có nhắn nhủ gì thêm với nông dân trồng sầu riêng trong nước?

- Nông dân nên lưu ý nắng nóng, nhiệt độ cao làm sầu riêng rụng trái rất nhiều. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy, nông dân cần quan tâm, tìm giải pháp ứng phó với tình trạng trên để giảm sự ảnh hưởng đến cây sầu riêng.

* Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều
Cây phong linh Giống hoa vàng